Toàn cầu: Khi cái đói chực chờ trước cửa!

Biểu tình ở Madrid, Tây Ban Nha; ngày 17 Tháng Ba 2022 – Băngrôn ghi: Năng lượng, thức ăn, chủ quyền trong lĩnh vực công nghiệp, ngay bây giờ!”. Từ cuối năm 2021, lạm phát là vấn đề xã hội lớn nhất ở Tây Ban Nha; tăng 7,6% vào Tháng Hai, cao nhất trong 35 năm (ảnh: Atilano Garcia/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Từ Pakistan đến Peru, từ Tây Ban Nha đến Anh…, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đã đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực khủng hoảng và bất ổn chính trị nghiêm trọng.

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Khi xuống đường ở Ai Cập vào năm 2011, những người biểu tình đòi tự do, công bằng xã hội và họ cả tên… bánh mì! Giá các mặt hàng chủ lực tăng vọt theo giá các nguyên liệu như lúa mì đã gây ra sự tức giận dữ đối với chế độ Tổng thống Hosni Mubarak. Giờ đây, hơn một thập niên sau sự kiện “Mùa xuân Ả-rập”, giá lương thực toàn cầu lại tăng vọt và đạt kỷ lục vào đầu năm nay khi đại dịch, thời tiết xấu và cuộc khủng hoảng khí hậu tác động xấu đến nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người trên thế giới.

Ngày 6 Tháng Tư 2022, công nhân Hy Lạp đình công đòi tăng lương trước tình trạng giá cả sinh hoạt tăng vọt (ảnh: Nicolas Koutsokostas/NurPhoto via Getty Images)

Làm như chưa đủ “đô”, nay lại bồi thêm cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khiến tình hình tồi tệ hơn, đặc biệt là các khoản chi phí dành cho nhiên liệu thiết yếu hàng ngày, từ xăng đến khí đốt. Đòn mới này làm trầm trọng thêm nguy cơ bất ổn chính trị toàn cầu khi nhiều người dân thất vọng với cách chính phủ quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của họ. Rabah Arezki, nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard và là cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Phi nhận định: “Đây là một thực tế cực kỳ đáng lo ngại”.

Ngày 2 Tháng Tư 2022, biểu tình gần Dinh Thủ tướng Anh trước tình trạng giá lương thực và nhiên liệu leo thang và lương thấp (ảnh: James Manning/PA Images via Getty Images)

Bất ổn ở Sri Lanka, Pakistan và Peru trong tuần qua làm nổi bật những rủi ro tiềm ẩn ở nhiều quốc gia. Tại Sri Lanka, biểu tình nổ ra vì thiếu nhiên liệu và các hàng hóa thiết yếu. Lạm phát hai con số ở Pakistan đã làm xói mòn sự ủng hộ đối với Thủ tướng Imran Khan, buộc ông phải ra đi sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội và sau những động thái níu kéo thất bại. Ít nhất sáu người chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây ở Peru do giá nhiên liệu tăng. Nhưng xung đột chính trị sẽ không giới hạn ở những quốc gia này mà sẽ lan sang nhiều nước khác. Hamish Kinnear, nhà phân tích Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, cảnh báo: “Tôi tin rằng các chính phủ đã cảm nhận được hết tác động của giá cả leo thang”.

Nhớ lại Mùa Xuân Ả-rập

Trước khi có làn sóng biểu tình chống chính phủ được gọi là Mùa Xuân Ả-rập bắt đầu ở Tunisia vào cuối năm 2010 rồi lan sang Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2011, giá thực phẩm đã tăng mạnh. Chỉ số giá lương thực (Food Price Index) của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã lên đến 106.7 vào năm 2010 và tăng lên 131.9 vào năm 2011, một kỷ lục lúc đó. “Mohamed Bouazizi tự thiêu vì ông ta không thể viết blog hoặc bỏ phiếu” – một nhà bình luận người Emirati ví von (đề cập đến hành động phản đối của người bán hàng rong Mohamed Bouazizi dẫn đến sự bùng nổ cuộc cách mạng ở Tunisia và cuối cùng là thế giới Ả-rập).

Hỗn loạn tại Pakistan dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng Imran Khan; Karachi, ngày 10 Tháng Tư 2022 (ảnh: Sabir Mazhar/Anadolu Agency via Getty Images)

Người ta tự thiêu vì không thể chịu đựng được cảnh gia đình mình tàn tạ dần, không do đau buồn mất người thân mà vì đói và lạnh. Mỗi quốc gia có hoàn cảnh khác nhau trong một cuộc khủng hoảng thực phẩm và nhiên liệu, nhưng bức tranh chung rất rõ ràng. Chính giá các lương thực thiết yếu như lúa mì tăng cao là phần chính của vấn đề. Thậm chí tình hình bây giờ thậm chí còn tồi tệ hơn Mùa Xuân Ả-rập.

Giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới. Chỉ số giá lương thực Tháng Ba được FAO công bố vào ngày 8 Tháng Tư đạt mức 159.3 – tăng gần 13% so với Tháng Hai. Cuộc chiến ở Ukraine (quốc gia xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn sau Nga); cùng các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga (nhà sản xuất lúa mì và phân bón chủ chốt) ​​sẽ làm giá tăng thêm trong những tháng tới. Gilbert Houngbo, người đứng đầu Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (International Fund for Agricultural Development-IFAD) nhận định: “40% lúa mì và ngô xuất cảng từ Ukraine đến Trung Đông và châu Phi, những nơi đã phải vật lộn với nạn đói. Nay, lương thực thiếu hơn nữa hoặc giá tăng hơn nữa rất dễ gây bất ổn xã hội”.

Thêm vào “nỗi đau lương thực” là giá năng lượng tăng vọt. Giá dầu toàn cầu cao hơn 60% so với năm trước. Giá than và khí đốt tự nhiên cũng tăng mạnh. Nhiều chính phủ cố gắng bảo vệ công dân, nhưng các nền kinh tế mỏng manh sống nhờ vay nặng lãi để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch là dễ bị tổn thương nhất. Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, làm mất giá đồng nội tệ và khả năng thanh toán các khoản nợ yếu dần, việc duy trì trợ cấp lương thực và nhiên liệu sẽ rất khó khăn, đặc biệt nếu giá cứ tăng.

Cảnh sát bắt một người biểu tình trước trụ sở cơ quan Ngân khố Quốc gia bày tỏ phẫn nộ trước tình trạng giá lương thực tăng vọt; Nairobi, Kenya, ngày 7 Tháng Tư 2022 (ảnh: John Ochieng/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Cả thế giới đều khó khăn

Theo Ngân hàng Thế giới, gần 60% nước nghèo nhất đã lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ cao quẫn cùng trước khi Nga xâm lược Ukraine. Lấy ví dụ Sri Lanka, quốc đảo 22 triệu dân, người biểu tình xuống đường bất chấp lệnh giới nghiêm buộc các bộ trưởng chính phủ phải từ chức ngay lập tức. Vật lộn với mức nợ cao và nền kinh tế yếu kém phụ thuộc vào du lịch, Sri Lanka buộc phải cắt giảm dự trữ ngoại tệ khiến chính phủ không thể thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như năng lượng, dẫn đến thiếu hụt nặng nề và người dân mất hàng giờ xếp hàng để mua nhiên liệu. Chính phủ phải phá giá đồng rupee để đảm bảo khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng làm thế chỉ khiến lạm phát tồi tệ hơn, lên 14%, tức gần gấp đôi mức lạm phát ở Mỹ.

Một người xếp hàng mua dầu hôi ở Colombo, Sri Lanka; ngày 26 Tháng Ba 2022 – Sri Lanka đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu nghiêm trọng thực phẩm và nhiên liệu (ảnh: Pradeep Dambarage/NurPhoto via Getty Images)

Tại Pakistan, trong khi các vấn đề chính trị của Thủ tướng Imran Khan đã có từ nhiều năm trước, quản lý kinh tế yếu kém khiến chi phí lương thực, nhiên liệu tăng vọt. Cạn kiệt dự trữ ngoại hối khiến tình hình còn tồi tệ hơn. Các chuyên gia hiện theo dõi những dấu hiệu căng thẳng chính trị ở các quốc gia Trung Đông phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực từ khu vực Biển Đen và thường ban phát các khoản trợ cấp hào phóng cho công chúng để mua phiếu.

Yemen đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng (ảnh: Abdulnasser Alseddik/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại Lebanon, nơi gần 3/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói vào năm ngoái do hậu quả của suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị, lượng lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine chiếm đến trên 70%. Ai Cập, nước mua lúa mì lớn nhất thế giới, đang phải chịu áp lực rất lớn đối với chương trình trợ cấp khổng lồ cho bánh mì dù chính phủ đã ấn định bảng giá cố định cho bánh mì không đóng hộp sau khi giá tăng đột biến và cố gắng nhập thêm lúa mì từ các nước như Ấn Độ và Argentina.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, chỉ riêng hạn hán và xung đột thường trực ở Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Burkina Faso cũng đã tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cho hơn 1/4 dân số châu lục. Tình hình sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới. Hệ quả là bất ổn chính trị đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi tại lục địa này. Một loạt cuộc đảo chính đã xảy ra ở Tây và Trung Phi kể từ đầu năm 2021.

Quay sang châu Âu, ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn, vốn có những “vùng đệm” lớn hơn để bảo vệ người dân khỏi những đợt tăng giá, cũng sẽ không có đủ công cụ để chống đỡ hoàn toàn. Minh chứng là hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố trên khắp Hy Lạp trong tuần này đòi tăng lương bù vào lạm phát, trong khi vào tháng trước, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải xem xét cấp tem phiếu thực phẩm cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: