Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ còn hơn một năm nữa mới diễn ra nhưng chính phủ nhiều nước thế giới, từ Âu sang Á, đã bắt đầu phác thảo chính sách đối ngoại với Mỹ một khi Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc…
Đối với nhiều chính phủ, khả năng có Trump tái xuất hiện trong Tòa Bạch Ốc là điều thật sự đáng lo lắng. Chẳng ai lạ gì tính khí thất thường, quái đản, thậm chí trẻ con của Trump. Theo các nhà phân tích, nhiều nước, đặc biệt Nga và Trung Quốc, rất muốn thấy sự trở lại của Trump bởi họ tin rằng Trump chỉ là người thấy những lợi ích trước mắt, không biết tính toán chiến lược lâu dài cho lợi ích quốc gia Mỹ và đặc biệt mù tịt về lịch sử bang giao quốc tế. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của một người như Trump sẽ sẵn sàng nhượng bộ Nga và Trung Quốc và bán đứng Đài Loan và Ukraine.
Một trong những lo ngại phổ biến nhất là Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trump từng đe dọa áp đặt các mức thuế mới đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ – áp dụng cho các quốc gia thù địch lẫn đồng minh – một động thái có nguy cơ gây chia rẽ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong thời kỳ chiến tranh. Trump cũng từng dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của Trump tin rằng đây là điều mà chắc chắn Trump sẽ làm nếu tái đắc cử.
Ngay thời điểm hiện tại, một số chính phủ bắt đầu tính toán lại viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm chuẩn bị cho trường hợp Trump đắc cử và loan bố cắt giảm hỗ trợ của Mỹ. Các thành viên G7 quốc gia đang nhắm đến việc đạt được thỏa thuận song phương với Kyiv để cung cấp vũ khí đáp ứng tiêu chuẩn của NATO. Benjamin Haddad, một nhà lập pháp người Pháp thuộc đảng của Tổng thống Emmanuel Macron, nhận định: “Có nhiều khả năng Trump sẽ tái đắc cử”. Với việc sa lầy nghiêm trọng trên chiến trường Ukraine, Kremlin đang câu giờ chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và họ tin rằng một khi Trump đắc cử thì viện trợ Mỹ cho Kyiv chắc chắn bị cắt. Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng đang chờ “tín hiệu vui” từ Washington 2024 để “xử” Đài Loan.
Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, cho biết: “Trump ít coi trọng các đồng minh của Mỹ và do đó, Bắc Kinh kỳ vọng rằng khối liên minh gắn bó với Mỹ sẽ xung đột nhau trong thời Trump và nhờ vậy áp lực đối với Trung Quốc sẽ được giảm bớt”. Những kịch bản đó khiến các đồng minh ở châu Âu và Thái Bình Dương ớn lạnh sống lưng.
Trong thực tế, bốn năm của Trump là bốn năm hỗn loạn, khi nước Mỹ đi chệch hướng với những chính sách đối ngoại không rõ ràng và nước Mỹ thậm chí bị chính các đồng minh khinh bỉ. Sau khi tiếp quản một nước Mỹ tan nát, chính quyền Biden đã phải nỗ lực tái xây dựng lại quan hệ với các đồng minh ở châu Âu lẫn châu Á, tăng cường hợp tác quân sự và giúp hàn gắn mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Và Washington đã gửi hàng tỷ đôla vũ khí và viện trợ nhân đạo cho Ukraine, giúp Kyiv đứng vững trên chiến trường chống lại Nga.
Các quan chức Pháp đã cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng khả năng Trump trở lại đòi hỏi châu Âu phải mở rộng đáng kể hoạt động sản xuất vũ khí, từ pháo binh đến hệ thống phòng thủ tên lửa, để có thể tự cung cấp cho Ukraine. Các nước Đông Âu và Pháp cũng đang thúc đẩy đồng minh nhận Ukraine vào NATO. “Chúng tôi thật may mắn khi Ukraine có chính quyền Mỹ giúp đỡ”, Tổng thống Pháp Macron gần đây nói với tạp chí Le Point khi thừa nhận vai trò lãnh đạo tối quan trọng của Mỹ. “Liệu chúng ta có thể để Ukraine thua và Nga thắng? Câu trả lời là không…”
Chi tiêu quân sự đang gia tăng trên khắp lục địa và châu Âu đang vật lộn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào phần cứng kỹ thuật Mỹ. Một liên minh do Đức dẫn đầu đã công bố kế hoạch chi hàng tỷ euro cho chương trình mua hệ thống tên lửa Patriot từ Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox Business, Trump nói rằng ông sẽ áp đặt mức thuế tự động 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu nước ngoài vào Mỹ. “Khi các công ty đến và bán sản phẩm của họ ở Hoa Kỳ, họ đương nhiên phải trả tiền. Đó là thuế 10%,” Trump nói. “Tôi thực sự thích cách tính 10% cho mọi người.” Các nhà kinh tế nhanh chóng cảnh báo đề xuất ngớ ngẩn của Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ.
Đức, cường quốc kinh tế của châu Âu, đang tập trung vào việc xây dựng các kênh liên lạc nhằm tránh những gì mà họ đã trải qua hồi năm 2016, khi sự thắng cử của Trump khiến giới lãnh đạo thế giới sốc và bất ngờ. Chính phủ của Angela Merkel, lúc đó là thủ tướng, đã phải vật lộn để có thể nói chuyện với Washington. Mối quan hệ giữa Trump và Merkel nhanh chóng trở nên xấu đi. Sau thời Merkel, các thành viên lãnh đạo ba đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021 đã lập tức bay sang Mỹ gặp gỡ giới chức cấp cao Đảng Cộng hòa cũng như những kẻ thân tín của Trump.
Gần đây, trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc có thể chứng kiến sự trở lại của Trump, một trợ lý chủ chốt của Scholz, Wolfgang Schmidt, đã thường xuyên đến Washington và tạo dựng mối quan hệ với các đảng viên chủ chốt của phe Cộng hòa. Tháng Chín tới đây, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ bắt đầu chuyến công du 10 ngày tới Hoa Kỳ, trong đó có chuyến thăm tới Texas, pháo đài của Đảng Cộng hòa.
Trong khi nhiều nước xem sự tái xuất hiện của Trump là thảm họa thì một số quốc gia lại xem việc Tòa Bạch Ốc có Trump là một cơ hội tốt. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người duy trì mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và phản đối việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã nhiều lần nói rằng ông hy vọng Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, ngay cả khi những rắc rối pháp lý của Trump ngày càng gia tăng. “Hãy tiếp tục chiến đấu, thưa Tổng thống! Chúng tôi ở bên ông,” Orban viết trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây.
Đối với Trung Quốc, dù Trump là người châm ngòi căng thẳng thương mại với Mỹ nhưng “làm việc” với một người có đầu óc bất thường như Trump hóa ra dễ chịu hơn với một “sleepy Joe” nhưng rất tỉnh táo và quyết đoán trong việc đối sách với Trung Quốc. Mary Gallagher, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan, cho biết: “Về bản chất chính sách, mặc dù Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại, nhưng chính Biden là người thực thi chính sách hiệu quả hơn và có thể lôi kéo được những đồng minh quan trọng mà Trump đã xa lánh”.
Với sự trung gian của Biden, Hàn Quốc và Nhật Bản năm nay cũng đã lật sang trang mới trong quan hệ song phương, đặc biệt khi cả hai cùng phối hợp quân sự sâu hơn với Washington. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tạo dựng mối quan hệ cá nhân tốt với Biden trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Tòa Bạch Ốc vào Tháng Tư và trong chuyến đi gần đây tới Trại David. Điều đó trái ngược với Trump, người luôn mồm chỉ trích Seoul vì không trả đủ tiền cho khoảng 28,500 quân nhân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Trump thậm chí còn đề nghị rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên.