Như tin đã đưa, Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh hôm Chủ Nhật 16 tháng Mười và sẽ kéo dài tới ngày 22 Tháng Mười. Đại hội không chỉ sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của đất nước 1.4 tỷ dân mà còn có ảnh hưởng tới cục diện của cả thế giới.
Tập Cận Bình – tân hoàng đế
Trọng tâm của đại hội, theo nhận định của giới quan sát, là trao cho ông Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ và giới hạn tuổi tác của giới lãnh đạo Trung Quốc. Đến Tháng Ba năm sau, Quốc Hội bù nhìn dự kiến sẽ bầu ông Tập làm Chủ tịch nước Trung Quốc thêm nhiệm kỳ thứ ba. Cùng với chức Chủ tịch Quân ủy trung ương – tương đương Tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc – ông Tập sẽ thực sự trở thành một “hoàng đế” có uy quyền tuyệt đối đối với 1.4 tỷ dân Trung Hoa, sánh ngang với Mao Trạch Đông và các ông vua thời phong kiến, vượt qua những người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân và cả Đặng Tiểu Bình. Mười năm cầm quyền vừa qua, ông Tập đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực cá nhân mà đại hội hôm nay là kết quả. Ông ta sẽ làm gì với uy quyền tột bực đó?
Trong bài diễn văn khai mạc đại hội đọc trước 2,296 đại biểu đại diện cho 96 triệu đảng viên ĐCSTQ và được truyền hình trực tiếp ra cả nước, ông Tập tập trung ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì ổn định xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân, chống đại dịch COVID và kiểm soát tình hình ở Hồng Kông. Ông lờ đi những thất bại và sai lầm của Trung Quốc về kinh tế và đối ngoại.
An ninh – mối hoang tưởng của Tập
Trong bài diễn văn dài chưa tới hai tiếng đồng hồ – được cho là ngắn gọn so với bài diễn văn ba giờ rưỡi ông đọc khi khai mạc đại hội 19 ĐCSTQ năm 2017 – ông Tập đã 89 lần nói tới khái niệm “an ninh”, cho thấy ưu tiên chính sách lớn nhất của ông và ĐCSTQ là bảo vệ an ninh quốc gia; bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm các chuỗi cung ứng, cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai và bảo vệ thông tin cá nhân.
Ông Tập cam kết sẽ đẩy nhanh việc xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới và củng cố năng lực xây dựng một khả năng răn đe chiến lược dù không có dấu hiệu nào cho thấy có quốc gia nào dám đe dọa Trung Quốc. Vậy thì việc xây dựng quân đội “đẳng cấp thế giới” để làm gì ngoài mục đích mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh qua các chiến dịch đe dọa và trấn áp các nước láng giềng, thâu tóm Đài Loan, mở rộng lãnh thổ và xa hơn là đánh bại quân đội Hoa Kỳ, giành vị thế bá chủ thế giới trong một cuộc xung đột kiểu “bẫy Thucydides”?
Về Đài Loan, ông Tập nói, “Chúng tôi kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.” Các đại biểu đã đáp lại bài diễn văn của ông bằng những tràng pháo tay vang dội.
Nhà nghiên cứu Alfred Wu của trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, do kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, ông Tập đang cố chuyển căn cứ cho tính chính danh cầm quyền của ĐCSTQ từ tăng trưởng kinh tế sang bảo vệ an ninh. “Thông điệp của ông Tập là Trung Quốc đang đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, cứ như đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và ông ta là vị cứu tinh. Với thông điệp đó, Tập có thể quy tụ mọi người đoàn kết quanh ông ta,” giáo sư Wu nói.
Một đường lối kinh tế đầy mâu thuẫn
Trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, bài diễn văn của Tập cho thấy đường lối của Trung Quốc không có sự thay đổi quan trọng nào mà là sự đảo ngược những chính sách cải cách đặt ra dưới thời Đặng Tiểu Bình. Khái niệm “cải cách” được ông Tập nói tới 48 lần, ít hơn so với 68 lần trong bài diễn văn tại đại hội trước.
ĐCSTQ sẽ tiếp tục đưa đất nước vào con đường chuyên chế toàn trị, đẩy mạnh việc kiểm soát xã hội, kiểm soát nền kinh tế nhân danh “thịnh vượng chung”, thực hiện một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn.
Về kinh tế, thông điệp của Tập có nhiều mâu thuẫn. “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao… củng cố và phát triển mạnh hệ thống công hữu, khuyến khích và ủng hộ mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân, trao toàn quyền cho vai trò quyết định cho thị trường trong việc phân phối nguồn lực và gia tăng vai trò của chính phủ”.
Thực tế mười năm cầm quyền vừa qua của Tập cho thấy, dù vẫn nói những lời chót lưỡi đầu môi về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, ĐCSTQ thực tế vẫn ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước, lập ra những “nhà vô địch quốc gia” trong các ngành công nghiệp và trấn áp những công ty tư nhân lớn có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống xã hội. Hậu quả là hiện kinh tế Trung Quốc đã chậm đáng kể, tăng trưởng năm nay ở mức dưới 3%/năm so với mức 7.86% khi Tập lên cầm quyền năm 2012. Hàng loạt công ty đa quốc đang lần lượt rời khỏi Trung Quốc.
Thù địch với thế giới
Về đối ngoại, Trung Quốc vẫn là một cường quốc có triển vọng bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới, nhưng những chính sách của ông Tập như đại dự án “Vành Đai và Con Đường” biến thành một thứ bẫy nợ, chính sách ngoại giao hung hăng, chính sách bành trướng lãnh thổ, đe dọa các nước láng giềng, và lập trường ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, khiến nhiều nước lo ngại. Một liên minh các đối thủ của Trung Quốc đã hình thành và ngày càng mở rộng.
Thất bại ngoại giao lớn nhất trong mười năm qua của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc.
Sự thù địch đó không chỉ do xung đột về quyền lợi quốc gia mà sâu xa hơn là từ chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, từ quan niệm của Tập rằng thể chế chính trị độc tài của ĐCSTQ thì tốt hơn so với thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây. Tập buộc các doanh nghiệp tư nhân phải lập chi bộ ĐCSTQ, củng cố “tường lửa” trên không gian mạng để ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp xúc với thế giới bên ngoài; siết chặt tự do ngôn luận ở trong nước nhưng đồng thời đổ rất nhiều tiền bạc và nhân lực để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc ra thế giới.
Tập thường tuyên bố: “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn.” và ra sức quảng bá mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” đó sang các nước đang phát triển thông qua các hình thức viện trợ, đầu tư và mua chuộc. Công cuộc xây dựng quân đội, nỗi hoang tưởng về an ninh quốc gia và tham vọng bá chủ thế giới của Tập tất nhiên sẽ xung đột với Mỹ – quốc gia đang nỗ lực duy trì cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã là nền tảng cho sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của thế giới trong hơn bảy mươi năm qua.
Mối lo của Việt Nam
Với Việt Nam, Tập Cận Bình và ĐCSTQ sẽ mang lại một số cơ hội nhưng thách thức vẫn là chính. Nhiều công ty đa quốc rời khỏi Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giúp mang lại công việc làm và tăng giá trị xuất cảng. Đó là chuyện đang diễn ra.
Nhưng tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tập Cận Bình sẽ dẫn tới nhiều vụ va chạm về chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục bị chèn ép và không loại trừ khả năng Trung Quốc “tiên hạ thủ” ở Trường Sa để gây sức ép buộc Việt Nam phải thần phục “thiên triều” Trung Quốc, xa rời ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây.
Cả hai yếu tố đó sẽ đẩy đảng Cộng sản Việt Nam vào con đường gắn bó ngày càng chặt chẽ với ĐCSTQ, trấn áp tự do nhân quyền của người dân trong nước và đứng hẳn vào phe độc tài trong cuộc đối đầu địa chính trị quốc tế hiện nay. Đó là điều bất hạnh cho dân tộc, là lực cản cho tương lai tiến hóa của đất nước; hết sức đáng lo ngại.
Đọc thêm: