Đọc được những gì đang diễn ra trong đầu Vladimir Putin là điều không đơn giản. Nhưng thỉnh thoảng lãnh đạo Điện Kremlin lại làm cho điều đó trở nên dễ dàng hơn. Đó là việc vừa xảy ra khi Tổng thống Nga gặp các nhà khoa học, doanh nhân trẻ và cho biết mục tiêu của ông ta tại Ukraine là khôi phục nước Nga như một cường quốc trong cương vị là “Sa hoàng mới”.
Bộ mặt thật phô bày
Sự ngưỡng mộ của Putin dành cho Peter Đại đế (Peter the Great) đã được nhiều người biết nhưng giờ đây ông ta đã bộc lộ tham vọng ý trở thành một “người vĩ đại” như thế! Tại cuộc gặp nói trên, Putin đã công khai so sánh mình với Sa hoàng Nga, đánh đồng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine với các cuộc chiến tranh bành trướng của Peter cách đây ba thế kỷ, đồng thời không ngại xác nhận mục đích của “chiến dịch hành quân đặc biệt” ở Ukraine là để “lấy lại những gì từng thuôc về mình”! Tham vọng xây dựng đế chế mới không hề che giấu của Putin là điềm xấu cho Ukraine và cho các nước láng giềng. Estonia gọi tuyên bố của ông ta là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Trước khi nói với cử toạ trẻ về công nghệ thông tin và phát triển công nghệ, Putin tận dụng cơ hội tuyên truyền về chính trị và quyền lực; ông ta nhấn mạnh: cuộc chiến đang diễn ra là cơ hội để giành vị trí thống trị về địa chính trị. Ông ta nói thẳng với số khán giả chọn lọc: Peter Đại đế là hình mẫu cho mục tiêu này! Sa hoàng Peter Đại đế (1672-1725) được coi là hoàng đế đầu tiên đã biến nước Nga từ một nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Á thành một cường quốc châu Âu vào thế kỷ 18. Thành tích lớn nhất của vị vua chuyên chế này là những cuộc chiến tranh lấn chiếm đất đai của các lân bang. Thành phố mang tên ông, St. Petersburg, từng là thủ đô của đế chế Nga cho đến cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, được ông cho xây dựng trên vùng đất chiếm được của Thụy Điển.
“Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc (Great Northern War) trong 21 năm – nhà lãnh đạo Nga nói một cách thoải mái và tự mãn – Bạn có thể nghĩ ông ấy gây chiến với Thụy Điển là để giành lấy đất đai của họ? Thật ra ông ta không chiếm đất của ai; mà chỉ đòi lại… Chỉ là lấy lại và củng cố cái vốn là của mình”. Putin kết thúc bằng nụ cười nhếch mép làm người nghe liên tưởng đến Ukraine và mục tiêu chính của ông ta. Putin gợi ý rằng cách cai trị của Peter là bằng chứng cho thấy việc mở rộng lãnh thổ là chọn lựa tốt nhất cho sức mạnh Nga.
Các nước lân bang cảnh giác
Gần đây, Putin đã trích dẫn rất nhiều về quá khứ của nước Nga nhưng sàng lọc cẩn thận để phù hợp với mục tiêu của mình. Vài tháng trước khi tấn công Ukraine, Putin đã viết một bài xã luận dài, trong đó điểm chính là lập luận về quyền tồn tại của nước Nga trong lịch sử.
Nhưng khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24 Tháng Hai, Putin đánh lạc hướng dư luận quốc tế rằng đây là một chiến dịch đặc biệt chỉ giới hạn ở khu vực phía đông Donbas nhằm “phi phát xít hóa” Ukraine và loại bỏ mối đe dọa đối với Nga. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc xâm lược, Putin cũng đưa ra một loạt nỗi bất bình để biện minh cho chiến tranh, từ việc NATO mở rộng về phía đông cho đến việc phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Nhưng ngay khi ông ta đang thốt ra những lời giả dối này các lực lượng Nga không đi vào phía đông mà mượn đường Belarus tiến đánh thủ đô Kyiv và ném bom cả các lãnh thổ xa hơn về phía tây. Hơn 100 ngày sau, 20% lãnh thổ Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga, với các chính quyền bù nhìn thảo luận việc sáp nhập vào Nga. Nay Putin cảm thấy đủ tự tin hơn để thừa nhận chiến dịch trên thực chất là một sự lấn đất và chiếm đóng. Tổng thống Nga nghĩ rằng cuối cùng phương Tây cũng phải chấp nhận thực tế chiến trường, chấp nhận những gì quân Nga đang làm trong lãnh thổ Ukraine như một “việc đã rồi”! Ông ta nói: “Khi Peter xây dựng St Petersburg như thủ đô mới của Nga, không có quốc gia phương Tây nào công nhận lãnh thổ đó là của Nga. Nhưng bây giờ họ đã công nhận”.
Tuyên bố của Putin nhanh chóng bị người Ukraine lên án và xem đây là sự thừa nhận trơ trẽn tham vọng đế quốc của Putin. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: “Việc Putin thú nhận chiếm đất và tự so sánh mình với Peter Đại đế là để chứng minh: không có xung đột, chỉ là ‘qui cố hương’. Nhưng thực tế đó là tội ác diệt chủng. Vì vậy, chúng ta không nên nói về việc đừng làm mất mặt Nga (ám chỉ cảnh báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị Tổng thống Ukraine Zelensky chỉ trích) mà về việc xóa bỏ tham vọng đế quốc này ngay lập tức”.
Putin cho rằng có hai loại nhà nước: Nhà nước có chủ quyền và người bị chinh phục, Ukraine nên thuộc loại thứ hai. Từ lâu, Putin luôn lập luận người Ukraine không có bản sắc dân tộc hợp pháp và nhà nước của họ về cơ bản là một con rối của phương Tây. Nói cách khác, ông ta cho rằng người Ukraine không có quyền tự quyết và không phải là chủ thể trong bang giao quốc tế.
Dự án khôi phục đế quốc của Putin về lý thuyết, có thể mở rộng từ Ukraine sang các vùng lãnh thổ khác từng thuộc đế quốc Nga hoặc Liên bang Xô viết. Nguy cơ này khiến tất cả các quốc gia nổi lên sau sự sụp đổ của Liên Xô, đặc biệt các nước vùng Baltic phải báo động. Bộ Ngoại giao Estonia đã triệu tập đại sứ Nga để lên án việc Putin nhắc lại việc Peter Đại đế tấn công Narva, hiện thuộc Estonia.
Bành trướng là “thuộc tính” của nước Nga
Peter Đại đế dù là kẻ chuyên quyền tàn nhẫn nhưng rất ngưỡng mộ các ý tưởng, khoa học, văn hóa phương Tây. Ông ta nổi tiếng đã xây dựng St Petersburg thành một “cửa sổ tại châu Âu” và đi đây đó nhiều với khát khao thu thập kiến thức để đưa nước Nga tiến lên hiện đại. Nhưng sự cai trị ngày càng đàn áp người dân của Putin đang đóng dần cánh cửa giao lưu với phương Tây và đóng hẳn trong cuộc chiến Ukraine đã khiến ý tưởng bắt chước Peter tìm kiếm ý tưởng và nguồn cảm hứng không còn thực hiện được. Khi Putin rao giảng cho các doanh nhân trẻ về một Sa hoàng của thế kỷ 18, ông ta cũng muốn gieo vào đầu óc họ niềm lạc quan về tương lai, vun đắp sự tự tin vào chiến thắng. Có vẻ Putin quyết tâm thực hiện mục tiêu và thách thức mọi sự lên án và trừng phạt của phương Tây. Nhưng có một bài học khác từ sử sách Nga mà ông ta nên học: Peter Đại đế dù cuối cùng cũng chinh phục được vùng đất từ Baltics đến Hắc Hải nhưng Nga đã phải chiến đấu đến 21 năm.
Khôi phục lại đế chế cũng có thể là dấu chấm hết cho nước Nga của Putin. Đầu tuần này, một thứ trưởng từ đảng Nước Nga Thống nhất ủng hộ Điện Kremlin đã đệ trình dự thảo luật lên Duma Quốc gia (tức hạ viện Nga) yêu cầu bãi bỏ nghị quyết của Liên Xô công nhận nền độc lập của Lithuania – người Việt trong nước gọi là Litva, một trong ba nước cộng hòa vùng Baltic – một thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU). Nhìn lại lịch sử sẽ thấy, nếu không tính đến quá khứ đế quốc của Nga, dù dưới thời Liên Xô hay Sa hoàng, thì ít có khả năng một nước Nga không có Putin sẽ từ bỏ hình mẫu xâm lược các nước láng giềng hoặc trở thành một quốc gia dân chủ hơn.
Năm 1994, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski khẳng định: “Nga chỉ có thể từ bỏ thói quen đế quốc nếu chịu từ bỏ các tuyên bố chủ quyền với Ukraine”. Đối với Putin, để tồn tại, Nga phải là một đế chế, bất kể cái giá con người phải trả, nên chữ “từ bỏ” không thể có trong tự điển bành trướng của ông ta.
Đọc thêm: