Taliban ngồi trên kho khoáng sản ngàn tỉ đôla

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan trước các tay súng Taliban sau hơn 20 năm Mỹ xâm nhập đất nước này đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo nghiêm trọng ngoài dự tính. Việc Taliban chiếm quyền quá nhanh cũng khiến các chuyên gia an ninh tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác mà trong đó có những thứ thế giới đang rất cần tại quốc gia nằm ở ngã tư Trung và Nam Á này?

Có kho báu là một chuyện

Thuộc số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nhưng vào năm 2010, các tướng lĩnh và nhà địa chất Mỹ khẳng định Afghanistan có các mỏ khoáng sản đủ loại trị giá hơn $1 ngàn tỷ và nguồn lực khổng lồ này có thể giúp thay đổi đáng kể nền kinh tế nếu khai thác tốt. Đa số mỏ khoáng sản như sắt, đồng và vàng vẫn yên vị và nằm rải rác khắp các tỉnh, kể cả các khoáng chất đất hiếm mà đáng chú ý nhất là một mỏ lithium được xem là lớn nhất nhì thế giới (lithium dùng cho pin sạc và các công nghệ khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu).

“Afghanistan chắc chắn là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất trong khu vực, đặc biệt là các khoáng sản quí hiếm mà các quốc gia khác cần – nhà khoa học Rod Schoonover, cũng là chuyên gia an ninh, sáng lập tổ chức Hợp đồng Tương lai Sinh thái (Ecological Futures Group) nhận định – Thách thức an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và khô hạn nghiêm trọng đã ngăn cản việc khai thác các khoáng sản giá trị nhất trong quá khứ. Điều này cũng khó thay đổi sớm khi Taliban quay trở lại nắm quyền. Nhưng nếu các mỏ khoáng sản rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ (những quốc gia không quan tâm đến những gì đang xảy ra tại Afghanitan, trừ… quyền lợi quốc gia) tình hình sẽ khác”.

Tương lai kinh tế đất nước này luôn mờ mịt với thu nhập bình bình quân của 90% dân số trong năm 2020 chỉ đạt mức nghèo $2/người/ngày, theo báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (US Congressional Research Service) công bố vào Tháng Sáu, 2021. Trong báo cáo mới nhất về tình hình Afghanistan, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Afganistan khẳng định “Nền kinh tế Afganistan vẫn mong manh vì vẫn phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ”.

Lịch sử cho thấy, các nước nghèo có chính phủ yếu kém và tham nhũng thường rơi vào cái gọi là “Lời nguyền tài nguyên” (resource curse), trong đó những nỗ lực khai thác tài nguyên thiên nhiên không mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế mà chỉ mang lại tiền bạc cho một thiểu số. Ước tính có đến 30% đến 40% khoản tiền do khoáng sản mang lại rơi vào tay tham nhũng, vào tay các lãnh chúa khu vực và Taliban.

Dù vậy, những tiết lộ về sự giàu có khoáng sản của Afghanistan dựa trên cuộc khảo sát địa chất của Liên Xô thời chiếm đóng cũng mang lại niềm hy vọng. Tháng Năm vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu về các kim loại như đồng, niken, coban, lithium và các nguyên tố đất hiếm như neodymium, tiếp tục tăng cao khi các quốc gia cố gắng chuyển sang sản xuất xe hơi điện và các công nghệ sạch khác để giảm khí thải nhà kính. Nếu không, thế giới sẽ thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Khai thác được hay không lại là chuyện khác

Theo IEA, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo và Úc hiện chiếm 75% sản lượng lithium, coban và đất hiếm toàn cầu. Xe hơi điện đòi hỏi sáu lần khoáng chất hơn xe hơi thông thường. Lithium, niken và coban rất quan trọng để sản xuất pin. Các mạng lưới điện cũng đòi hỏi một lượng lớn đồng và nhôm, trong khi các nguyên tố đất hiếm khác được sử dụng trong các nam châm cần thiết để các tuabin gió hoạt động được. Chính phủ Mỹ ước tính các mỏ lithium ở Afghanistan không thua kém các mỏ lithium ở Bolivia, vốn được xem là có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (US Geological Survey) nói với tạp chí Science năm 2010: “Nếu Afghanistan có được vài năm yên bình để khai thác có kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản của mình, đất nước này sẽ trở thành một trong những quốc gia giàu nhất khu vực trong chỉ 10 năm!”. Trong khi khai thác vàng, đồng và sắt đã được thực hiện với qui mô nhỏ, khai thác lithium và khoáng sản đất hiếm đòi hỏi cả đầu tư lớn hơn nhiều lẫn bí quyết kỹ thuật và thời gian.

Theo IEA, trung bình phải mất 16 năm kể từ khi phát hiện và khai thác mới có thể cho ra mẻ lithium đầu tiên. Schoonover tin rằng do phải ưu tiên cho các hoạt động an ninh và dân sinh nên Taliban chưa thể đẩy nhanh hoạt động khai thác mỏ. Nhà phân tích an ninh châu Á Verisk Maplecroft làm việc tại một công ty tình báo rủi ro nhận định: “Ngay cả việc chuẩn bị khai thác bài bản và qui mô cho lĩnh vực khoáng sản còn non trẻ này cũng phải mất nhiều năm!”. “Đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào khi Taliban đã ổn định được tình hình, nhưng một câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ mạo hiểm đầu tư vào Afghanistan?” – Khan nói.

Ngoài ra còn những cản trở từ phía Mỹ. Dù Taliban chưa bị chính phủ Mỹ chính thức xem là “Tổ chức Khủng bố Nước ngoài” nhưng nó đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách “Những kẻ khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt và danh sách Quốc gia được chỉ định đặc biệt” (Specially Designated Global Terrorists and a Specially Designated Nationals list).

Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về khai thác đất hiếm công khai thừa nhận đã và đang “duy trì liên lạc với Taliban”. Tất cả là để phục vụ chương trình phát triển năng lượng xanh dài hạn rất quan trọng của Trung Quốc mà lithium và đất hiếm là nhân tố không thể thay thế được do tính chất vật lý của chúng. Khan nhận định: “Nếu Trung Quốc khai thác đất hiếm tại Afghanistan thì một vấn đề được đặt ra. Nếu hoạt động khai thác không được làm cẩn thận, nó sẽ tàn phá sinh thái, gây hại cho các cộng đồng dân cư thấp cổ bé miệng”. Khan nhắc lại Trung Quốc đã từng đầu tư vào một dự án đồng và phải từ bỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: