Tại sao xe tăng Nga thành “quan tài di động”?

Hình ảnh “nổi bật” và “lưu danh” vào quân sử thế giới khi nói đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine những ngày đầu năm 2022 (ảnh: Mykhaylo Palinchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Xe tăng của Nga dùng xâm lược Ukraine có một lỗ hổng thiết kế gọi là “jack-in-the-box” được phương Tây phát hiện từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh nhưng vẫn “bền vững” đến tận hôm nay.

Lỗi thiết kế thâm căn cố đế!

Xe tăng Nga bị thổi bay pháo tháp chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc xâm lược Ukraine sẽ không thể theo đúng kế hoạch. Hàng trăm xe tăng của Nga đã bị phá hủy kể từ khi Moscow tiến hành cuộc tấn công. Ngày 25 Tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính Nga đã mất tới 580 chiếc xe tăng. Nhưng vấn đề của Moscow còn vượt ra ngoài số lượng xe tăng bị loại khỏi chiến trường. Theo các chuyên gia, hình ảnh thực địa cho thấy xe tăng Nga vẫn mắc phải một khiếm khuyết kinh niên gọi là “jack-in-the-box” liên quan đến cách bảo quản đạn dược.

CNN cho biết, không giống xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng Nga có kho đạn đặt bên trong tháp pháo khiến chúng dễ bị tổn thương. Chỉ một cú đánh gián tiếp bằng sóng xung kích cũng dẫn đến phản ứng dây chuyền làm nổ tung toàn bộ kho đạn lên tới 40 quả. Sam Bendett, cố vấn của Chương trình Nghiên cứu Nga tại Center for a New American Security xem đây là “lỗ hổng thiết kế nghiêm trọng”.

Nicholas Drummond, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về chiến tranh trên bộ và là cựu sĩ quan Quân đội Anh, giải thích: “Khiếm khuyết này có nghĩa là kíp lái xe tăng, thường là hai người trên tháp pháo và một người ngồi lái phải thoát nhanh ra trong vài giây nguy cấp đầu tiên. Nếu không sẽ chết”. Nổ kho đạn trong xe tăng đang là vấn đề nghiêm trọng đối với hầu hết xe bọc thép Nga tại Ukraine. Ví dụ xe chiến đấu bộ binh BMD-4 có ba người điều khiển và chở thêm năm người lính sẽ trở thành “cỗ quan tài di động” vì dễ bị “chết” khi trúng hỏa tiễn.

Lỗi thiết kế “jack-in-the-box” đã thu hút sự chú ý của phương Tây trong hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq vào năm 1991 và 2003, khi một số lượng lớn xe tăng T-72 do Nga sản xuất của quân đội Iraq cùng chịu chung số phận: Tháp pháo bị hỏa tiễn chống tăng đánh văng ra ngoài. Nhưng Nga vẫn không học được bài học thiết kế nên xe tăng Nga tiếp tục là cỗ quan tài. Khi dòng T-90, phiên bản kế nhiệm của T-72 đi vào hoạt động năm 1992, lớp giáp của nó được nâng cấp nhưng hệ thống nạp đạn vẫn tương tự khiến nó dễ bị tổn thương. T-80, loại xe tăng Nga khác trong cuộc xâm lược Ukraine, cũng thế.

Theo Bendett, Nga chọn hệ thống này để tiết kiệm không gian, thu gọn xe tăng hơn khiến chúng khó bị bắn trúng hơn. Drummond nói: “Quân đội phương Tây đã học được bài học từ Chiến tranh vùng Vịnh nên rất quan tâm đến cách cấp đạn cho pháo xe tăng. Ông dẫn chứng những chiếc xe chiến đấu bộ binh Stryker của quân đội Mỹ được phát triển sau cuộc chiến đầu tiên ở Iraq. “Nó có tháp pháo chứa tất cả đạn dược và không có cửa vào khoang an toàn của kíp lái.Vì vậy, nếu tháp pháo bị nổ, kíp lái vẫn an toàn bên dưới. Đó là một thiết kế thông minh” – ông nói.

Các xe tăng phương Tây khác, chẳng hạn như M1 Abrams được Mỹ và một số quân đội đồng minh sử dụng nhiều hiện nay, lớn hơn và không có băng chuyền đạn. Trong Abrams, thành viên thứ tư của kíp lái lấy đạn từ một khoang kín rồi chuyển chúng đến pháo và bắn. Khoang có một cánh cửa để kíp lái đóng mở giữa mỗi lần bắn đạn, nghĩa là nếu xe bị bắn trúng, chỉ có một quả nổ trong tháp pháo. Bendett nói: “Một cú đánh chính xác có thể làm hỏng xe tăng, nhưng không giết toàn bộ tổ lái”. Drummond cho biết đạn pháo phương Tây sử dụng có thể cháy vì nhiệt độ cao do hỏa tiễn, nhưng không phát nổ. Aleski Roinila, một cựu binh sĩ trong Lực lượng Phòng vệ Phần Lan, lưu ý: “Việc đào tạo một kíp xe tăng có thể mất tới 12 tháng là nhanh nhất cho nên thiệt hại về kíp lái là rất khó thay thế”.

Tháp pháo dễ dàng văng ra như một thứ đồ chơi quân sự lạc hậu (ảnh: Alexey Furman/Getty Images)

Những “bảo tàng chiến tranh” dọc đường

Hiện các xe tăng Nga bị phá hủy đang là điểm thu hút du khách tại các thành phố chiến trường phía Tây Ukraine như Kyiv – như được thuật từ Washington Post. Ngoài sự đau buồn khi nhìn thấy chúng và oán hận quân xâm lược, với người Ukraine, xác những chiếc xe cháy đen và tan nát cũng khiến tinh thần người xem phấn chấn hơn. “Tôi rất vui khi biết chúng không tiến xa hơn vào thành phố – một người tên Grishin nói, khi bạn bè anh chụp ảnh một chiếc xe tăng bị lực lượng Ukraine phá hủy – Tôi hy vọng có nhiều hơn thiết bị quân sự Nga bị cháy như thế”.

Những người Ukraine chạy trốn giao tranh khi quay trở về nhà trên các tuyến đường cao tốc rất ấn tượng khi chứng kiến những khí tài quân sự Nga nằm vô dụng hai bên đường. Tham quan các “bảo tàng dọc đường” này là điều thú vị đối với những người muốn lưu lại trong ký ức các mảnh vỡ của cuộc sống bị gián đoạn và những bằng chứng của một cuộc chiến tranh xâm lược đi kèm cảm giác nhẹ nhõm và niềm tự hào dân tộc.

Cảm giác đó thể hiện qua những bức ảnh tự chụp trên đỉnh những chiếc xe tăng Nga có tháp pháo bị thổi bay. Victoria Yarmuska, một cư dân thị trấn Bucha di tản nay trở về, cho biết đã cùng chồng, Igor đi qua nửa tá phương tiện cháy đen, và không quên chụp ảnh lưu niệm. “Cảm giác giống như đang xem một bộ phim đáng sợ. Khi tận mắt chứng kiến ​​tất cả những điều này, tôi bắt đầu nhận ra chúng chính là thực tế”. Đó là những mảnh bom và những bộ đồng phục rách nát của lính Nga.

Karolis Kairys, một người bạn của Grishin đến từ Lithuania cho biết anh phải chia sẻ ảnh xe tăng trên Facebook để chứng minh với những bạn bè còn nghi ngờ Ukraine đã thành công trên chiến trường và tin vào tuyên truyền của Nga, cho rằng chính phủ Ukraine đã dàn dựng tất cả.

Mykhalio Kalyniuk, một nhân viên tình nguyện tại khu vực phía Đông Donbas cho biết tim anh đập loạn nhịp khi đi qua đống đổ nát, tưởng tượng có bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống để cản những chiếc xe tăng này tiến vào Kyiv. “Những tàn tích Nga cần được bảo tồn như minh chứng cho cuộc xâm lược” – anh nói. Quân đội Ukrane tập trung thu hồi các phương tiện quân sự của họ để sửa chữa hoặc lấy lại các bộ phận còn sử dụng được. Các quan chức Kyiv cho biết không đủ chỗ để qui tập những khí tài Nga bị bị phá hủy hay bỏ lại. Một số người Ukraine nhầm lẫn vì hai nước sử dụng nhiều xe tương tự nếu không có lá cờ Ukraine dán vào.

_________________

Ngày 25 Tháng Tư 2022, trên tài khoản Telegram, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, từ ngày 24 Tháng Hai đến ngày 25 Tháng Tư 2022, thiệt hại ước tính của Nga là:

-Khoảng 21,900 quân Nga

-884 xe tăng

-2,258 xe bọc thép

-411 hệ thống pháo

-149 MLRS (Multiple Launch Rocket System – hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng)

-69 hệ thống phòng không

Ngoài ra, Ukraine đã phá hủy 181 máy bay Nga cùng 154 trực thăng, 201 drone; 1,566 phương tiện quân sự; 76 thùng nhiên liệu; 8 tàu/thuyền; 4 hệ thống SRBM di động (SRBM – short-range ballistic missile, hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn)…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: