Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo các phi cơ quân sự của Trung Quốc – bao gồm cả phi cơ có khả năng ném bom hạt nhân – đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc này hôm Chủ nhật.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một “tỉnh ly khai” mà Trung Quốc nhất quyết phải “thu phục” bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực, dù thực tế đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh chưa bao giờ chiếm đóng được hoặc cai trị đảo quốc này mà Đài Loan vẫn là nền dân chủ hoạt động độc lập với Hoa Lục. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã kéo dài nhiều thập niên nhưng đã tăng cao trong năm qua khi Đài Loan liên tục phàn nàn về việc phi cơ quân sự Trung Quốc liên tục xâm phạm không phận của mình.
Theo Reuters, hôm Chủ nhật 5 tháng Chín, lực lượng không quân Đài Loan đã điều động chiến đấu cơ lên xua đuổi 19 phi cơ quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết lực lượng xâm nhập gồm 10 chiến đấu cơ J-16 và 4 chiến đấu cơ Su-30. Ngoài ra, Trung Quốc đã cử bốn phi cơ ném bom H-6, có thể vận chuyển vũ khí hạt nhân, cũng như một máy bay chống tàu ngầm bay theo các phi đội chiến đấu cơ.
Theo Reuters, ngoài việc huy động chiến đấu cơ của không quân, Đài Loan cũng đã chuẩn bị các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn sẵn sàng cho trường hợp bị tấn công.
Tuần trước, trong một báo cáo thường niên, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã trình bày một bức tranh rõ nét về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Báo cáo nói rằng Trung Quốc có khả năng “làm tê liệt” khả năng phòng thủ của Đài Loan thông qua “các cuộc tấn công điện tử mềm và cứng.”
Hồi tháng Sáu, Trung Quốc cũng đã thực hiện một vụ xâm nhập tương tự có sự tham gia của 28 phi cơ quân sự – đánh dấu vụ xâm nhập lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc vào vùng trời của Đài Loan. Trung Quốc thường xuyên thực hiện các vụ bay qua nhỏ hơn để trả đũa các dấu hiệu quốc tế ủng hộ Đài Loan độc lập. Nhưng phần lớn các vụ xâm nhập của phi cơ Trung Quốc diễn ra ở phần phía nam của vùng nhận diện phòng không Đài Loan, gần quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát nằm giữa Đài Loan và Philippines.
***
Mặc dù không rõ điều gì cụ thể đã dẫn đến vụ xâm nhập của Trung Quốc hôm Chủ nhật, nhưng nó được thực hiện sau khi các nhà lập pháp châu Âu bày tỏ sự đoàn kết với Đài Loan. Nước Cộng hòa Lithuania [một nước nhỏ ở vùng biển Baltic mà báo chí Việt Nam gọi là Cộng hòa Litva, phiên âm theo tiếng Nga] đã công bố kế hoạch nâng cấp quan hệ với Đài Loan và mở văn phòng ngoại giao ở Đài Bắc vào cuối năm nay. Trung Quốc đáp lại bằng sự tức giận; Bắc Kinh yêu cầu các quốc gia châu Âu triệu hồi đại sứ của họ và cho biết Trung Quốc cũng đã triệu hồi đại sứ của mình tại Lithuania.
Đáp lại, 62 nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu, đại diện cho 20 quốc gia, đã ký một lá thư ủng hộ Lithuania. “Chúng tôi viết thư để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của chúng tôi đối với Lithuania trước những lời đe dọa, đe dọa và hành vi bắt nạt nhằm vào người dân Lithuania… Các hành động gây hấn của chính phủ Trung Quốc đối với Lithuania là biểu hiện của việc nước này từ chối tuân thủ các quy tắc, giá trị và tiêu chuẩn của trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”, các nhà lập pháp cho biết.
Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải bằng tiếng Anh do đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, đã đăng một bài quan điểm hôm Chủ nhật, chỉ trích thái độ của châu Âu về Đài Loan. “Lithuania đang tìm cách phát triển quan hệ với đảo Đài Loan theo hướng phá vỡ nguyên tắc một Trung Quốc. Nhưng phía châu Âu lại cho rằng Trung Quốc đã tiến hành ngoại giao ‘ép buộc’. Đây rõ ràng là logic chính trị bất hảo. Một số người châu Âu không thể phân biệt được đúng sai. Điều này là do họ đã đặt tư lợi làm trọng tâm”, bài báo viết.
Tháng trước, quân đội Hoa Kỳ đã cử một chiến hạm và một tàu tuần duyên đi qua eo biển Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ Đài Loan trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc.
(theo Newsweek)
Đọc thêm: