Trung Quốc bí mật động thổ căn cứ hải quân tại Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hun Sen có thể nói là “chư hầu” số một của Trung Quốc tại châu Á (Hun Sen trong một cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – ảnh: Ng Han Guan – Pool/Getty Images)

Giới chức phương Tây, dẫn lại từ The Washington Post (ngày 6-6-2022) cho biết, Trung Quốc đang bí mật xây một căn cứ hải quân ở Campuchia. Cả Campuchia lẫn Trung Quốc đều phủ nhận tin này. Dự kiến động thổ vào Thứ Năm 9 Tháng Sáu 2022, căn cứ Trung Quốc nằm ở phía Bắc Căn cứ Hải quân Ream (Campuchia) trên Vịnh Thái Lan.

Đây sẽ là tiền đồn thứ hai ở nước ngoài của Trung Quốc và là tiền đồn đầu tiên ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cho đến thời điểm này, Trung Quốc chỉ mới có một căn cứ quân sự ở nước ngoài: Căn cứ hải quân ở Djibouti, một quốc gia tại Đông châu Phi. Năm 2019, tờ Wall Street Journal cho biết, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội họ xây căn cứ tại Campuchia nhưng cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh lúc đó đều chối đây đẩy. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thậm chí nói rằng đó là “tin giả” trong khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói “chỉ là tin đồn”.

Bây giờ, sau ba năm, khi lễ động thổ chuẩn bị được thực hiện, cuối tuần qua, một quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh xác nhận với The Washington Post rằng “một phần của căn cứ” sẽ được “quân đội Trung Quốc sử dụng”, nhưng nói thêm rằng nó không thuộc “độc quyền” của quân đội mà còn là nơi làm việc của giới khoa học, rằng Trung Quốc không tham gia bất kỳ hoạt động nào trên phần đất thuộc về phía quản lý của nước chủ nhà Campuchia. Quan chức này cho biết lễ động thổ, dự kiến ​​vào Thứ Năm, sẽ được tổ chức với sự có mặt của giới chức hai bên và tất nhiên có Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia.

Tuy nhiên, ngay thời điểm này, Đại sứ quán Campuchia tại Washington vẫn chối. Họ nói rằng họ “hoàn toàn không đồng ý với nội dung thông tin này vì đây là một cáo buộc vô căn cứ nhằm tiêu cực hóa hình ảnh Campuchia”, rằng Campuchia “kiên quyết tuân thủ” Hiến pháp quốc gia với việc không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài hoặc sự hiện diện quân đội nước ngoài trên đất Campuchia. “Việc cải tạo căn cứ chỉ nhằm tăng cường năng lực hải quân Campuchia để bảo vệ sự toàn vẹn hàng hải và chống lại tội phạm hàng hải trong đó có tình trạng đánh bắt cá trái phép”, Đại sứ quán Campuchia tại Washington ra tuyên bố.

Phải nói đây là một kế hoạch tuyệt mật mà Bắc Kinh và Phnom Penh luôn cố che đậy. Các phái đoàn nước ngoài đến căn cứ Ream chỉ được phép tiếp cận những địa điểm đã được duyệt trước. Trong khi đó, quân nhân Trung Quốc tại căn cứ luôn được yêu cầu mặc đồng phục tương tự quân nhân Campuchia hoặc không mặc đồng phục để tránh bị các nhà quan sát bên ngoài nghi ngờ. Khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đến căn cứ này vào năm ngoái, các hoạt động của bà đã “bị hạn chế rất nhiều”. Năm ngoái, trụ sở tòa nhà “Tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia” do chính quyền Việt Nam xây đã được dời ra xa khỏi Căn cứ Hải quân Ream để tránh chạm mặt quân nhân Trung Quốc.

Một cách tổng quát, ngoài căn cứ ở Djibouti, được khánh thành năm 2017, Bắc Kinh đang theo đuổi mục tiêu xây dựng các cơ sở quân sự khắp thế giới để hỗ trợ toàn diện “sức mạnh hải quân, không quân, lực lượng bộ binh, lực lượng không gian mạng và vũ trụ” – như được chỉ ra trong báo cáo Ngũ Giác Đài. Những quốc gia mà Trung Quốc nhắm đến việc xây dựng căn cứ quân sự gồm Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Tanzania và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – tất cả nhằm tạo ra một mạng liên kết toàn cầu để chặn đứng hoặc hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ.

Theo The Washington Post, công nghệ trạm mặt đất cho hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou (Bắc Đẩu) sẽ được đặt tại Căn cứ Hải quân Ream. BeiDou là hệ thống định vị toàn cầu do Trung Quốc thiết kế. Theo một báo cáo vào Tháng Ba 2022 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ngũ Giác Đài, quân đội Trung Quốc sử dụng BeiDou để hỗ trợ cho vũ khí dẫn đường, theo cách tương tự hệ thống GPS của Mỹ. Cần nhắc lại, Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng lớn nhất thế giới xét về số lượng. Trong khi Hải quân Hoa Kỳ có 297 tàu chiến (hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tàu ngầm…), Trung Quốc có 355 tàu và dự kiến ​​có 460 chiếc vào năm 2030.

Dù vậy, như phân tích từ Andrew Erickson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc Học viện Hải chiến Hoa Kỳ (Naval War College), những con số đó chẳng nói lên điều gì nếu Trung Quốc không thiết kế được mạng lưới cơ sở vật chất mạnh mẽ bao phủ khắp thế giới. Xét theo tiêu chí này, Trung Quốc còn thua Mỹ ở khoảng cách rất xa. Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về hải quân. Dù thế nào, việc Trung Quốc xây một căn cứ tại Campuchia cũng là một tín hiệu nguy hiểm đối với khu vực và nó cho thấy tham vọng không ngừng nghỉ của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tìm cách thiết lập một căn cứ hải quân ở Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất (UAE). Năm ngoái, tình báo Hoa Kỳ biết được rằng Bắc Kinh đang bí mật xây dựng một cơ sở quân sự tại một cảng gần thủ đô Abu Dhabi của UAE, theo tờ Wall Street Journal. Sau loạt công du của giới chức Mỹ đến UAE, việc xây dựng bị đình hoãn và số phận của dự án này cho đến thời điểm này vẫn chưa được rõ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: