Trung Quốc khai mạc đại hội đảng Cộng Sản

Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc đại hội ĐCSTQ được truyền hình trực tiếp ra cả nước. Ảnh một góc phố Hàng Châu tỉnh Chiết Giang sáng 16 tháng Mười 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đảng chính trị cầm quyền có đông đảng viên nhất hành tinh – đã khai mạc sáng Chủ Nhật 16 tháng Mười (giờ địa phương) tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là sự kiện được cả thế giới theo dõi sát vì nó quyết định đường lối chính trị-kinh tế của Trung Quốc và có ảnh hưởng đến tình hình thế giới trong nhiều năm tới.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc diễn văn khai mạc đại hội. Đại hội sẽ kéo dài một tuần, nơi ông Tập được kỳ vọng sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba và củng cố vị trí của mình với tư cách là nhà cai trị quyền lực nhất đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông.

Theo tường thuật của hãng tin Reuters, đại hội quy tụ khoảng 2,300 đại biểu từ các cơ sở đảng ở khắp Trung Quốc; diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn ở phía tây của Quảng trường Thiên An Môn trong bối cảnh an ninh thắt chặt.

Trong bài diễn văn khai mạc, ông Tập ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì ổn định xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân và kiểm soát tình hình ở Hồng Kông, vùng lãnh thổ bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019.

Về vấn đề Đài Loan, ông Tập nói, “chúng tôi kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.”

Ông Tập nói ĐCSTQ gồm 96 triệu đảng viên “đã chiến thắng trong trận chiến chống đói nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại.”

Các đại biểu đã đáp lại bài diễn văn của ông bằng những tràng pháo tay vang dội.

Trong hơn mười năm cầm quyền vừa qua, từ cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, đã dẫn dắt Trung Quốc vào con đường ngày càng độc tài chuyên chế. Ông ưu tiên cho sự củng cố quyền lực của ĐCSTQ, siết chặt an ninh trong toàn xã hội, kiểm soát nền kinh tế dưới danh nghĩa “thịnh vượng chung”, thực hiện chính sách ngoại giao quyết đoán hơn, quân đội mạnh hơn và tăng cường áp lực để thâu tóm Đài Loan, một hòn đảo dân chủ mà đến nay ĐCSTQ vẫn chưa chiếm được.

Hầu hết các nhà phân tích đều không mong đợi có sự thay đổi đáng kể nào trong định hướng chính sách của Trung Quốc khi ông Tập còn nắm quyền tối cao.

Trước khi chính thức khai mạc vào sáng Chủ Nhật 16 tháng Mười, đại hội 20 ĐCSTQ đã tổ chức phiên họp chuẩn bị vào hôm thứ Bảy 15 tháng Mười tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, do ông Tập Cận Bình đích thân chủ trì. Ảnh Huang Jingwen/Xinhua via Getty Images.

Quyền lực của ông Tập dường như không bị suy giảm, bất chấp những sự xáo trộn trong một năm mà ​​nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đáng kể, do chính sách “không – COVID” dẫn tới việc phong tỏa nhiều thành phố gây khó khăn cho cuộc sống thường nhật của hàng trăm triệu người, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và cuộc đàn áp năm 2021 đối với các doanh nghiệp phát triển nhanh trong lĩnh vực kinh tế số vốn một thời khá tự do.

Mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây đã xấu đi rõ rệt, trở nên tồi tệ hơn khi ông Tập ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cùng với những chính sách đối nội và đối ngoại chuyên chế hơn so với những người tiền nhiệm, ông Tập đã dành ưu tiên trong hai nhiệm kỳ đầu tiên (2012-2022) để củng cố vai trò của ĐCSTQ – một tổ chức chính trị đã trở nên thối nát vì tham nhũng và độc tài, đồng thời củng cố vai trò cá nhân của chính ông trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Cương lĩnh của ĐCSTQ đã được sửa đổi để đi theo “Tư tưởng Tập Cận Bình” và tôn vinh sự “lãnh đạo cốt lõi” của cá nhân ông.

Để cầm quyền trọn đời giống như lãnh tụ Mao Trạch Đông trước kia, năm 2018 ông Tập cho sửa đổi hiến pháp Trung Quốc, loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, phá vỡ tiền lệ của những thập niên gần đây và cho phép ông tiếp tục cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm hoặc lâu hơn nữa.

Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 dự kiến ​​sẽ bầu ông Tập tiếp tục làm tổng bí thư, chức vụ quyền lực nhất của Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch Quân ủy trung ương. Cũng có tin đồn trong giới quan sát rằng đại hội 20 ĐCSTQ sẽ bãi bỏ chức tổng bí thư đảng (general secretary) và thay vào đó là chức chủ tịch đảng (chairman). Chủ tịch đảng – là chức của Mao Trạch Đông trước đây và đã bị Đặng Tiểu Bình bãi bỏ năm 1978 – là người có quyền hành gần như tuyệt đối, cầm quyền trọn đời, trong khi tổng bí thư là người đứng đầu một tập thể lãnh đạo gọi là Bộ Chính trị và có nhiệm kỳ năm năm, tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.

 Việc thay đổi danh xưng từ tổng bí thư sang chủ tịch đảng không chỉ là chuyện từ ngữ mà phản ánh sự thay đổi trong cơ chế chỉ huy ĐCSTQ: từ tập thể lãnh đạo sang cá nhân lãnh đạo và có thể khơi mào cho sự độc tài cá nhân và tệ nạn tôn sùng lãnh tụ vốn đã mạnh lên dưới thời Tập Cận Bình. 

Sau khi được đại hội ĐCSTQ bầu giữ nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, ông Tập sẽ tiếp tục được đảm nhiệm chức chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba khi Quốc hội nước này tổ chức kỳ họp thường niên vào tháng Ba 2023.

Lễ khai mạc đại hội 20 của ĐCSTQ được truyền hình trực tiếp ra cả nước trên những màn hình khổng lồ để dân chúng theo dõi. Ảnh chụp một góc phố ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang hôm 16 tháng Mười, 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Nếu như đại hội 20 của ĐCSTQ không có sự thay đổi lớn về đường lối chính sách, vẫn kiên trì đi theo “Tư tưởng Tập Cận Bình” thì trọng tâm của đại hội là cuộc bầu chọn các guồng máy lãnh đạo của ĐCSTQ và nhà nước Trung Quốc.

Vào ngày cuối cùng của đại hội vào cuối tuần sau, 2,296 đại biểu đại diện cho 96 triệu đảng viên ĐCSTQ sẽ bỏ phiếu bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, gồm 376 người, phần lớn là quan chức lãnh đạo các tỉnh thành, bộ ngành trong cả nước. Trong số này, 204 ủy viên trung ương chính thức sẽ bầu ra Bộ Chính trị ĐCSTQ gồm 25 ủy viên – là tập thể lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ dưới quyền tổng bí thư. Bộ Chính trị sau đó sẽ bầu ra Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – là hạt nhân cầm quyền, hoạch định những chính sách và biện pháp điều hành đất nước một cách thường xuyên và bí mật.

Theo các nguồn tin nội bộ, vào ngày cuối của đại hội, ông Tập ​sẽ giới thiệu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới của mình, một nhóm lãnh đạo gồm bảy người, trong đó sẽ có cả người thay thế Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông Lý phải từ chức vào tháng Ba 2023 sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ dưới quyền ông Tập. 

Hơn 1.4 tỷ dân Trung Quốc không hề có tiếng nói và không được có ý kiến gì trong công cuộc lựa chọn guồng máy lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: