Tại sao Trung Đông luôn “đi trước, về sau”?

Jerusalem 1880. Tranh của Charles Théodore Frère (ảnh: Heritage Art/Heritage Images via Getty Images)

Một trong những nguyên cớ chính khiến Trung Đông rơi vào tình trạng hỗn loạn là quan niệm chống lại sự hiện đại hóa. Như Abu’l Allah Maudoodi – một trong những triết gia Hồi giáo gốc Ấn Độ – từng nói: Thách thức lớn nhất của vài nước Hồi giáo Trung Đông không phải là làm thế nào để hiện đại hóa mà là làm sao để chiến đấu chống lại hiện đại hóa. Lịch sử từng chứng minh điều này.

Trong khi người châu Âu đang mày mò tìm ra các mánh khóe mới để kinh doanh thì vương quốc Ottoman lại thờ ơ các huyết mạch mậu dịch ở Địa Trung Hải và tuyến đường băng ngang con đường tơ lụa, nghiêm cấm người Hồi giáo nhảy vào lĩnh vực ngân hàng và không khuyến khích doanh nghiệp tư nhân.

Do đó, những lĩnh vực này đã lọt vào tay thành phần không phải Hồi giáo. Hậu quả cuối cùng: Trung Đông thiếu một lượng lớn thành phần trung lưu – xương sống của sự ổn định xã hội phương Tây. Amotz Asa-El – cây bút bình luận của báo Telegraph – nói: “Với sự vắng mặt của tính cơ động xã hội, thành phần trung lưu ở Trung Đông quá ít đến độ gần như không có sự phân cách nào giữa lớp váng thượng lưu mỏng nằm ở cương vị điều hành và cái khối khổng lồ nghèo khổ nằm ngay sát bên dưới”. Không như châu Á, hình ảnh hiếm gặp nhất ở Trung Đông là “người tự lập” hay “nhân vật vượt khó”. Những tay thượng lưu ở Trung Đông đều là các hoàng tử dầu hỏa, thừa hưởng từ cha ông rồi tiếp tục để lại cho con cháu…

Sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem, khoảng năm 1895 (ảnh: B. W. Kilburn/Archive Photos/Hulton Archive/Getty Images)

Sau những năm tháng gây kinh hãi nhiều dân tộc bằng các cuộc xâm lăng bất khả chiến bại, người Ottoman trở nên ngạo mạn. Họ khinh bỉ các phát kiến của châu Âu, xem máy in là vật vô dụng. Người Ottoman còn miệt thị cả những sáng tạo trong ngành đóng tàu châu Âu và vì thế đã để phương Tây mặc sức thu tóm biển cả.

Khi đợt sóng lạm phát xảy ra, các vua chúa Trung Đông không thể đương đầu với cả nguyên nhân gây ra – cơn lốc (kim loại) bạc ở Mỹ kéo vào, vì tân thế giới nằm ngoài tầm tay họ; lẫn ảnh hưởng của nó – sự tụt giảm sức mua, vì các công cụ tài chính không nằm trong tay mình. Năm 1580, khi viết một bản báo cáo về những khám phá vĩ đại nhất của loài người, nhà địa lý Ottoman Tarih al-Garbi đã khuyên vương triều Istanbul đào một con kênh ở Suez để các con tàu của Ottoman “có thể triệt phá các hải cảng kẻ thù trong chớp mắt”. Tuy nhiên, Istanbul im lặng. Gần ba thế kỷ sau, kênh Suez đã được đào và nó nằm trong tay người châu Âu.

Quân đội Israel tại Núi Đền ở Jerusalem, 1967 (Getty Images)

Tại châu Âu, cuộc cải cách đã khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư. Ở Đông Á, chiến dịch mở cửa của Minh Trị Thiên hoàng được thực hiện với sự cương quyết cao độ, trong đó có chính sách xóa đặc quyền của samurai, đã dọn đường cho Nhật tiến tới hiện đại hóa. Mỹ Latin, di chuyển chậm hơn, cũng bắt đầu biết cách vuốt ve nền kinh tế tự do. Tất cả những trào lưu và xu hướng này không hiện diện ở Trung Đông. Ngoài ra, Trung Đông còn hứng chịu một căn bệnh khác liên quan đến số phận của tài nguyên thiên nhiên. Đó là những nguồn tài nguyên vẫn nằm kín trong túi hoặc bị sử dụng không hiệu quả và thậm chí bị lạm dụng bởi giới quí tộc.

Chưa hết, dòng máu chiến binh của ông cha thời Ottoman luôn sục sôi trong tim người Trung Đông. Trong nửa thế kỷ đầu tiên sau thời thực dân, Trung Đông đã bỏ ra nửa ngàn tỉ USD để mua súng ống. Tại Iran, cách đây không lâu, người ta từng bỏ ra 14% ngân sách nhà nước cho súng ống và chỉ 4% cho giáo dục. Tính đến thời điểm này, ít nhất 15 triệu sinh mạng đã mất, thương tật hay bị hất văng khỏi nơi chôn nhau cắt rún bởi vài chục cuộc chiến lớn, hàng trăm cuộc giao tranh nhỏ và hàng ngàn vụ khủng bố. Trong đó, có những cuộc chiến quan trọng như cuộc đụng độ giữa Arab và Israel, giữa Iran và Iraq, giữa Lebanon và Tunisia, giữa Ai Cập và Yemen…

Xe tăng Israel tại Cao nguyên Golan, 1973 (ảnh: Daniel Rosenblum/Keystone/Getty Images)

Trung Đông còn có những phát kiến sai lầm đáng tiếc. Tại Lybia, nơi súng ống từng bị biến thành đồ chơi và bỏ hoang ngoài sa mạc, người ta đã quyết định bỏ ra $35 tỉ để làm một con sông nhân tạo mà con sông này sẽ nhanh chóng không còn một giọt nước trước khi nó mang lại lợi lộc cho dân chúng.

Ở Algeria, những chính sách kinh tế sai lầm đã biến nước này thành một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Saudi Arabia – một trong những nhà buôn súng tầm cỡ toàn cầu – cũng chẳng có chính sách kinh tế khôn ngoan để công nghiệp hóa đất nước. 60% công nhân có tay nghề cao ở Saudi Arabia là người nước ngoài.

Trung Đông – một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, nơi từng sản sinh những nhà toán học kiệt xuất, nhà thiên văn học lừng danh và các chiến binh dũng mãnh và cũng là nơi cung cấp cho nhân loại những từ vựng “đô đốc”, “thuế xuất nhập khẩu”, “chi phiếu” – lại trở thành lò lửa xung đột lớn nhất thế giới từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chuyện ở Trung Đông có thể còn kéo dài nhiều… thế kỷ nữa!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: