Sự hối tiếc muộn màng

“Hiệu ứng” của chiến dịch tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười không phải là sự lên án Hamas mà là sự trút giận cuồng nộ của thế giới lên đầu Israel – đây là thành quả chính trị mà Hamas thu được (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

Israel đã có cơ hội giết Mohammed Deif vào năm 2003, còn Yahya Sinwar được trả về sau khi ngồi tù đến năm 2011. Hai tên đồ tể này là thủ phạm chính cuộc tàn sát 7 Tháng Mười 2023.

Cơn giận dữ đang ăn mòn nội các chiến tranh của Israel là sự hối tiếc. Dù Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có cố sửa sai thế nào thì cảm giác chung vẫn là… quá muộn!

Lương tâm bất ngờ xuất hiện không đúng chỗ!

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hứa sẽ “trả thù mạnh mẽ” tổ chức khủng bố Hamas. Nhưng trả thù không phải là cách thể hiện sự tức giận duy nhất hoặc làm hao tâm tổn trí nhất mà là sự ân hận khi “thả cọp về rừng”.

“Chúng ta đã làm hỏng chuyện,” Thiếu tướng Yoav Gallant, hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói với phóng viên của Washington Post sau cuộc không kích ngày 6 Tháng Chín, 2003 nhằm tiêu diệt ban lãnh đạo Hamas. 

Hôm đó, tám chỉ huy cấp cao của Hamas, gồm các nhà sản xuất bom và phát triển hoả tiễn Qassam hẹn gặp nhau để ăn trưa ở tầng trệt của một ngôi nhà ở Gaza. Đó là sự xuất hiện hiếm hoi giữa ban ngày của Mohammed Deif, thủ lĩnh quân sự trong bóng tối của Hamas.

“The terrorist dream team!” (nhóm khủng bố trong mơ) là cách Avi Dichter, lúc đó đứng đầu Shin Bet, cơ quan an ninh nội bộ của Israel, mô tả danh sách khách mời. 

Dichter, tướng Gallant và các quan chức an ninh Israel có mặt trong phòng chiến tranh đã tranh luận hàng giờ là nên thả quả bom lớn cỡ nào xuống ngôi nhà để tránh nguy cơ thương vong cho dân thường. 

“Trẻ em Palestine đang chơi bên ngoài ngôi nhà,” một vị tướng nói. “Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan bi thảm, một quyết định được, mất giống như nhiều lần trước đây”. 

Dichter chủ trương tấn công tổng lực, Gallant gọi đây là “cơ hội chỉ có một lần trong đời”, một số người lập luận, về lâu dài, vụ ám sát này sẽ cứu được mạng sống của nhiều người Israel và người Palestine. 

Bên trong ngôi nhà khá kiên cố, thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, đang múc cơm lên đĩa cho Sheik Ahmed Yassin, người sáng lập tinh thần của Hamas thì chiếc F-16 của lực lượng không quân Israel thả bom lên mái nhà. 

“Vụ nổ làm rung chuyển phòng ăn,” Haniyeh kể lại với nụ cười cay đắng sau đó. “Bụi từ trần nhà rơi xuống và tôi nhìn lên, nói, chúng ta bị tấn công, thưa Sheik”.

Mọi việc diễn ra đúng kế hoạch nhưng có một điều “hối tiếc” đến tận hôm nay là vào phút cuối, người Israel đã thay thế quả bom khủng nặng 1 tấn bằng quả bom chỉ nặng 1/4 tấn. 

Họ không muốn giết những đứa trẻ và dân thường chung quanh ngôi nhà. Các quan chức Israel giải thích: “Quả bom nhỏ hơn là do mệnh lệnh của đạo đức và dư luận. Uy tín của chính phủ Israel phụ thuộc vào sự ủng hộ và cảm thông trong nước và quốc tế”. 

Thoát chết nhờ lòng hảo tâm, tất cả tám thủ lĩnh Hamas đều sống sót và rời khỏi ngôi nhà tưởng đã trở thành nấm mồ chôn họ. Khi phóng viên The Washington Post hỏi tướng Gallant về quyết định thay thế quả bom 1 tấn, ông nổi điên: “Hoặc là tấn công đến nơi đến chốn hoặc là không!”. 

Dichter, hiện là Bộ trưởng Nông nghiệp, gõ chiếc nhẫn cưới của mình lên cạnh bàn, nói: “Ba thành công về mặt đạo đức không bằng một thành công trong hoạt động. Chúng ta thất bại!”. Cả hai lộ rõ sự hối tiếc trước quyết định của họ.

Gili Roman với con gấu bông của đứa cháu gái bị Hamas bắt cóc (trong gia đình Gat ở Be’eri, thân nhân của Gili Roman, có năm người bị bắt cóc, ba người mất tích, hai người thoát mạng sau chiến dịch tàn sát của Hamas (ảnh: Alexi J. Rosenfeld/Getty Images)

Hậu quả của “màn cắn rứt” lương tâm 

Ngày nay, Deif là chỉ huy cánh quân sự dữ dằn của Hamas, lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. 

Một vị tướng Israel từng tham gia cuộc tranh luận về lệnh ám sát năm 2003 hiện đang phục vụ trong chính phủ tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bạn thân của con gái ông đã bị Hamas sát hại tại lễ hội âm nhạc. “Chúng ta đã phạm sai lầm,” ông nói với giọng nặng trĩu nỗi buồn. “Đáng lẽ chúng ta nên giết chúng trước!”. 

Sai lầm thứ hai làm cho nội các chiến tranh của Israel đau đầu là Yahya Sinwar, lãnh đạo Gaza của Hamas. Lực lượng Phòng vệ Israel hiện xác định ông ta là “bộ mặt của cái ác” hay “kẻ sống đã chết”. 

Cùng với Deif, Sinwar được cho là chủ mưu vụ thảm sát ngày 7 Tháng Mười. Năm 2011, Thủ tướng Netanyahu đã trao đổi hơn 1,000 tù nhân Palestine để lấy một người lính Israel duy nhất, binh nhì Gilad Shalit. Trong số trao đổi có cả Sinwar. 

Những người bất bình tố cáo chính thỏa thuận “không cân xứng” năm 2011 đã truyền cảm hứng cho hoạt động bắt giữ hàng loạt con tin của Hamas với hy vọng sẽ tái diễn cuộc trao đổi tù binh không cân xứng nữa: Thả hết tù nhân Palestine trong các nhà tù an ninh Israel để lấy những con tin mới bị bắt. 

Các cuộc đàm phán về con tin đặc biệt gây khó chịu cho Netanyahu nếu nhìn lại lịch sử của gia đình ông. Trong khi giải thoát các con tin Do Thái tại Entebbe năm 1976, anh trai Yoni của ông bị giết ở tuổi 30. Mẹ của ông, bà Cela, đã cho phóng viên The Washington Post xem những lá thư, bộ cờ vua và chiếc thẻ bài bị móp của Yoni khi bà ngồi một mình tại ngôi nhà gia đình ở Jerusalem, nơi bà nuôi dạy các con trai mình. 

Tự hào về cuộc đời của Yoni, nhưng bà Cela thấy cái chết của con trai mình là vô ích. “Tôi rất tức giận. Nó chết để làm gì?”. Nhìn lại khoảng 20 năm sau sứ mệnh giải cứu Entebbe, bà tự hỏi: “Tại sao lúc đó chính phủ Israel từ chối đàm phán với bọn không tặc khi chúng đòi thả 53 tù nhân? Trong khi hàng ngàn tù nhân được thả hôm nay. Yoni không đáng phải chết!”. 

Netanyahu thề sẽ không có ngừng bắn nếu Hamas không thả hết con tin, bất chấp can thiệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Netanyahu đã đặt ra mục tiêu quân sự cứng rắn: Loại bỏ hoàn toàn Hamas, với Deif, Sinwar là hai “án tử hình” đầu danh sách bất chấp thương vong dân thường. 

Chính Israel đã cho phép những kẻ khủng bố hàng đầu sống sót. Bây giờ chúng đang ở Gaza, bên trong đường hầm “thiên la địa võng” dưới lòng đất.

Và gần như chắc chắn chúng đang nở nụ cười đắc thắng và nhạo báng. Không có ánh sáng ở cuối đường hầm cho Hamas. Nhưng Israel sẽ còn hối tiếc cho đến khi những kẻ sống nhờ sự do dự của họ phải chết hết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: