Ngày 13 Tháng Chín 2023, Liên minh châu Âu chính thức mở cuộc điều tra về khả năng “chống lưng” (trợ giá) của nhà nước Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện cho xe hơi điện giá rẻ Trung Quốc nhập cảng ào ạt vào châu Âu…
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 13 Tháng Chín 2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng “không phải cho một cuộc đua nhấn chìm nhau xuống đáy”. Châu Âu áp thuế 10% đối với xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc (so với mức thuế 27.5% của Hoa Kỳ) và các nhà sản xuất Trung Quốc đã tận dụng điều này để ào ạt đổ bộ vào thị trường châu Âu.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (China Passenger Car Association), các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu gần 350,000 xe hơi điện sang chín nước châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn tổng xuất khẩu của cả năm 2022. Và trong năm năm qua, số xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU đã tăng gấp bốn lần.
Theo ước tính gần đây của UBS, đến năm 2030, thị phần xe hơi Trung Quốc trên thị trường toàn cầu có thể tăng gấp đôi, từ 17% lên 33%, và điều này khiến các công ty châu Âu bị mất thị phần lớn nhất. Thế cho nên, EU không thể ngồi yên, trong khi công nghiệp xe hơi luôn là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của họ, đặc biệt tại Đức.
BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng đối tác đại lý tại thị trường châu Âu lên 200 trong năm nay – Li Yunfei, phát ngôn viên BYD, nói với giới báo chí vào tuần trước. BYD đang có kế hoạch tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 250,000 xe vào năm 2023, so với 55,916 vào năm 2022.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu (ACEA), ngành công nghiệp xe hơi châu Âu cung cấp việc làm cho khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 7% tổng số việc làm. Tại Đức, các thương hiệu như Volkswagen, Audi, BMW và Mercedes đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Reuters đưa tin Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck hoan nghênh cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu. Ông nói: “Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh (của Trung Quốc)…”.
Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, giới giám đốc điều hành cấp cao của ngành công nghiệp Đức và Pháp gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ xe điện Trung Quốc, vốn rẻ hơn khoảng 30% so với các loại xe tương đương của EU hoặc Mỹ.
Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cảnh báo rằng việc EU cấm không cho sản xuất xe xăng mới, bắt đầu từ năm 2035, cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, có thể dẫn đến những cái chết hàng loạt của giới sản xuất xe hơi châu Âu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cho biết các đối thủ Trung Quốc “đi trước chúng ta một thế hệ”. Tổng giám đốc ACEA (Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu) Sigrid de Vries hoan nghênh thông báo của bà von der Leyen. Sigrid de Vries nói:
“Đó là tín hiệu tích cực cho thấy Ủy ban Châu Âu đang nhận ra tình hình ngày càng bất cân xứng mà ngành của chúng ta đang đối mặt và phải khẩn cấp xem xét tình trạng cạnh tranh bị bóp méo trong lĩnh vực của chúng ta. Thương mại tự do và công bằng là điều cần thiết để tạo ra một ngành xe hơi châu Âu thành công và là nền tảng cho thành công toàn cầu của khu vực này…
Tuy nhiên, nguyên tắc thương mại ‘tự do và công bằng’ đòi hỏi một sân chơi bình đẳng giữa tất cả đối thủ cạnh tranh, với việc thương mại có đi có lại và sự tuân thủ quy định gia nhập thị trường. Điều cần thiết này phải được tất cả các bên tham gia trên thị trường cùng tôn trọng”.
Chẳng có ví dụ nào minh chứng rõ sự đổ bộ khốc liệt của xe hơi điện giá bèo Trung Quốc tại châu Âu bằng sự hiện diện của họ tại I.A.A. Mobility – cuộc triển lãm xe hơi qui mô ở Munich (năm nay được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 10 Tháng Chín 2023). The Guardian cho biết thêm, thị phần của Trung Quốc trên thị trường xe hơi điện châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa đầy hai năm.
Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất châu Âu của các thương hiệu xe hơi điện Trung Quốc, chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2023, theo dữ liệu từ Schmidt Automotive Research khi khảo sát 18 thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu.
Chính phủ Berlin đang gấp rút ứng phó. Cuối Tháng Tám 2023, Đức đã phê duyệt 32 tỷ euro, tương đương gần US$35 tỷ, đồng thời cắt giảm thuế doanh nghiệp trong bốn năm, để giúp vực dậy nền công nghiệp xe hơi. Chính phủ cũng đề xuất cắt giảm hàng đống giấy tờ thủ tục hành chính rườm rà, chẳng hạn chấp nhận bản sao kỹ thuật số chứ không phải giấy. Một khảo sát gần đây với 500 công ty cho thấy ở thời đại này mà máy fax vẫn được sử dụng tại Đức vì người ta cho rằng đó là hình thức liên lạc an toàn nhất.
Cần nhắc lại, cuối những năm 2000, Bắc Kinh đã bơm số tiền khổng lồ vào công nghệ năng lượng mặt trời, cho phép giới sản xuất trong nước đầu tư hàng tỷ đôla vào các nhà máy mới và giành thị phần toàn cầu. Sự bùng nổ sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc khiến giá giảm mạnh, dẫn đến việc hàng chục công ty châu Âu và Mỹ phải phá sản. Trung Quốc đã thực hiện cách tiếp cận tương tự trong việc phát triển và thương mại hóa xe hơi điện.
Hàng loạt chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất xe điện đã tăng tốc sau khi Ôn Gia Bảo trở thành thủ tướng vào năm 2003. Thủ tướng Ôn đã đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng về doanh số bán xe hơi điện và yêu cầu các thành phố phải đạt được. Đến năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe hơi điện, với nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn trợ cấp $8,800/xe cho các hãng taxi cũng như cho các cơ quan chính quyền địa phương tại 13 thành phố, khuyến khích mua xe hơi chạy hoàn toàn bằng điện hoặc hybrid (xăng-điện).
Cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu có thể dẫn đến việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc. Thông báo của Von der Leyen đã lập tức làm rung chuyển cổ phiếu các công ty xe điện lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong. Hãng khổng lồ BYD, nơi có phần hùn của tỉ phú Warren Buffett, giảm 2.8%; Xpeng giảm 2.5%; trong khi Nio giảm 0.9%.
Phần mình, Hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi Đức lên tiếng rằng cần phải thận trọng trong vụ điều tra trợ giá của Trung Quốc. Đơn giản vì giới sản xuất xe hơi Đức lâu nay đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc và họ không muốn vì chuyện điều tra này mà họ bị vạ lậy. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc về xe điện có thể khiến họ phải trả giá đắt hơn những gì họ có thể đạt được.
Đầu năm 2023, Volkswagen cho biết họ sẽ đầu tư 1 tỷ euro (US$1.1 tỷ) để xây dựng một trung tâm nghiên cứu xe hơi điện ở Hợp Phì, Trung Quốc. Họ cũng mua $700 triệu cổ phần trong XPeng, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất xe điện. Hiệp hội Công nghiệp xe hơi Đức cảnh báo: “Phải tính đến những phản ứng ngược có thể xảy ra từ Trung Quốc”.