Một ngày sau khi đồng ý trừng phạt Nga bằng lệnh cấm nhập khẩu lượng dầu trị giá hàng tỷ đô la mỗi ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Ba đã phải tìm cách giúp Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc đang bị Nga phong tỏa tại các hải cảng.
Ukraine là một “cường quốc” về sản xuất và xuất cảng lúa mì, hạt cải dầu và nhiều loại ngũ cốc. Ngay sau khi chiến tranh với Nga nổ ra, hải quân Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine trên biển Hắc Hải và biển Azov, khiến cho hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraine không xuất cảng được, đe dọa một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Phong tỏa hải cảng cũng là một chiến thuật của Nga nhằm triệt hạ nền kinh tế Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU đang có một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels, thủ đô Bỉ. Ngày hôm qua hội nghị đã đồng ý cấm nhập cảng xăng dầu của Nga nhằm làm suy yếu nguồn tài chính cho hoạt động chiến tranh của Kremlin. Ngày hôm nay thứ Ba 31 tháng Năm 2022, EU tiếp tục thảo luận tìm phương cách nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, tránh nguy cơ xảy ra nạn đói ở một số nước nghèo ở châu Phi và Trung Đông, vốn dựa vào nguồn cung cấp lương thực của Ukraine.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, đã đổ lỗi cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang “vũ khí hóa” lương thực thực phẩm. Cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra “chỉ là lỗi của Nga”, bà von der Leyen nói và dẫn chứng sự kiện Nga đã phong tỏa 22 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine, bắn phá các nhà kho cất giữ lúa mì và đặt mìn các cánh đồng.
Châu Âu đã yêu cầu Nga mở “một hành lang an toàn” trên biển Hắc Hải bằng cách nới lỏng các biện pháp phong tỏa để các tàu biển chở ngũ cốc của Ukraine, và cả của Nga, được ra vào các hải cảng, vận chuyển lương thực ra thị trường thế giới. Kremlin cho biết, Nga chỉ thực hiện yêu cầu đó với điều kiện Ukraine phải tháo gỡ mìn quanh cảng Odessa trên biển Hắc Hải và Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải nới lỏng các biện pháp cấm vận xuất khẩu hàng hóa Nga.
***
Nỗi lo một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gay gắt khi Nga liên tục tấn công vào năng lực sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cản trở nguồn cung cấp từ một trong những “lò bánh mì” của thế giới. Nhưng việc đàm phán để gỡ bỏ biện pháp phong tỏa của Nga đặt EU trước hàng loạt thách thức: đối đầu hoặc thỏa hiệp với Nga.
Về phần mình, Hoa Kỳ cũng nóng lòng muốn thúc đẩy việc xuất cảng ngũ cốc của Ukraine và Nga ra thị trường để góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu – một trong những yếu tố quan trọng gây ra lạm phát cao ở Mỹ và các nền kinh tế Phương Tây. Đại sứ, Trưởng phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Thomas-Greenfield cho biết Hoa Kỳ sẽ viết “thư bảo đảm” cho các hãng tàu biển và công ty bảo hiểm để họ yên tâm rằng vận chuyển ngũ cốc, phân hóa học của Nga ra thị trường là không vi phạm các lệnh cấm vận.
Trong một diễn biến liên quan, Nga có thể sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO nhưng không là thành viên EU và có mối quan hệ gần gũi với Moscow – để mở đường xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Báo The New York Times hôm thứ Ba 31 tháng Năm dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết một phái đoàn quân sự của Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu sẽ đến Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8 tháng Sáu sắp tới để thảo luận với Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ việc mở hành lang an toàn cho tàu bè chở ngũ cốc qua biển Hắc Hải. Được biết hôm qua thứ Hai, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tỏ ý muốn phối hợp với Thổ để nối lại việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển. Ông Putin có vẻ lo ngại những chuyến tàu đến cảng Odessa để nhận ngũ cốc có thể chở theo vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Hồi đầu tháng Năm, Liên Hiệp Quốc cho biết tổ chức quốc tế này muốn đứng ra dàn xếp một thỏa thuận về xuất cảng ngũ cốc giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Đọc thêm: