Toà án Nga, từ đổi mới quay ngược về thời vô pháp Liên Xô

Pháp đình ở Nga chẳng khác gì sân khấu của chính quyền (ảnh: Pavel Pavlov/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại các phiên tòa bí mật ở Nga, các bản án gần như chắc chắn sẽ được tuyên cho các “điệp viên” bị buộc tội do thám. “Có tội” là mặc định, xử án là hình thức!

Tội danh và bản án “bỏ túi”!

Phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal – vừa bị Nga bắt khi đang đi đến thành phố tỉnh Yekaterinburg để săn tin vào tuần trước – sẽ phải đối mặt với tỷ lệ rất cao “có án” tại phiên toà xử ông, nơi hầu như không bào chữa thành công cho các cáo buộc gián điệp, dù không có chứng cứ. Moscow buộc Gershkovich tội gián điệp nhưng WSJ kịch liệt phủ nhận. Gershkovich đến Nga bằng thị thực nhà báo và có giấy chứng nhận báo chí do Bộ Ngoại giao Nga cấp. Hiện ông chưa được phép gặp luật sư. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên “việc giam giữ ông Gershkovich dựa trên những cáo buộc vô lý”.

Khi các công tố viên thành phố Moscow chuẩn bị xử tội gián điệp chống lại Gershkovich, các luật sư hiểu rành rọt về nền tư pháp Nga dự đoán quá trình xử án sẽ có những đặc điểm quen thuộc của hệ thống tư pháp phương Tây nhưng nội dung là thời Liên Xô! Gershkovich cũng có luật sư biện hộ nhưng trên thực tế luật sư không biết có được phép nói chuyện với bị cáo không và mọi giao tiếp của họ sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Luật pháp Nga cũng đảm bảo cho các bị cáo quyền được xét xử công khai bởi bồi thẩm đoàn trước sự theo dõi của công chúng nhưng nguyên tắc đó không được áp dụng trong các vụ án gián điệp, có nghĩa là nhiều khả năng Gershkovich sẽ bị xét xử bí mật. Một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về các hoạt động nhân quyền tại Nga cho biết trong hệ thống tư pháp Nga, những thẩm phán án gián điệp chịu tác động gần như tuyệt đối của hành pháp, lực lượng vũ trang và các lực lượng an ninh, đặc biệt là trong các vụ án cộm cán hoặc nhạy cảm chính trị.

Wall Street Journal cho biết, thống kê cho thấy có ít hơn 1% bị cáo được tuyên trắng án trong những năm qua. Trong những trường hợp hiếm hoi trắng án, các công tố vẫn còn quyền kháng cáo để chứng tỏ chính quyền luôn đúng. Tom Firestone, cựu cố vấn pháp lý thường trú của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow và hiện là đối tác của công ty luật Stroock and Stroock, nhận định: “Trên lý thuyết, đây là một hệ thống tòa án với đủ quy trình thời hiện đại, nhưng thực tế thì độc tài chuyên chế và về cơ bản nó là một công cụ kiểm soát của nhà nước”.

Đổi mới pháp luật thất bại

Vào đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống tòa án của Nga là mục tiêu cải cách hàng đầu của chính phủ mới thân phương Tây. Moscow đã làm việc với các học giả pháp lý Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US Agency for International Development-USAID) để xây dựng một hệ thống pháp luật dựa trên sự khác biệt, nơi các công tố viên và luật sư biện hộ sẽ tranh luận trên một sân chơi bình đẳng.

Khát vọng về hệ thống luật pháp mới của Nga gần như không còn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thể hiện cách cai trị chuyên quyền của ông ta. Không còn đối nghịch và phản biện. Có sẵn những bản án “bỏ túi” như các chế độ độc tài thường làm, cảnh sát và tòa án Liên Xô (và Nga hiện nay) vẫn dùng lớp vỏ bọc hợp pháp cho những quyết định đàn áp tàn bạo nhất.

Trong các cuộc thanh trừng vào cuối thập niên 1930 dưới thời Joseph Stalin, lực lượng công an mật đã lưu giữ hồ sơ chi tiết về từng nạn nhân bị hành quyết, mỗi hồ sơ thường chứa một bảng câu hỏi, bản ghi cuộc thẩm vấn và bản án xử bắn bị cáo được một bộ ba quan chức có thẩm quyền đưa ra. Loại tòa án này tiếp tục đóng vai trò công cụ răn đe hữu hiệu trong những ngày cuối cùng của Liên Xô, khi những người bất đồng chính kiến không chỉ bị bắt mà còn bị xét xử và bỏ tù vì những tội ác thời Xô Viết như làm mất uy tín chính quyền hoặc bóc lột, “ăn bám” xã hội.

Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, Tổng thống Boris Yeltsin ủng hộ việc cải tổ các tòa án; và năm 1996, Nga đã thông qua một bộ luật mới phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại. Năm 2000, khi Putin lên nắm quyền, ông ta đã tiến hành những cải cách mới nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong hệ thống luật pháp Nga. Năm 2002, Putin ủng hộ luật tố tụng hình sự mới mà trên giấy tờ, trao cho bị cáo các quyền giống như ở phương Tây.

Ngày nay, nhiều người Nga vẫn xem Putin là người có công thiết lập lại trật tự sau thập niên 1990 hỗn loạn, thời điểm mà nước Nga gần như sắp tan rã và các nhà tài phiệt mới nổi đã lợi dụng quan hệ với chính phủ để mua lại những cổ phần khổng lồ trong các ngành công nghiệp thời Liên Xô thông qua các cuộc đấu giá rẻ mạt và gian lận núp bóng tư nhân hóa. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Putin đã thực hiện các bước đi cần thiết để kiềm chế giới tài phiệt và một số tòa án bắt đầu hoạt động như diễn đàn giải quyết tranh chấp thương mại. Nhưng Putin đã khiến các nhà cải cách lo lắng với lời hứa sẽ áp dụng cái mà ông gọi là “Chế độ độc tài của pháp luật”.

Hồi sinh pháp luật thời Liên Xô

Putin nghiêng dần theo hướng hồi sinh pháp luật thời Liên Xô để trừng phạt các đối thủ chính trị và tịch thu tài sản của họ thông qua các phiên toà tội phạm kinh tế. Năm 2003, ông trùm dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky và đối tác kinh doanh Platon Lebedev của ông ta bị bắt. Trong các phiên tòa kéo dài mà bản án được nhiều người cho là có sẵn, Khodorkovsky thường nhìn chằm chằm xuống sàn còn Lebedev đeo nút tai nghe và đọc tiểu thuyết.

Họ bị kết án nhiều tội kinh tế liên quan đến công ty dầu mỏ Yukos. Mỗi người phải ngồi tù khoảng 10 năm. Cả hai khẳng định họ vô tội. Thập niên 2000, khi các vụ án hình sự dồn dập và nhiều vụ được xét xử tại Tòa án quận Basmanny ở trung tâm Moscow, có một từ mới xuất hiện trong từ điển tiếng Nga: “Công lý Basmanny” (Basmanny Justice) để nói về các phiên tòa giả tạo mà thẩm phán có sẵn bản án bỏ túi do Điện Kremlin chỉ định!

Ivan Pavlov, một luật sư Nga từng tham gia các vụ xử như thế nhận xét:

“Số vụ án hình sự liên quan đến gián điệp hoặc phản quốc tương đối hiếm khi Putin mới nắm quyền đã bắt đầu tăng cùng với phong trào bất đồng chính kiến ​và sau cuộc xâm chiếm Crimea vào năm 2014. Sau năm 2014, tôi đã tham gia khoảng chục vụ mỗi năm. Nhưng nay có thể đã hơn 50. Các bị cáo hầu như không thể thắng trước tòa.

Chỉ thỉnh thoảng các công tố viên mới chịu lùi bước khi hành động của họ bị công chúng xem là quá ngang ngược và phản đối kịch liệt. Ví dụ, năm 2015, phía công tố phải hủy bỏ cáo buộc phản quốc đối với một thân chủ của tôi, một phụ nữ 37 tuổi có 7 đứa con bị bắt vì gọi cho Đại sứ quán Ukraine ở Moscow một năm trước, báo rằng binh lính Nga có thể sẽ đến miền Đông Ukraine. Bà thực hiện cuộc gọi sau khi đi xe buýt và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của một người lính về việc quân đội từ một căn cứ quân sự gần đó được gửi đến Ukraine”.

Năm 2017, Pavlov đã giúp ân xá cho ba phụ nữ ở thị trấn Sochi miền Nam bị kết tội phản quốc sau khi họ nhìn thấy một đoàn tàu chở đầy thiết bị quân sự và gửi tin nhắn cho người thân ở nước cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô cũ, vì lo lắng chiến tranh sắp xảy ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: