Với thương vụ vũ khí trị giá $13,7 tỷ với Ba Lan – thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Seoul, Hàn Quốc đang đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp quân sự mà các công ty quốc phòng của hai quốc gia hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vũ khí của châu Âu trong tương lai – Reuters cho biết…
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh số bán vũ khí Hàn Quốc đã tăng lên hơn $17 tỷ vào năm 2022 từ mức $7,25 tỷ của năm trước đó, khi các nước phương Tây đua nhau trang bị vũ khí cho Ukraine và căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng khác như Triều Tiên và Biển Đông.
Thỏa thuận vũ khí đạt được vào năm 2022 với Ba Lan, một thành viên NATO chủ chốt, bao gồm hàng trăm bệ phóng tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Giới chức Hàn Quốc và Ba Lan cho biết quan hệ đối tác của họ sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu thậm chí vượt ra ngoài cuộc chiến Ukraine, với việc Seoul cung cấp vũ khí chất lượng cao nhanh hơn các nước khác.
“Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và những nước khác từng nghĩ chỉ mua các sản phẩm quốc phòng ở châu Âu, nhưng giờ đây, người ta biết rõ hơn rằng họ có thể mua với giá thấp và được giao hàng nhanh chóng từ các công ty Hàn Quốc,” Oh Kyeahwan, giám đốc tập đoàn Hanwha Aerospace, người tham gia vào thỏa thuận với Ba Lan, cho biết. Các công ty Hàn Quốc không tiết lộ đơn giá vũ khí của họ, thường được bán kèm theo phương tiện hỗ trợ và phụ tùng thay thế. Hanwha Aerospace hiện chiếm 55% thị phần thị trường đại bác toàn cầu – con số này sẽ tăng lên khoảng 68% từ thỏa thuận như nói ở trên với Ba Lan, theo nghiên cứu của NH Research & Securities.
Lukasz Komorek, Giám đốc Văn phòng Dự án Xuất khẩu tại Tập đoàn Vũ khí Ba Lan thuộc sở hữu nhà nước cho biết, một trong những nội dung của thỏa thuận là thành lập các tập đoàn gồm công ty Hàn Quốc và Ba Lan để cùng chế tạo vũ khí, bảo dưỡng máy bay chiến đấu và cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho các quốc gia châu Âu khác. Điều đó sẽ bao gồm việc chế tạo vũ khí Hàn Quốc theo giấy phép ở Ba Lan. Theo kế hoạch, 500 trong số 820 xe tăng và 300 trong số 672 đại bác sẽ bắt đầu được chế tạo tại các nhà máy Ba Lan từ năm 2026.
Một phóng sự của Reuters thuật, tại một nhà máy của Hanwha Aerospace ở bờ biển phía Nam Hàn Quốc, sáu robot tự động khổng lồ và hơn 150 công nhân đang sản xuất những chiếc xe tăng K9 nặng 47 tấn dành cho Ba Lan. Pháo tự hành sử dụng loại đạn 155mm tiêu chuẩn NATO, có hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa, được thiết kế để dễ dàng tích hợp vào mạng lưới chỉ huy, đồng thời mang lại hiệu suất tương đương với các tùy chọn đắt tiền hơn của phương Tây. Quân đội một số nước như Úc và Ấn Độ đang xài K9.
Giới chức Ba Lan cho biết việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí nhanh hơn hầu hết đối thủ là một lợi điểm quan trọng. Lô đầu tiên gồm 10 chiếc tăng K2 và 24 chiếc tăng K9 đã đến Ba Lan vào Tháng Mười Hai, chỉ vài tháng sau khi các thỏa thuận được ký kết, và ít nhất 5 xe tăng nữa cùng 12 khẩu pháo bổ sung cũng được chuyển giao kể từ thời điểm đó. Trong khi đó, Đức, một nhà sản xuất vũ khí khổng lồ của châu Âu, vẫn chưa giao bất kỳ chiếc nào trong 44 xe tăng Leopard mới mà Hungary đặt hàng vào năm 2018.
Cho Woorae, phó chủ tịch chiến lược và kinh doanh toàn cầu của Korea Aerospace Industries, nói rằng sự căng thẳng liên tục với Triều Tiên khiến các dây chuyền sản xuất quân sự của Hàn Quốc liên tục mở máy hoạt động, đồng thời vũ khí của họ cũng được phát triển, thử nghiệm và nâng cấp liên tục trong các tình huống áp lực cao.
Vũ khí Hàn Quốc được thiết kế để tương thích với các hệ thống của Mỹ và NATO là m
ột yếu tố hấp dẫn khác. Nước này là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các quốc gia thành viên, chiếm 4.9% lượng mua vũ khí, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Con số này thua xa Hoa Kỳ với 65% và Pháp 8,6% – dù vậy, chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy ngoại giao quân sự và hợp tác quốc phòng để mối quan hệ với nước mua có thể phát triển thành nhiều mối quan hệ đối tác khác nhau chứ không chỉ là mối quan hệ người bán-người mua”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Trong năm qua, Hàn Quốc đã phóng hỏa tiễn vũ trụ tự sản xuất đầu tiên, đồng thời ra mắt máy bay chiến đấu “cây là lá vườn” KFX. Tháng Tư 2023, giới chức quân đội Hàn Quốc cho biết họ có thể mở rộng hỗ trợ cho Kyiv ngoài viện trợ nhân đạo và kinh tế nếu Ukraine bị tấn công quy mô lớn. Kể từ đó, Seoul đã phê duyệt một số thành phần vũ khí của Hàn Quốc để được sử dụng ở Ukraine.
Với thị trường châu Á, doanh số “hàng nóng” của Hàn Quốc chiếm 63% xuất khẩu quốc phòng từ năm 2018-2022, theo SIPRI – diễn ra trong bối cảnh khu vực tăng cường xây dựng quốc phòng trước những mối lo ngại về an ninh và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàn Quốc đang hợp tác phát triển-sản xuất máy bay chiến đấu KFX với Indonesia. Năm nay, Malaysia đã mua số máy bay quân sự FA-50 của Hàn Quốc trị giá gần $1 tỷ; và Seoul đang chạy đua để giành được hợp đồng trị giá $12 tỷ cung cấp phương tiện chiến đấu cho bộ binh Úc.
Sự bùng nổ công nghiệp (xuất khẩu) vũ khí Hàn Quốc dĩ nhiên không giới hạn trong phạm vi công nghiệp quốc phòng của một quốc gia. Nó cho thấy bức tranh quốc phòng châu Á đang thay đổi từng ngày như thế nào.