Philippines yêu cầu Trung Quốc ngừng khiêu khích sau vụ tia laser

Tia laser chiếu từ một tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5205 vào các tàu tiếp tế của Philippines hôm 6 tháng Hai 2023. Ảnh từ video của Tuần duyên Philippines PCG.

Trung Quốc nên kiềm chế các lực lượng, không cho họ thực hiện bất kỳ “hành động khiêu khích nào” nữa, quân đội Philippines tuyên bố hôm thứ Hai 13 Tháng Hai 2023, vài ngày sau khi Manila cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng tia laser để ngăn cản quân đội Philippines tiếp tế cho lính của họ ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters đưa tin lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) nói tàu của họ đang hỗ trợ một phái bộ hải quân vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho quân đội trên một đảo san hô ở vùng biển tranh chấp vào ngày 6 Tháng Hai thì một tàu tuần duyên Trung Quốc chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào họ, làm mù mắt tạm thời các thủy thủ Philippines.

“Tôi nghĩ đã đến lúc chính phủ Trung Quốc phải kiềm chế các lực lượng của mình để không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân”, người phát ngôn của quân đội Philippines, Đại tá Medel Aguilar, nói với báo chí. 

Ông Aguilar dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói rằng hành động của Trung Quốc là “tấn công” và không an toàn.

Vụ việc xảy ra tại Bãi Cỏ Mây – một bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, có tên quốc tế là Second Thomas Shoal và người Philippines gọi là Ayungin Shoal – cách tỉnh Palawan của Philippines 105 hải lý (195 km), tức là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Để xác lập chủ quyền đối với bãi cạn này, năm 1999 Philippines đã cố ý neo chiếc chiến hạm cũ BRP Sierra Madre dài 100 mét trên bãi cạn, biến con tàu rỉ sét từ thời Thế Chiến thứ Hai thành một đồn lính và bố trí ở đó một đội quân nhỏ.

Trung Quốc đã đôi lần dọa sẽ kéo con tàu cũ đi nơi khác, và đã cũng đã đôi lần ngăn cản quân đội Philippines tiếp tế cho quân lính của họ trên bãi cạn, vụ mới nhất diễn ra vào Tháng Tám, 2022. Nhưng sự kiện hôm 6 Tháng Hai 2023 là lần đầu tiên tàu Trung Quốc sử dụng tia laser và gây tổn thương về thể chất cho thủy thủ Philippines.

“Việc cố ý ngăn chặn các tàu của chính phủ Philippines vận chuyển thực phẩm và đồ tiếp tế cho quân nhân của chúng tôi… là sự coi thường trắng trợn và vi phạm rõ ràng quyền chủ quyền của Philippines”, PCG cho biết trong một tuyên bố.

Trong năm 2022, Philippines đã gửi hơn 200 công hàm ngoại giao phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Philippines.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại rằng lực lượng tuần duyên của họ hành động theo luật pháp.

“Chúng tôi kêu gọi Philippines tránh những hành động như vậy, và hành động của nhân viên Trung Quốc là chuyên nghiệp và kiềm chế, phù hợp với luật pháp Trung Quốc và luật quốc tế”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói trong một cuộc họp báo thường kỳ vào thứ Hai 13 Tháng Hai 2023.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Hoa Kỳ ủng hộ Philippines phản đối việc sử dụng tia laser. “Hành vi của PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) là khiêu khích và không an toàn,” ông Price nói trong một tuyên bố. “Nói rộng hơn, hành vi nguy hiểm của CHND Trung Hoa đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

PCG không nói chi tiết “laser cấp độ quân sự” là gì nhưng những hình ảnh mà họ cung cấp cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ một tàu Trung Quốc mang số 5205.

Văn phòng của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos từ chối bình luận, đề cập đến các phóng viên về tuyên bố của PCG. Ông Marcos đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước khi Trung Quốc nói rằng họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề hàng hải một cách “thân thiện”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng tia laser trong khu vực.

Vào Tháng Hai năm ngoái, Úc đã cáo buộc Trung Quốc có “hành động đe dọa” sau khi một tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay giám sát quân sự của Úc.

Được biết, nỗ lực ngăn chặn sứ mệnh tiếp tế của Philippines diễn ra khi chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos gần đây đã bày tỏ sự cởi mở trong việc thiết lập một thỏa thuận cho phép các lực lượng của Nhật Bản thăm viếng các căn cứ quân sự của Philippines để tăng cường an ninh hàng hải. Ông Marcos đã đến thăm Nhật Bản vào tuần trước.

Tổng thống Philippines gần đây cũng đã trao cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines hơn, điều mà Trung Quốc cho rằng làm suy yếu sự ổn định khu vực và gia tăng căng thẳng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: