Tình báo Mỹ ngưng giám sát Hamas từ sau vụ 11 Tháng Chín

Lực lượng khủng bố Hamas (ảnh: Abid Katib/Getty Images)

Sau thảm kịch 11 Tháng Chín, Hoa Kỳ gần như đã ngừng do thám Hamas để tập trung vào al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS); và xa hơn nữa là Trung Quốc. Tiết lộ này giải thích tại sao Hamas đã tạo được cú bất ngờ ngày 7 Tháng Mười.

Tình báo Mỹ gần như “thả lỏng” Hamas

Nói về vụ đột kích của Hamas, một người từng làm việc tại bộ phận tình báo nước ngoài phụ trách thu thập thông tin tình báo về các phong trào của người Palestine của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói: “Chúng ta cũng nên chia sẻ một số trách nhiệm với tình báo Israel về thất bại tình báo lớn này!” (dẫn lại từ Wall Street Journal).

Không chỉ ngừng theo dõi Hamas mà các đơn vị tình báo nước ngoài của Mỹ còn ngừng theo dõi các nhóm bạo lực khác của người Palestine trong nhiều năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001 vào nước Mỹ. Theo các quan chức Mỹ quen thuộc với sự đình trệ này, lý do, các nguồn lực được hướng hết vào việc săn lùng các thủ lĩnh của al-Qaeda và sau đó là Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo họ, Mỹ tin rằng Hamas chưa bao giờ đe dọa trực tiếp nước Mỹ, vì vậy, nguồn lực phải dành cho các ưu tiên tình báo khác.

Một quan chức chống khủng bố cấp cao nhận định: “Washington đã giao hẳn trách nhiệm cho Israel vì tin các cơ quan an ninh lão luyện của nước này sẽ phát hiện bất kỳ mối đe dọa nào. Một đặt cược nghe khá hợp lý nhưng thực tế lại rất khác!”.

Với hơn 30 người Mỹ thiệt mạng và 10 công dân Mỹ còn mất tích sau cuộc khủng bố ngày 7 Tháng Mười và những lo ngại về cuộc chiến tranh khu vực, hàng tỷ đôla khí tài quân sự Mỹ đã được chuyển tới Trung Đông nhưng một số quan chức cho rằng tình báo Mỹ đã đánh giá sai mối đe dọa đối với công dân Mỹ của các tổ chức khủng bố Trung Đông.

Marc Polymeropoulos, viên chức CIA nghỉ hưu và có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố, nêu rõ: “Những thất bại tình báo dẫn đến vụ 7 Tháng Mười phần lớn là trách nhiệm của Israel nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên chia sẻ một số trách nhiệm về việc đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn thảm kịch này. Việc nhường hoàn toàn tình báo cho người Israel tại khu vực đã bắt đầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi các quan chức tình báo hiện tại và trước đây của Mỹ thừa nhận các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, chủ yếu là CIA, từng cử một số nhà phân tích theo dõi tình hình Dải Gaza trước khi xảy ra vụ tấn công nhưng họ chỉ dựa vào nguồn lực của Israel để làm công việc này và chỉ giám sát Hamas bằng công nghệ nghe lén từ xa.

Cả tình báo Israel và Mỹ đều không nhận được thông tin tình báo về cuộc đột kích chớp nhoáng qua tuyến phòng thủ biên giới của Israel. Kết quả là hơn 1,400 người thuộc nhiều quốc tịch bị thiệt mạng. Ngày 26 Tháng Mười, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đổ lỗi những thất bại an ninh cho các cơ quan tình báo và quốc phòng Israel, nhưng vài giờ sau, ông đã xóa dòng tweet trên mạng xã hội X và xin lỗi. Các thành viên đảng Likud của Netanyahu khuyên ông nên tập trung vào việc đánh bại Hamas trước khi phân tích xem điều gì đã xảy ra và ai phải chịu trách nhiệm.

Trong bài phát biểu trước công chúng vào đầu năm 2023, phản ánh những phân tích tình báo đáng quan tâm vào thời điểm đó, Giám đốc CIA William Burns đã cảnh báo về căng thẳng gia tăng và bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa Israel và người Palestine. Thiếu tin tình báo nên dẫn đến suy luận chủ quan. Ý kiến cho rằng Trung Đông chưa chín muồi cho một cuộc chiến mới đã được củng cố trong bài tiểu luận về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden do cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của ông soạn thảo ngay trước cuộc đột kích của Hamas và đăng trên tờ Foreign Affairs:

“Dù Trung Đông vẫn bị bao vây bởi những thách thức tồn tại từ lâu nhưng khu vực này đã bình yên hơn so với nhiều thập niên trước. Tình hình Israel-Palestine rất căng thẳng, đặc biệt là ở Bờ Tây với nguy cơ dẫn đến xung đột nghiêm trọng nhưng chúng ta đã hạ nhiệt được cuộc khủng hoảng ở Gaza và khôi phục liên hệ trực tiếp giữa các bên sau nhiều năm vắng bóng” (sau đó Sullivan đã sửa bài viết của mình trong phiên bản trực tuyến).

Trước đó, cả Hamas và Gaza đều không được đề cập trong báo cáo hàng năm “Annual Threat Assessment” (Đánh giá mối đe dọa hàng năm) công bố vào Tháng Hai của Giám đốc Tình báo Quốc gia, trong đó nêu bật các mối đe dọa hàng đầu đối với Hoa Kỳ. Các thượng nghị sĩ và Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội cũng không hỏi các lãnh đạo tình báo về Hamas và Gaza tại các phiên điều trần công khai.

Sắp xếp lại danh sách ưu tiên

Dù có tổng ngân sách khoảng $90 tỷ và có “tai mắt ở khắp mọi nơi trên thế giới”, CIA và các cơ quan tình báo Mỹ vẫn phải ưu tiên cho một số mục tiêu thông qua một quy trình chính thức phức tạp. Trong những năm gần đây, nhiều nguồn lực tình báo tập trung vào Trung Quốc và giảm ở Trung Đông. Một cựu quan chức chống khủng bố khác giải thích:

“Sự lựa chọn các ưu tiên là rất khó khăn. Thực tế là bạn không có đủ nguồn tài nguyên để dàn trải ra toàn thế giới. Chúng ta phải dựa vào các đối tác (Israel chẳng hạn) trong những lĩnh vực mà chúng ta nghĩ rủi ro không nhiều”. Chi tiết về chi tiêu tình báo của Hoa Kỳ thuộc loại tối mật. Ưu tiên thu thập thông tin tình báo cũng là bí mật được nhắc đến trong một tài liệu có tên là “National Intelligence Priorities Framework” (Bộ khung về Những ưu tiên Tình báo quốc gia). Theo một cựu quan chức, thành phần khủng bố Hamas và Palestine “không nằm ở phần cuối danh sách nhưng cũng không nằm ở nửa trên”.

Một số quan chức đương nhiệm bác bỏ những chỉ trích và nhấn mạnh: “Các cơ quan tình báo Mỹ đã được đào tạo bài bản trong nhiều năm về tổ chức khủng bố đã sát hại gần 3,000 người Mỹ vào Tháng Chín, 2001, đánh bom các sứ quán Mỹ và tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố chết người khác”.

Emile Nakhleh, người đứng đầu đơn vị phân tích “Political Islam” (Hồi giáo Chính trị) của CIA, nhắc lại: “Do Israel và Mỹ đã hiểu không đúng về sức mạnh Hamas nên phương Tây bị sốc khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 sau khi Israel rời dải đất này”. Nakhleh, hiện là Chủ nhiệm bộ môn National Security Programs tại Đại học New Mexico, nói thêm: “Vào thời điểm đó, tình báo Mỹ đánh giá là các phe phái quan trọng của Palestine nghiêng về xu hướng hợp tác với Israel. Nhưng đánh giá này chưa bao giờ được kiểm tra độ tin cậy của nó”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: