Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine không diễn ra theo đúng kế hoạch, và Putin đang tìm cách đổ lỗi cho các sĩ quan cấp cao tại Cục An ninh Liên bang (FSB) – cơ quan tình báo kế nhiệm KGB – về “sự sa lầy không biết có cách nào thoát ra trong danh dự”, đặc biệt là danh dự của một cường quốc “không sợ giết người, chỉ sợ mất mặt”.
Putin được cho là đã thanh trừng hơn 100 điệp viên khỏi FSB, và ông ta đã tống giam người đứng đầu bộ phận chịu trách nhiệm về Ukraine. Theo nhiều nguồn, trong đó có The Times of London số ra ngày 11 Tháng Tư, khoảng 150 sĩ quan FSB đã bị sa thải. Các điệp viên mất việc thuộc đơn vị Cục Năm (“Fifth Service”), một bộ phận đặc biệt mà Putin, khi đó là giám đốc FSB, thành lập vào năm 1998 để thực hiện các hoạt động gián điệp ở những nước thuộc Liên Xô cũ, nhằm mục đích giữ cho các quốc gia này không đi ra ngoài “quỹ đạo” của Nga.
Sergei Beseda, Cựu lãnh đạo Cục Năm đã bị quản thúc vào tháng trước và vừa được chuyển đến nhà tù Lefortovo do FSB cai quản ở Moscow. Cơ quan mật vụ ác ôn NKVD, tiền thân KGB, từng sử dụng nhà tù này để thẩm vấn và tra tấn những kẻ “phản cách mạng” trong cuộc Đại thanh trừng (Great Purge) kinh hoàng của Stalin vào thập niên 1930. Andrei Soldatov, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (Center for European Policy Analysis-CEPA), nói với tờ The Times:
“Hành động không khoan nhượng của Putin với đồng nghiệp cũ đã gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới giới tinh hoa ở Nga. Tôi ngạc nhiên tại sao Putin không chỉ đơn giản sa thải Beseda, cho về hưu hoặc cử ông ta làm một công việc nào đó kiểu “ngồi chơi xơi nước” ở Siberia. Lefortovo không phải là một nơi tốt đẹp và việc tống Beseda đến đây là một tín hiệu cho thấy Putin coi trọng chiến thắng tại Ukraine như thế nào. Theo tôi, hình phạt nặng là vì Putin nghi ngờ Beseda đã chuyển thông tin cho CIA”.
Nga đang thua trong cuộc đấu gián điệp?
Bây giờ Putin dường như hiểu rằng thông tin tình báo mà ông ta được cung cấp trước cuộc xâm lược là không chính xác và ông ta bắt đầu nhìn xung quanh để cố gắng tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm. Trong khi quân đội Nga chật vật không biết làm cách nào chiếm đóng Ukraine, nếu không dùng vũ khí hóa học để hủy diệt toàn bộ các ổ kháng cự trong tình hình vũ khí Nga gần như bế tắc, Moscow cũng đau đầu trong cuộc chiến tình báo mà tin mật cứ liên tục bị lộ. Tuần trước, FBI thông báo việc phá vỡ một âm mưu của quân đội Nga nhằm thiết lập một “mạng botnet” tấn công các thiết bị cá nhân mục tiêu ở Mỹ và một số nơi khác.
Cuối tháng trước, tình báo Ukraine cũng công khai danh sách hơn 600 điệp viên Nga mà họ có được. Dân biểu Ritchie Torres (Đảng Dân chủ, tiểu bang New York) đã kêu gọi FBI điều tra Khu liên hợp ngoại giao Nga (Russian Diplomatic Compound) tại thành phố New York, nơi theo các chuyên gia đang được Nga dùng để tiến hành các hoạt động gián điệp phi pháp tại Mỹ. “Chúng tôi kinh hoàng và ghê tởm trước cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ của Putin chống lại Ukraine. Chúng tôi càng kinh hoàng trước tội ác chiến tranh của ông ta đối với người dân Ukraine. Vì vậy, tôi đã chính thức yêu cầu FBI mở cuộc điều tra về hoạt động gián điệp tại khu ngoại giao Nga” – Torres nói với các phóng viên ngày 12 Tháng Tư về tòa tháp cao tầng màu trắng nằm trên đường 355 West 255th Street trong quận Bronx của New York. Đảng Dân chủ Bronx gọi nó là “một cấu trúc gián điệp theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen”.
Cần nhắc lại, từ mùa Thu 2021, Washington và London quyết định phải có phản ứng trước những gì các điệp viên của họ thu thập được. Quyết định đó đã được Tổng thống Biden thảo luận ở cấp cao nhất tại Toà Bạch Ốc. Tháng Mười Một 2021 là thời điểm quan trọng khi Giám đốc CIA William Burns đến Moscow để cảnh báo với Putin là Mỹ đã biết kế hoạch của Nga. Một quan chức Mỹ cho biết một số quan chức Nga chỉ biết đất nước họ có ý định tấn công Ukraine khi giám đốc CIA tiết lộ điều này!
Giai đoạn tiếp theo là công khai một số thông tin tình báo. Một cá nhân tham gia vào các cuộc thảo luận “lộ mật” nhớ lại câu chất vấn thường gặp: “Biết tất cả những thông tin này thì có ích gì nếu chúng ta không thể làm gì với người Nga?”. Tại Washington, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines (người thông báo âm mưu của Nga cho các đồng minh NATO vào Tháng Mười Một) và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng đứng về phe ủng hộ tiết lộ tài liệu mật càng nhanh càng tốt. Được bật đèn xanh, các chuyên gia giải mật, chuyên viên phân tích rủi ro đã làm việc suốt ngày đêm để xem những gì nên chia sẻ với thế giới.
Một lợi thế nữa là có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh có sẵn trên thị trường để hỗ trợ các tiết lộ. Vào đầu Tháng Mười Hai 2021, chi tiết về kế hoạch của Nga cho một cuộc xâm lược với 175,000 quân xuất hiện lần đầu trên tờ The Washington Post. Dù quyết định phát tán các tin tình báo mật không đủ để ngăn chặn cuộc xâm lược nhưng nó đã giúp phương Tây chuẩn bị sẵn sàng các phản ứng cần thiết và thống nhất khi cuộc xâm lược xảy ra. Các điệp viên Mỹ-Anh tin rằng việc công khai tài liệu về âm mưu xâm lược và dàn dựng “hiện trường” giả để lấy cớ xâm lược đã tước mất sự lươn lẹo biện minh của Kremlin rằng cuộc xâm lược là “hành động phòng thủ”.
___________
Nhà tù khét tiếng Lefortovo
Lịch sử quận Lefortovo ở Moscow, nằm bên bờ sông Yauza, có từ thế kỷ 17. Khu vực này xưa kia là địa điểm có nhiều người nước ngoài đến cư trú. Nó được đặt là “Lefortovo” theo tên Franz Lefort, một người Thụy Sĩ yêu mến Peter Đại đế. Có nhiều cung điện tráng lệ và công trình công cộng được xây bên bờ sông, trong đó có Cung điện Catherine khổng lồ, hiện là nơi đặt Học viện Binh chủng Thiết giáp. Công viên Lefortovo có ao, suối và kênh đào kiểu Hà Lan cũng như cơ sở thể thao cho quân khu Moscow với sân vận động, sân chơi, quán cà phê và dịch vụ cho thuê đồ trượt tuyết.
Nơi nổi tiếng nhất địa danh này là một nhà tù mà KGB cũng như các tổ chức an ninh trước đó giam những “đối tượng đặc biệt”. Tiết lộ ớn lạnh nhất liên quan nhà tù Lefortovo là những gì được kể trong quyển sách 544 trang, Das Geheime wird Offenbar – Moskauer Archive erzaehlen (Những bí mật được phơi bày – Kho tàng thư Moscow hé lộ) của nhà sử học Ukraine, Giáo sư Tiến sĩ Michael S. Voslensky. Từng là thông dịch viên tại các phiên xử tội phạm chiến tranh Nuremberg và sau này làm việc cho Hội đồng Kiểm soát Đồng minh (Allied Control Council), Michael S. Voslensky thuật rằng tại nhà tù Lefortovo khét tiếng của KGB, có một máy xay thịt khổng lồ. Xác nạn nhân được xay nát và sau đó được tống vào hệ thống cống công cộng.