Thế giới lo ngại sức mạnh phủ sóng của Starlink

Nếu không có Starlink, quân đội Ukraine khó có thể cầm cự chiến cuộc đến tận nay (ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

Sự phủ sóng khắp bầu trời Trái đất của Starlink đang mang lại những ảnh hưởng tích cực và không nơi nào có thể thấy rõ điều đó bằng Ukraine. Nếu không có Starlink, Ukraine có thể đã không thể cầm cự nổi đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, Starlink cũng mang lại nhiều điều đáng lo…

Starlink phủ sóng toàn thế giới

Ngày 17 Tháng Ba, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Tướng Valeriy Zaluzhnyi, lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Ukraine, có cuộc điện đàm thảo luận về việc Nga xâm lược Ukraine. Hai nhà lãnh đạo quân sự trao đổi về hệ thống phòng không, đánh giá chiến trường và chia sẻ thông tin tình báo. Họ cũng nói về Elon Musk. Phong cách thất thường và cá tính ngang ngược của Elon Musk đang khiến các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị trên khắp thế giới lo lắng.

Kể từ năm 2019, Musk đã phóng tên lửa SpaceX vào không gian gần như mỗi tuần để đưa hàng chục vệ tinh vào quỹ đạo. Các vệ tinh – liên lạc với các thiết bị đầu cuối trên Trái đất – có thể truyền Internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh. Thời điểm hiện tại, có hơn 4,500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động; và Elon Musk dự kiến phóng lên 42,000 vệ tinh trong những năm tới.

Starlink là phương tiện duy nhất để truy cập internet ở các vùng chiến sự, vùng sâu vùng xa và những nơi bị thiên tai. Hệ thống này được sử dụng rộng rãi ở Ukraine để điều phối các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và thu thập thông tin tình báo. Các nhà hoạt động ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách sử dụng dịch vụ này như một hàng rào chống lại sự kiểm soát của chính phủ. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là một khách hàng lớn của Starlink, trong khi các quân đội khác, chẳng hạn ở Nhật Bản, đang thử nghiệm công nghệ này. Tuy nhiên, như bài báo mới đây của The New York Times cho biết, việc Elon Musk gần như kiểm soát hoàn toàn internet vệ tinh đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo.

Tính tình nóng nảy, bốc đồng, ngạo mạn, xem trời bằng vung, lại đôi khi hành xử như trẻ con, với gã tỷ phú 52 tuổi này, dường như chẳng có gì gọi là sự trung thành. Một mình Elon Musk có thể quyết định cắt internet Starlink của một khách hàng hoặc quốc gia và đương sự có khả năng tận dụng thông tin nhạy cảm mà dịch vụ thu thập được để làm những chuyện mà không ai có thể lường được. Những lo ngại như vậy ngày càng tăng vì không có công ty hoặc chính phủ nào có thể sánh được những gì Elon Musk đã xây dựng.

Một hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX mang theo 56 vệ tinh Starlink được phóng từ Cape Canaveral, Florida vào Tháng Ba 2023 (ảnh: Paul Hennessy/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Những nơi nào đang sử dụng Starlink?

Ở Ukraine, những dấu hiệu thao túng của Elon Musk đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều lần, Musk đã hạn chế quyền truy cập Starlink. Có thời điểm, Elon Musk từ chối yêu cầu của quân đội Ukraine về việc bật Starlink gần Crimea, lãnh thổ do Nga kiểm soát, gây ảnh hưởng đến chiến lược chiến trường. Lo lắng việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ của Elon Musk, các quan chức Ukraine đã tìm đến các nhà cung cấp internet vệ tinh khác và cuối cùng thừa nhận rằng không có đối thủ nào có thể địch lại Starlink.

Ít nhất chín quốc gia – trong đó có những nước Châu Âu và Trung Đông – đã đề cập về vấn đề Starlink với các quan chức Mỹ trong 18 tháng qua. Một số người đặt câu hỏi về quyền lực của Elon Musk và khả năng Elon Musk có thể khống chế hoặc thao túng kỹ thuật vệ tinh này đối với an ninh quốc gia của họ. Nhận xét về Starlink và Elon Musk, Dmitri Alperovitch, chuyên gia an ninh mạng, đồng sáng lập tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator, nói: “Đây không chỉ là một công ty, mà là một người,” và điều đó có nghĩa người ta phải luôn thận trọng trước những ý tưởng bất chợt của nhân vật này.

Elon Musk bắt đầu phóng những vệ tinh Starlink đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 2019. Thời điểm đó, internet vệ tinh không được xem là lĩnh vực đáng đầu tư. Trong những năm 1990 và 2000, nhiều công ty đã theo đuổi việc xây dựng các vệ tinh liên lạc quỹ đạo thấp nhưng không mấy thành công do chi phí và nhiều khó khăn kỹ thuật.

Musk có một lợi thế: SpaceX có thể quay trở lại Trái đất sau chuyến du hành vào vũ trụ và có thể tái sử dụng một phần. Điều này giúp Elon Musk điều khiển một cách hiệu quả việc liên tục đưa vệ tinh lên vũ trụ, đôi khi hàng chục vệ tinh cùng một lúc. Giờ đây, gần như mỗi tuần, một tên lửa SpaceX mang theo các vệ tinh Starlink đã được phóng lên từ một địa điểm ở California hoặc Florida. Mỗi vệ tinh được thiết kế để hoạt động trong khoảng ba năm rưỡi.

Starlink cung cấp tốc độ tải xuống internet thường khoảng 100 megabit mỗi giây, tương đương với nhiều dịch vụ điện thoại cố định. SpaceX thường tính phí khách hàng cá nhân khoảng $600 cho mỗi thiết bị đầu cuối nhận được kết nối từ không gian, cộng với phí dịch vụ hàng tháng khoảng $75 (phí cho các doanh nghiệp và chính phủ được tính cao hơn).

Dịch vụ Starlink chính thức ra mắt vào năm 2021 tại một số nước và hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu và một phần châu Mỹ Latin. Ở Châu Phi, nơi việc truy cập internet chậm hơn so với phần còn lại của thế giới, Starlink có ở Nigeria, Mozambique và Rwanda; và hơn một chục quốc gia châu Phi khác sẽ sử dụng dịch vụ này vào cuối năm 2024. Quân đội, công ty viễn thông, hãng hàng không, tàu du lịch và chủ hàng hàng hải đã đổ xô dùng Starlink. Công ty này cho biết họ có hơn 1.5 triệu khách hàng đăng ký.

Thiết bị nhận tín hiệu Starlink được lắp đặt tại Quảng trường Độc Lập, Kherson, Ukraine, để người dân có thể truy cập internet (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Starlink thao túng Ukraine như thế nào?

Không nơi nào chứng tỏ sức mạnh của Starlink và tầm ảnh hưởng của Elon Musk bằng cuộc chiến ở Ukraine. Hơn 42,000 thiết bị đầu cuối Starlink hiện được sử dụng ở Ukraine, từ quân đội, bệnh viện, doanh nghiệp đến các tổ chức viện trợ. Sau những đợt oanh tạc tàn bạo của Nga vào năm 2022 gây tình trạng mất điện diện rộng, các cơ quan công quyền Ukraine phải chuyển sang dùng Starlink để duy trì kết nối trực tuyến. Starlink được đưa vào Ukraine vào Tháng Hai 2022, khi Nga xâm lược và thực hiện cuộc tấn công mạng đánh sập một hệ thống vệ tinh do công ty truyền thông tốc độ cao Viasat của quân đội Ukraine quản lý.

Công nghệ Starlink bây giờ hiện diện khắp nơi ở Ukraine, trong các khu rừng, cánh đồng, làng mạc và trên nóc các phương tiện quân sự, mang lại cho quân đội Ukraine một lợi thế lớn trước Nga. Nó giúp các đội pháo binh, chỉ huy tác chiến và phi công xem các cảnh quay bằng máy bay không người lái, đồng thời giúp liên lạc trực tuyến với các trụ sở chỉ huy tiền phương lẫn hậu phương. Binh sĩ Ukraine cho biết, thời gian phản ứng từ khi tìm thấy mục tiêu đến khi bắn trúng mục tiêu đã giảm còn khoảng một phút so với gần 20 phút trước khi có Starlink.

Tuy nhiên, những lo ngại cũng bắt đầu lấp ló. Đỉnh điểm là mùa thu 2022, khi Elon Musk liên tục đưa ra những bình luận về cuộc chiến, khiến người ta nghi ngờ mức độ cam kết của ông đối với dịch vụ Starlink ở Ukraine. Tháng Chín 2022, tại một sự kiện ở Aspen, Colorado, với sự tham dự của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó là Nancy Pelosi, Musk đề xuất một kế hoạch hòa bình cho Ukraine trong đó có điều kiện Nga được quyền sáp nhập những vùng đất chiếm của Ukraine. Đề xuất này khiến nhiều người phẫn nộ.

Cũng trong thời gian này, câu hỏi về việc ai sẽ trả tiền cho dịch vụ Starlink ở Ukraine bắt đầu được đưa ra. Ban đầu, SpaceX trang trải một số chi phí, với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, Tháng Chín 2022, SpaceX nói với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ rằng họ không thể tiếp tục giúp và yêu cầu Ngũ Giác Đài gánh vác việc tài trợ. Công ty ước tính chi phí gần $400 triệu trong 12 tháng.

Chính quyền Biden yêu cầu một quan chức hàng đầu Ngũ Giác Đài, Colin H. Kahl, làm trung gian hòa giải. Ngày 7 Tháng Mười, Kahl gọi điện cho Musk. Dù Colin H. Kahl nhấn mạnh yếu tố sống còn của hệ thống liên lạc đối với người Ukraine nói chung nhưng Elon Musk vẫn ngắt quyền truy cập đối với một số thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine. Cuối năm 2022, khoảng 1,300 thiết bị đầu cuối Starlink được mua thông qua một nhà cung cấp của Anh đã ngừng hoạt động ở Ukraine sau khi chính phủ Kyiv không thể trả khoản phí $2,500 hàng tháng cho mỗi thiết bị đầu cuối.

Quyền truy cập Starlink cũng dao động tùy thuộc diễn biến cuộc chiến. Khi tình hình chiến trường thay đổi, Musk áp dụng một quy trình gọi là hàng rào địa lý (geofencing) để hạn chế nơi nào trên chiến tuyến có thể truy cập được Starlink! SpaceX sử dụng dữ liệu vị trí thu thập được để thực thi các giới hạn hàng rào địa lý. Điều này gây ra nhiều vấn đề kéo theo. Mùa thu 2022, khi quân đội Ukraine cố tái chiếm các thành phố như Kherson ở những khu vực do Nga kiểm soát, họ cần truy cập internet. Bộ trưởng Truyền thông Kỹ thuật số (lúc đó) Mykhailo Fedorov và các thành viên của lực lượng vũ trang phải nhắn cho Musk và nhân viên SpaceX yêu cầu khôi phục dịch vụ ở những khu vực mà quân đội họ đang tổ chức phản công.

Musk có những lằn ranh đỏ. Năm 2022, đương sự đã từ chối yêu cầu Ukraine việc cung cấp quyền tiếp cận Starlink gần Crimea, bán đảo do Nga kiểm soát, để phía Ukraine có thể phóng một máy bay không người lái chứa chất nổ tấn công tàu Nga neo ở Hắc Hải. Musk nói rằng Starlink không thể được sử dụng cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa.

Đài Loan và EU

Không như các nhà thầu quốc phòng truyền thống khi mà việc bán vũ khí cho nước ngoài thường được thực hiện thông qua chính phủ liên bang, Starlink lại là một sản phẩm thương mại. Điều này cho phép ông chủ của nó, Elon Musk, có thể hành động theo những cách đôi khi không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, chẳng hạn SpaceX có thể tùy hứng ngưng hỗ trợ Ukraine nếu thích. Gregory C. Allen, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế, nói: “Chắc chắn từ lâu rồi chúng ta mới thấy có một công ty và một cá nhân dám công khai chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ giữa một cuộc chiến.”

Vào Tháng Hai, hai tuyến cáp internet dưới biển chạy giữa đảo chính của Đài Loan và quần đảo Mã Tổ bị tàu vận tải Trung Quốc cắt đứt. Vụ việc làm gián đoạn truy cập trực tuyến trên khắp Mã Tổ. Sự kiện khiến nhiều người lo ngại rằng cơ sở hạ tầng truyền thông của Đài Loan dễ bị tấn công và một số ý kiến bàn rằng Đài Loan nên sử dụng Starlink để tránh những sự cố tương tự.

Cựu dân biểu Jason Hsu, người tư vấn cho chính phủ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thuật rằng giới chức Đài Loan đã nói chuyện với SpaceX về Starlink nhưng cuối cùng các cuộc đàm phán không tiến triển, một phần vì “những lo ngại lớn” về cá nhân Elon Musk, kẻ có lợi ích tài chính gắn liền với Trung Quốc (khoảng 50% xe hơi Tesla sản xuất mới ước tính được xuất xưởng từ Thượng Hải). Nếu xài Starlink, Đài Loan có thể bị ngắt bất kỳ lúc nào một khi Elon Musk nghe lời Bắc Kinh để khỏi ảnh hưởng việc kiếm tiền của mình.

Tại Liên minh châu Âu, những lo ngại về sự thống trị độc quyền đầy nguy cơ và rủi ro của Starlink đã dẫn đến một quyết định chung vào năm 2022 rằng, EU sẽ dành 2.4 tỷ euro để thiết lập một chòm vệ tinh riêng (dự kiến ra mắt sau năm 2027). Dù thế nào, sự thống trị của Elon Musk trong không gian khó có thể sớm được cân bằng bởi hiện Starlink không có đối thủ. Tháng Năm, Amazon chuẩn bị đưa hai vệ tinh đầu tiên của họ lên quỹ đạo nhưng kế hoạch bị hoãn do gặp rắc rối kỹ thuật. Kể từ đó đến nay, Elon Musk đã phóng thêm ít nhất 595 vệ tinh Starlink vào không gian.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: