Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan từ 1-5, “chấm dứt cuộc chiến tranh mãi mãi”

Tổng thống Joe Biden hôm nay thứ Tư 14-04 cho biết quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan bắt đầu từ ngày 01-05-2021 và kết thúc vào ngày 11-09-2021, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày nước Mỹ bị tổ chức Al-Qaeda tấn công khủng bố – sự kiện bi thảm đã khiến Mỹ tấn công vào hang ổ khủng bố ở Afghanistan.

Việc rút quân sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ, tổn thất 2.448 binh sĩ và khoảng 2.000 tỷ USD. Vào lúc cao điểm năm 2011, quân số Hoa Kỳ ở Afghanistan lên tới hơn 100.000 người.

Trong một bài phát biểu ở Tòa Bạch ốc, Tổng thống Joe Biden nói rằng trong thập niên qua, sau khi lật đổ chính quyền Taliban dung dưỡng khủng bố ở Afghanistan, các mục tiêu của Mỹ ở đó trở nên “không rõ ràng”. Ông cũng bác bỏ yêu cầu tiếp tục giữ các lực lượng Mỹ ở lại để đảm bảo giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nội bộ đang gay gắt giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chống đối.

“Nó [việc quân Mỹ đóng ở Afghanistan] không bao giờ có nghĩa là một công việc của nhiều thế hệ. Chúng ta đã bị tấn công. Chúng ta đã ra trận với những mục tiêu rõ ràng. Chúng ta đã hoàn thành được những mục tiêu đó”, ông Biden nói và nhắc lại thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt năm 2011 và tổ chức này đã “suy thoái” ở Afghanistan. “Và đã đến lúc kết thúc cuộc chiến mãi mãi”, ông Biden nói thêm.

“Tôi bây giờ là tổng thống Mỹ thứ tư chủ trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Hai tổng thống Cộng hòa. Hai tổng thống Dân chủ. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho một tổng thống thứ năm,”

Tổng thống Joe Biden

Quyết định rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan thực ra đã được chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump đưa ra trước đây, với thời hạn cuối là ngày 01-05-2021, cùng với việc khởi động cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban về tái lập hòa bình và chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, đến nay đàm phán có rất ít tiến triển. Chính quyền Biden tiếp tục thực hiện quyết định rút quân nhưng lùi thời hạn để hai phe Afghanistan có thêm thời gian thương lượng.  

“Tôi bây giờ là tổng thống Mỹ thứ tư chủ trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Hai tổng thống Cộng hòa. Hai tổng thống Dân chủ. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho một tổng thống thứ năm,” ông Biden nói.

Quyết định rút quân của Hoa Kỳ đang bị nhiều lời chỉ trích rằng nó thể hiện sự thừa nhận thất bại trên thực tế đối với chiến lược quân sự của Mỹ. Có những ý kiến cho rằng Mỹ đang lặp lại sai lầm khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau hiệp định Paris 1973, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ở Afghanistan, sau khi Mỹ và đồng minh rút đi, tổ chức khủng bố Al Qaeda có thể tự tái lập hoặc lực lượng nổi dậy của Taliban có thể lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul. Những thành quả mà người Mỹ đã tạo dựng ở đây, như chính phủ đại diện, nhân quyền và quyền bình đẳng của phụ nữ, có thể sẽ bị xóa sạch.

Trong phát biểu, ông Biden bác bỏ ý kiến ​​cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ là đòn bẩy cần thiết để duy trì hòa bình ở Afghanistan. “Chúng ta đã lập luận như vậy trong suốt một thập niên nhưng quan điểm đó chưa bao giờ được chứng minh là hiệu quả”, ông nói. “Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một con bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác”, ông Biden nói thêm.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa), dù trước đây tán thành quyết định rút quân của Tổng thống Trump nay lại nằm trong số những người chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của Tổng thống Biden. Ông Graham nói rằng việc rút quân sẽ phản tác dụng, sẽ kéo dài xung đột và thậm chí có thể thổi luồng sinh khí mới vào Al Qaeda.

“Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một con bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác”,

Tổng thống Joe Biden

Tuy nhiên, những người chỉ trích sự can dự của quân đội Mỹ và tán thành quyết định của ông Biden cho rằng không thể buộc Taliban chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Mỹ . Một số chuyên gia đổ lỗi cho nạn tham nhũng phổ biến ở Afghanistan, nơi trú ẩn an toàn của Taliban ở biên giới với Pakistan và các mục tiêu quá tham vọng trong việc huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan.

Gặp gỡ các quan chức NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết quân đội nước ngoài dưới sự chỉ huy của NATO ở Afghanistan sẽ phối hợp với việc Mỹ rút quân vào ngày 11-9, sau khi Đức cho biết họ sẽ hợp tác với kế hoạch của Mỹ.

Ngoại trưởng Blinken cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Tư lệnh quân đội Pakistan vào thứ Tư và thảo luận về tiến trình hòa bình ở nước láng giềng Afghanistan, truyền thông của quân đội Pakistan cho biết.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani viết trên Twitter rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Biden và tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác Hoa Kỳ để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ” và “chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Hoa Kỳ / NATO trong các nỗ lực hòa bình đang diễn ra”, ông Ghani nói thêm.

Một hội nghị về Afghanistan dự kiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 4 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham gia của đại diện Liên hiệp quốc và Qatar. Tuy nhiên, Taliban, lực lượng bị lật đổ năm 2001, cho biết họ sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị nào về Afghanistan cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài rời đi. Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid hôm thứ Tư đã kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ thỏa thuận mà tổ chức này đã đạt được với chính quyền Trump.

Tại thủ đô Kabul của Afghanistan, các quan chức chính phủ cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình và lực lượng của họ vẫn tiếp tục bảo vệ đất nước.

Abdullah Abdullah, một quan chức hàng đầu và cựu ứng cử viên tổng thống cho biết: “Bây giờ đã có thông báo về việc rút quân nước ngoài trong vòng vài tháng chúng tôi cần tìm cách để cùng tồn tại. Chúng tôi tin rằng không có người chiến thắng trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và chúng tôi hy vọng Taliban cũng nhận ra điều đó.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: