Thủ tướng Boris Johnson từ chức: Không ai đứng trên pháp luật

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức sáng thứ Năm 7 tháng Bảy 2022, đẩy nước Anh vào cuộc khủng hoảng chính trị sau ba năm đầy biến động.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức vào sáng thứ Năm 7 tháng Bảy 2022 trước tòa nhà chính phủ Anh, số 10 phố Downing, London. Ảnh Dan Kitwood/Getty Images.

Thủ tướng Anh Boris Johnson – người vừa được thành phố Odessa của Ukraine phong làm “công dân danh dự” trong tuần trước – đã tuyên bố từ chức sáng thứ Năm 7 tháng Bảy 2022, đẩy nước Anh vào cuộc khủng hoảng chính trị sau ba năm đầy biến động.

Sáng nay thứ Năm, ông Johnson đứng bên ngoài tòa nhà chính phủ Anh ở số 10 Downing St. London và thừa nhận rằng đảng Bảo Thủ cầm quyền muốn ông ta ra đi sau khi hàng loạt quan chức hàng đầu của chính phủ cùng từ chức vì vụ bê bối mới nhất của ông.

Ông Johnson, 58 tuổi, là người đã đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, chỉ huy công cuộc chống đại dịch COVID-19 và viện trợ mạnh cho cuộc kháng chiến ở Ukraine. Nhưng nhiệm kỳ thủ tướng của ông có nhiều vụ bê bối – gần đây nhất là vụ ông ta bổ nhiệm một chính trị gia bị cáo buộc có hành vi lệch lạc về tình dục vào một chức vụ cao cấp trong chính phủ. Khoảng 50 thành viên nội các chính phủ Anh, gồm các bộ trưởng và quan chức cấp dưới, đã rời bỏ chức vụ trong vài ngày qua để phản đối vụ bê bối mới nhất, một dấu hiệu tố cáo thủ tướng thiếu liêm chính. Sự từ chức hàng loạt của các bộ trưởng đã làm tê liệt hoạt động của một số ủy ban quốc hội vì không bộ trưởng nào có thể phát biểu thay mặt chính phủ.

Theo tuyên bố vừa phát ra, ông Johnson sẽ ngay lập tức từ bỏ tư cách lãnh đạo đảng Bảo Thủ Anh nhưng nói ông sẽ vẫn giữ chức thủ tướng cho đến khi đảng chọn xong người kế nhiệm. Thời gian biểu cho việc chọn thủ tướng mới sẽ được công bố vào tuần tới và nước Anh có thể có người kế nhiệm ông Johnson trong vòng sáu tuần lễ nữa.

Nhưng nhiều người muốn ông ta ra đi ngay bây giờ; một số chính trị gia Bảo Thủ bày tỏ nỗi lo ngại ông ta có thể làm những chuyện sai quấy trong thời gian làm thủ tướng tạm quyền (caretaker prime minister). Tuy vậy, trong cuộc họp nội các đầu tiên sau khi tuyên bố từ chức, ông Johnson hứa sẽ không làm thay đổi tình hình trong những tuần còn lại và nói với các thành viên rằng chính phủ sẽ không “tìm cách thực hiện các chính sách mới hoặc thực hiện các thay đổi lớn về phương hướng hoạt động,” hãng tin AP cho biết.

Trong số các ứng cử viên có thể kế nhiệm ông Johnson có cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

***

Trong nhiều ngày qua, ông Johnson đã cố bám lấy quyền lực, và nói với các nhà lập pháp hôm qua thứ Tư rằng ông được “sự tín nhiệm lớn” của cử tri và ông dự định tiếp tục công việc điều hành chính phủ. Nhưng ông đã buộc phải nhận thất bại vào sáng thứ Năm sau khi một trong những đồng minh thân cận nhất của ông, Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Nadhim Zahawi, công khai yêu cầu ông từ chức vì lợi ích của đất nước.

Các nhà phê bình cho rằng ý kiến phát biểu hôm qua cho thấy ông Johnson cuối cùng vẫn từ chối chịu trách nhiệm và không thừa nhận sai lầm của mình.

Việc phải từ chức thủ tướng là một thất bại nhục nhã đối với Johnson, người không chỉ đưa nước Anh ra  khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà còn được cho là đã thực hiện một trong những chiến dịch tiêm chủng hàng loạt thành công nhất thế giới để chống lại COVID-19.

Nhưng ông cũng nổi tiếng với việc đáp trả những người chỉ trích bằng sự khoa trương và đe dọa, thường xuyên tới mức ông thường bị cáo buộc đã cư xử như thể các quy tắc luật pháp là không áp dụng đối với ông ta.

Ông đã cố gắng duy trì quyền lực bất chấp những lời cáo buộc rằng ông quá thân thiết với các nhà tài trợ trong đảng, ông bảo vệ những người ủng hộ ông khỏi các lời tố cáo bắt nạt và tham nhũng, và ông đã nhiều lần nói dối về các vụ tiệc tùng trong văn phòng chính phủ, vi phạm quy định cách lý để chống dịch COVID-19.

Khi những lời tố cáo các vụ tiệc dùng ở Phố Downing xuất hiện trên truyền thông, ông Johnson nói với các nhà lập pháp là “không có bữa tiệc nào” và không quy định nào bị vi phạm. Nhưng khi những bức ảnh chụp ông thủ tướng nâng ly trước một nhóm người ủng hộ, những người chỉ trích ông – gồm cả một số người trong đảng Bảo Thủ đương quyền – cho rằng ông Johnson đã nói dối Quốc Hội, một lỗi lầm mà theo truyền thống đủ để dẫn tới việc từ chức. Việc tổ chức tiệc tùng ngay trong tòa nhà chính phủ giữa thời kỳ cách ly chống dịch cũng đã bị cảnh sát Anh xử phạt.

Thủ tướng Johnson cũng đã từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước tại Quốc Hội, trong đó có 41% các nhà lập pháp Bảo Thủ đã cố gắng lật đổ ông.

Một số chính trị gia đảng Bảo Thủ đứng đối diện với tòa nhà chính phủ, hoan nghênh quyết định từ chức của Thủ tướng Boris Johnson sáng ngày 7 tháng Bảy 2022. Ảnh Dan Kitwood/Getty Images.

Ông Johnson trở thành thủ tướng Anh vào tháng Bảy năm 2019, kế nhiệm bà Theresa May, người đã từ chức sau khi Quốc Hội bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà đã đàm phán với EU. Ông Johnson đã thúc đẩy thỏa thuận Brexit của riêng mình thông qua những cuộc tranh luận lộn xộn và hỗn loạn.

Khi lên nắm quyền, ông đã thể hiện nhiều thói quen và khả năng sẽ đưa ông tiến xa nhưng cũng báo hiệu sự sụp đổ của ông: Ông là một thị trưởng sôi nổi, thích được chú ý của thủ đô London; một nhà báo bị sa thải vì bịa ra các câu trích dẫn và đưa ra những câu chuyện phóng đại về sự thái quá của EU; một chính trị gia có tài hùng biện được mài giũa ở các trường học danh tiếng Eton và Oxford, nơi ông thường tỏ ra xuất sắc trong các cuộc tranh luận.

Ông còn nổi tiếng vì coi nhẹ sự thật, vì những nhận xét lém lỉnh và xúc phạm người khác. Ông gọi người dân Papua New Guineans là những kẻ ăn thịt người và ví những phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt là “những chiếc thùng thư”.

Trong vụ bê bối mới nhất, có những thông tin tiết lộ gần đây rằng ông Johnson biết rõ các cáo buộc hành vi sai trái tình dục của Chris Pincher, một nhà lập pháp đảng Bảo thủ nhưng vẫn thăng chức cho ông ta lên một vị trí cấp cao trong chính phủ. Khi được hỏi về các cáo buộc đó, ông Johnson đã chối quanh, càng làm tăng thêm cảm giác rằng thủ tướng là người không thể tin cậy.

Ngay sau quyết định của ông Johnson đề bạt ông Chris Pincher, các thành viên chủ chốt trong nội các như các bộ trưởng Javid và Sunak – những người chịu trách nhiệm chống đại dịch COVID-19 và lạm phát – đã tuyên bố từ chức cách nhau vài phút vào thứ Ba 5 tháng Bảy vừa qua. Hành động đó đã kích thích làn sóng ra đi của các đồng nghiệp của họ.

***

Nhiều người Anh đã phản ứng với tin tức về việc ông từ chức với sự nhẹ nhõm và ngạc nhiên.

Trong khi đó từ Washington, Tổng thống Joe Biden nói Hoa Kỳ hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với chính phủ Anh mà không nhắc tới Thủ tướng Johnson. “Vương quốc Anh và Hoa Kỳ là những người nạn thân thiết nhất, những đồng minh thân thiết nhất và mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước vẫn bền vững và mạnh mẽ,” ông Biden nói hôm thứ Năm, vài tiếng đồng hồ sau khi Thủ tướng Boris Johnson công bố từ chức, theo tường thuật của Reuters.

Từ Moscow, các chính trị gia Nga nối nhau bày tỏ sự hài lòng với sự ra đi của ông Boris Johnson, gọi nhà lãnh đạo Anh là “một thằng hề đần độn” đã lãnh hậu quả cho hành động hỗ trợ người Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Phát ngôn viên điện Kremlin  Dmitry Peskov nói: “Ông ta [Johnson] không thích chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng ưa gì ông ấy”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: