Thế vận hội Mùa đông 2022: Một cuộc “điểm danh” chính trị

Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2022 (ảnh: Alexander Mysyakin/Anadolu Agency/ Getty Images)

Hôm nay ngày 4 Tháng Hai 2022, Thế vận hội Mùa Đông 2022 đã khai mạc. Đây không còn là cuộc thi thể thao thuần túy. Nó là sự kiện chính trị. Ai có mặt, ai không thể hiện rất rõ cái thế giằng co quyền lực và sự “chọn phe” trong một thế giới “toàn cầu” và “đại đồng” giả tạo mà sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là chuyện thời sự nóng…

Trong khi Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo dân chủ khác tránh xa lễ khai mạc với những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thu hút được khoảng hơn 20 nguyên thủ. Nhân vật đáng chú ý nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự hiện diện của Putin cùng Tập cho thấy quyết tâm của Trung Quốc và Nga trong việc thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Tuyên bố chung sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau có đoạn rằng, tình bạn Trung Quốc-Nga “không có giới hạn”; và Trung Quốc luôn đứng về phía Nga trong việc tìm cách chấm dứt sự mở rộng NATO về phía Đông. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu và châu Á, đồng thời “tố cáo” những gì họ coi là sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ khi “giật dây” “các cuộc cách mạng màu”…

Dĩ nhiên Bắc Kinh luôn phủ nhận hồ sơ nhân quyền của mình. Chẳng phải tự nhiên mà Bắc Kinh chọn vận động viên người Duy Ngô Nhĩ Dinigeer Yilamujiang là một trong những người châm đài lửa Thế vận hội. Phần mình, Tập nhân dịp này giới thiệu Trung Quốc như một “mỏ neo của sự ổn định trong một thế giới đầy khủng hoảng”. Tập nhấn mạnh rằng việc có thể tổ chức Thế vận hội đúng lịch trình, đối mặt với Covid, là bằng chứng cho thấy sự đáng tin cậy của Trung Quốc. Trên thực tế, Thế vận hội Mùa Đông 2022 chẳng khác gì lễ kỷ niệm một thập niên nắm quyền của Tập Cận Bình. Một cơ hội tôn vinh quyền lực của Tập. Geremie R. Barmé, thành viên Trung tâm Xã hội Châu Á về Mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, nói về lễ khai mạc Thế vận hội: “Nó giống như lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh nhưng được thực hiện dưới vỏ bọc một sự kiện quốc tế”.

“Điểm danh” danh sách các nước đến Bắc Kinh dự chương trình khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2022, có thể thấy sự khác biệt so với danh sách những quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ của Tổng thống Joe Biden vào Tháng Mười Hai năm ngoái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2022 (ảnh: Alexei Druzhinin/TASS/Getty Images)

Ngoài Nga, những nước tham dự gồm:

– AI CẬP VÀ SERBIA: Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày càng “buồn lòng” phương Tây vì họ liên tục bị chỉ trích chính sách độc tài với hàng đống hồ sơ vi phạm nhân quyền. Cả hai nhà lãnh đạo đều hướng về Trung Quốc. Vucic gọi Tập là “đại ca” khi Trung Quốc cung cấp cho Serbia khẩu trang và vaccine.

– SAUDI ARABIA, QATAR, UAE (Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất): Mối quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh với Trung Quốc luôn đặt trên nền tảng làm ăn về năng lượng. Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Saudi Arabia và là khách hàng chính cung cấp khí đốt tự nhiên của Qatar.

– TRUNG Á: Các nhà lãnh đạo của tất cả năm quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á đang hướng tới Bắc Kinh. Tháng trước, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Zhaparov đã thúc đẩy việc hồi sinh dự án xây dựng tuyến đường sắt bị trì hoãn từ lâu (kéo dài từ Trung Quốc, qua Kyrgyzstan, và chạy tới Uzbekistan). Trung Quốc là khách hàng lớn của Turkmenistan về khí đốt tự nhiên.

– ARGENTINA VÀ ECUADOR: Argentina là quốc gia Mỹ Latin lớn đầu tiên tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tổng thống Argentina Alberto Fernández dự kiến sẽ ​​thảo luận về sự giúp đỡ Trung Quốc trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Argentina kể từ năm 1981. Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đang tìm cách đàm phán lại khoản nợ $4.6 tỷ của nước mình với Trung Quốc.

Những quốc gia không tham dự

Hoa Kỳ tuyên bố tẩy chay ngoại giao dù cho phép các vận động viên Mỹ đến Trung Quốc thi đấu. Cùng Mỹ, còn có Anh, Úc và Canada. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước những vi phạm nhân quyền lặp đi lặp lại của chính phủ Trung Quốc”. Kosovo và Lithuania – hai nước có quan hệ ngày càng xấu với Trung Quốc quanh chuyện Đài Loan – cũng tham gia chiến dịch tẩy chay. Ấn Độ cho biết họ không gửi bất kỳ quan chức nào đến Bắc Kinh, sau có nguồn tin rằng một chỉ huy quân sự Trung Quốc từng liên quan các cuộc đụng độ chết người với lực lượng biên phòng Ấn Độ vào năm 2020 lại được chọn là một trong những người cầm đuốc Thế vận hội.

Hoàng gia Na Uy và Thụy Điển cũng không dự; ngoài ra, cũng không có bất kỳ nhà lãnh đạo nào từ Đức, Áo, hay Thụy Sĩ – những cường quốc nổi tiếng về các môn thể thao mùa đông. Những nước này không “tẩy chay” một cách chính thức; thay vào đó, họ nại cớ “dịch bệnh”. Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand thì vừa viện dẫn COVID-19 vừa “nhân tiện” bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền Trung Quốc. Với Nhật, Tokyo đi theo cách của Mỹ: cho phép vận động viên tham gia thi đấu nhưng không cử bất kỳ thành viên nội các chính phủ hoặc viên chức cấp cao nào đến “chầu” Tập Cận Bình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: