“Súng nổ” ác liệt từ Shangri-La

Lý Thượng Phúc tại Diễn đàn Shangri La Dialogue (ảnh: Britta Pedersen/picture alliance via Getty Images)

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc (Li Shangfu, 李尚福), vừa “chào sân” quốc tế lần đầu tiên vào Chủ nhật 4 Tháng Sáu 2023 tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Shangri-La Dialogue thường niên.

Tại đây, đương sự đã “lên đạn” và “bắn” Mỹ với những lời lẽ ngang ngược đầy khiêu khích. Lý lớn tiếng yêu cầu Washington “hãy lo việc của mình”, đặc biệt sau hai cuộc chạm trán gần đây giữa quân đội hai nước.

“Cách tốt nhất để ngăn điều này không xảy ra là các tàu và máy bay quân sự (Mỹ) không đến gần vùng biển và không phận của chúng tôi”, Lý nói. “Hãy giám sát lãnh hải và không phận của chính mình thì sẽ không có bất kỳ vấn đề gì.”

Trước đó một ngày, Thứ Bảy 3 Tháng Sáu 2023, cùng ngày mà hai tàu chiến Mỹ và Canada cùng đi qua eo biển Đài Loan sau khi đi qua Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã chỉ trích việc Trung Quốc không sẵn sàng ngồi xuống đàm phán và nói chuyện đàng hoàng. Bộ trưởng Lloyd Austin cũng nhấn mạnh việc mời các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Úc, Philippines và Indonesia, tham gia các cuộc tập trận quân sự mở rộng. Mỹ hiện tăng cường chia sẻ công nghệ quân sự với Ấn Độ, tạo khả năng tương tác giữa các hệ thống quân sự của nước này với Nhật Bản; đồng thời xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Úc.

Một trong những sự kiện nóng hổi nhất liên quan sự căng thẳng Mỹ-Trung là vụ chiến hạm Mỹ, Trung Quốc suýt va chạm ở eo biển Đài Loan. Hải quân Canada cho biết một tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã hung hăng cắt ngang và lao vào họ trong phạm vi 150 yard sau khi hướng mũi chực đâm vào tàu Mỹ USS Chung-Hoon. Chưa hết, đầu tháng này, Ngũ Giác Đài cho biết một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã áp sát một cách đầy khiêu khích nguy hiểm trước một máy bay thám sát Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông.

Dù ngang ngược xem trời bằng vung nhưng Trung Quốc luôn xem họ là “thân phận” bị hà hiếp. “Tại sao tất cả điều này lại xảy ra gần vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền của Trung Quốc? Tàu và máy bay của Trung Quốc không bao giờ đến gần vùng trời và vùng biển của các nước khác”, Lý Thượng Phúc nói.

Trong khi đó, giới quan sát tin rằng, Trung Quốc dù luôn mồm nói về hợp tác, nhưng hành động của họ lại hàm chứa một thông điệp khác. “Khi Tổng thống Marcos và chủ tịch Tập gặp nhau ở Bắc Kinh, họ đã đồng ý xử lý những khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình và thúc đẩy tự do hàng hải… Tuy nhiên, khi Trung Quốc đang nói về đối thoại thì hành động của họ lại thể hiện sự đối đầu,” Jay Tristan Tarriela, Phó Chánh văn phòng Lực lượng tuần duyên Philippines phát biểu tại một trong những sự kiện của Hội nghị thượng đỉnh Shangri-La Dialogue. Đầu năm nay, Philippines đã cáo buộc một tàu tuần duyên Trung Quốc bắn “mù mắt” thủy thủ đoàn một tàu cá của họ bằng tia laser cấp độ quân sự (military grade laser).

Nhìn chung, Trung Quốc đã và tiếp tục tạo ra dư luận theo kiểu “có chuyện gì xảy ra” thì “tại Mỹ” cả. Mới đây, Hà Lôi (He Lei, 何雷), phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói với NPR: “Nếu một vụ va chạm xảy ra trong tương lai, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Mỹ. Giá như Mỹ dừng vĩnh viễn những chuyến ‘quá cảnh’ như vậy thì sẽ không có thêm bất kỳ sự cố nào nữa”. Hà Lôi còn nói, việc tàu quân sự Trung Quốc áp sát tàu Mỹ mà không va chạm cho thấy kỹ năng của hải quân Trung Quốc “chuyên nghiệp” như thế nào.

Trong một tuyên bố vào Chủ nhật 4 Tháng Sáu 2023, Đại tá Thi Nghị (Shi Yi, 施毅) phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Quân khu Đông (Đông Bộ Chiến Khu, 東部戰區) nói, “Các quốc gia có liên quan cố tình gây rắc rối ở khu vực eo biển Đài Loan, cố tình gây rủi ro, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực một cách ác ý…”.

Và ngay sau phát biểu vào Thứ Bảy 3 Tháng Sáu 2023 của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Trung tướng Cảnh Kiến Phong (Jing Jianfeng, 景建峰) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nói với Đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc rằng những gì Bộ trưởng Lloyd Austin nói về Đài Loan là “hoàn toàn sai lầm”. Họ Cảnh cáo buộc Washington đang cố “củng cố quyền bá chủ và kích động đối đầu”, đồng thời nói thêm rằng các hành động của Mỹ đang gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ trước hết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, mà Hoa Kỳ đã áp đặt vào năm 2018, khi Lý lúc đó là người đứng đầu bộ phận thiết bị của quân đội Trung Quốc.

Liên quan vụ suýt va chạm nói ở trên, sĩ quan Hải quân Hoàng gia Canada Paul Mountford, nói rằng hành động của tàu Trung Quốc là “không chuyên nghiệp”, trong khi một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Hành động mạnh hơn lời nói, và hành vi nguy hiểm mà chúng tôi đã thấy từ PLA xung quanh eo biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và xa hơn nữa, thực sự đã nói lên tất cả.”

Nhìn chung, căng thẳng Washington-Bắc Kinh đang ở mức độ gần như chưa từng có trong nhiều thập niên trở lại đây. Điều đó cho thấy Nội các Joe Biden cứng rắn quyết liệt như thế nào đối với Trung Quốc. Không ồn ào như chính sách “xoay trục” nửa vời của Barack Obama, Joe Biden làm mạnh hơn rất nhiều trong việc tái xây dựng sự gắn bó đồng minh trong khu vực vốn rạn nứt nghiêm trọng thời Donald Trump. Hoa Kỳ đã và đang đẩy mạnh các chuyến thăm của Quốc hội đến Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo tự trị này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: