Trước thời điểm binh lửa ở Gaza, Tổng thống Biden kinh lý Israel

Israel đón Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du vào Tháng Tám 2022 (ảnh: Ilia Yefimovich/picture alliance via Getty Images)

Tổng thống Biden sẽ đến Israel vào Thứ Tư 18 Tháng Mười 2023. Chuyến công du của Biden – được Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo vào sáng sớm Thứ Ba 17 Tháng Mười tại Tel Aviv – là một động thái rất đáng chú ý chưa đầy hai tuần sau sự kiện Hamas tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười. Ngũ Giác Đài cùng lúc cho biết họ cũng sẵn sàng triển khai 2,000 lính Mỹ tới Trung Đông.

Việc Biden đến Israel trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng này thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với Israel, đưa ra một thông điệp rõ ràng cho những đồng minh Hamas như Iran, Syria và Hezbollah rằng Mỹ đang đứng sau Israel.

Gaza đang hỗn loạn. Theo Bộ Y tế Palestine, các cuộc không kích của Israel đã giết chết hơn 2,808 người và làm bị thương 10,850 người khác ở Gaza. Hàng trăm ngàn người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Văn phòng Báo chí Gaza cho biết thêm, ít nhất 3,731 tòa nhà dân cư với 10,500 đơn vị nhà ở đã bị phá hủy hoàn toàn.

Israel đã tuyên bố “bao vây toàn diện” nhằm cắt hoàn toàn nguồn năng lượng, thực phẩm và nước uống ở Gaza. Chính sách bao vây nghiêm ngặt của Israel đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nước và nhiên liệu. Liên Hiệp Quốc liên tục cảnh báo về một thảm họa nhân đạo.

Bộ Nội vụ Gaza cho biết nước đã không được cung cấp cho Gaza trong 10 ngày qua. Israel đã yêu cầu hàng trăm ngàn người rời khỏi miền Bắc Gaza. Hơn 400,000 người đã đến những nơi trú ẩn do Liên Hiệp Quốc điều hành. Nhân viên cứu trợ đang chịu áp lực căng thẳng đến mức người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên Hợp Quốc cho biết nhân viên của ông không thể giúp được gì nữa trừ khi họ nhận được thêm nguồn hỗ trợ. Gaza cũng sắp hết túi đựng xác. Người dân địa phương phải đào lại những ngôi mộ cũ để chôn người chết và phải chôn tập thể.

Gaza gần như không còn đất để chôn người chết (ảnh: Ashraf Amra/Anadolu via Getty Images)

Trước khi xảy ra các cuộc tấn công trả đũa của Israel bắt đầu vào ngay ngày xảy ra cuộc tấn công của Hamas (7 Tháng Mười), Gaza đã sống vật vã trong tình trạng bi thảm tuyệt vọng, bởi cuộc phong tỏa kéo dài 16 năm. Theo Liên Hiệp Quốc, ba nhà máy khử mặn nước ở Gaza đã ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu; nước sạch đang cạn, khiến người dân phải uống nước bẩn từ giếng bất chấp nguy cơ dịch bệnh. Các bệnh viện chật kín người bị thương và người chết.

Mới đây, Ngoại trưởng Blinken đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel trong chín giờ với hai phiên, chủ yếu bàn việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. “Đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài,” Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, nói vào ngày 16 Tháng Mười sau cuộc gặp với Blinken tại Tel Aviv. “Cái giá sẽ cao, nhưng chúng tôi sẽ giành chiến thắng cho Israel, cho người Do Thái và cho những giá trị mà cả hai nước đều tin tưởng.”

Sự trả đũa của Israel đã vượt quá phạm vi các cuộc xung đột trong quá khứ với Hamas. Hàng trăm cuộc không kích nhằm vào Gaza đã giết chết ít nhất sáu lãnh đạo cấp cao của Hamas – Israel cho biết. Chuyến công du Israel của Tổng thống Joe Biden cho thấy thêm, cuộc tấn công trên bộ vào Gaza của Israel nhằm “truy cùng diệt tận” Hamas sẽ được hoãn cho đến sau khi Tổng thống Mỹ rời đi.

Quan hệ Mỹ-Israel vẫn là một trong những quan hệ gắn bó nhất lịch sử đối ngoại của Hoa Kỳ (ảnh: Mostafa Alkharouf/Anadolu Agency via Getty Images)

Tháng Hai 2023, Tổng thống Biden đã thực hiện chuyến kinh lý Ukraine, một quốc gia đang có chiến tranh, nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trước cuộc xâm lược Nga. Chuyến đi này, được thực hiện trong bí mật tuyệt đối, diễn ra sau loạt công du ủng hộ Ukraine của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.

Chuyến đi Israel của Biden lần này có ý nghĩa khác và thông điệp của nó mạnh mẽ hơn nhiều lần. Phát biểu với chương trình “60 Minutes” trên CBS, Tổng thống Biden nói, “Hamas và các phần tử cực đoan của Hamas không đại diện cho tất cả người dân Palestine.” Biden đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với Israel khi nói “việc tiêu diệt những kẻ cực đoan” là “một yêu cầu cần thiết”.

Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc cũng tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn thông qua ngoại giao. Washington đã cảnh báo Iran không nên lợi dụng tình hình để kích động leo thang chiến tranh. Lo ngại cuộc xung đột có thể lan rộng thành chiến tranh khu vực, quân đội Israel cho biết họ sẽ sơ tán những người sống trong phạm vi 2 km tính từ biên giới với Lebanon.

Sự có mặt tại Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III và Ngoại trưởng Blinken, và bây giờ là Tổng thống Biden, một phần cũng muốn nhắc Israel phải suy nghĩ về động thái của họ sắp tới khi mở chiến dịch quân sự vào Gaza sao cho không bị mắc kẹt và sa lầy. Cho đến nay, theo một quan chức từng tham gia đàm phán, Israel cho rằng còn quá sớm để nghĩ về tương lai Gaza. Ưu tiên hàng đầu của họ bây giờ là tiêu diệt Hamas.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Phó Tổng thống Joe Biden tại Jerusalem, Israel ngày 9 Tháng Ba 2010 (ảnh: Avi Ohayon – GPO via Getty Images)

Nỗ lực của Ngoại trưởng Blinken nhằm tạo ra một lối thoát cho người Palestine – và cho cả những người Mỹ đang bị mắc kẹt ở Gaza – cho đến nay chưa thành công. Trong cuộc họp kéo dài vào Chủ Nhật 15 Tháng Mười, Blinken đã không thuyết phục được Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập mở chốt chặn duy nhất ở phía Nam Gaza và cho phép người Palestine sang sa mạc Ai Cập để có thể tránh xa cuộc đụng độ binh lửa sắp tới.

The New York Times cho biết, cuộc gặp giữa Blinken với nhà lãnh đạo Ai Cập rất căng thẳng. “Đúng, đúng là những gì xảy ra trong chín ngày qua là rất khủng khiếp và chúng tôi dứt khoát lên án điều đó” – Tổng thống Sisi nói với Blinken – “Nhưng chúng ta cần hiểu đây là kết quả của sự giận dữ và hận thù tích tụ trong suốt bốn thập niên, khi mà người Palestine không còn hy vọng tìm ra giải pháp. Nhiều người đặt câu hỏi: Đây có phải là thời điểm thích hợp để nói về vấn đề này hay chỉ để cố gắng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại?”

Không như các tổng thống Mỹ khác yêu cầu Israel kiềm chế trong các cuộc xung đột trước đây, Tổng thống Biden thể hiện hoàn toàn khác biệt. Ông nhấn mạnh Israel có mọi quyền để tự vệ. Tương tự với Ukraine, Biden khẳng định ông sẽ ủng hộ Tel Aviv bằng mọi cách, trừ việc đưa lính Mỹ chiến đấu cùng Israel. Biden đã điều động loạt tàu chiến và máy bay tới khu vực để răn đe Iran và Hezbollah. Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm (USS Gerald R. Ford và USS Dwight D. Eisenhower) đã hiện diện ở Trung Đông để có thể sẵn sàng tấn công các địa điểm phóng tên lửa của Hezbollah ở Lebanon hoặc nơi khác, nếu mặt trận thứ hai mở ra.

Về ý nghĩa chính trị đối với nội bộ chính trường Mỹ, chuyến đi Israel của Biden cho thấy quan điểm đối trọng của ông đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Khi còn đương chức, Trump luôn nói ông là người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất nhưng những ngày qua Trump lại chỉ trích Thủ tướng Netanyahu.

Có lẽ Trump chưa quên vụ Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai “chứng nhận” việc Biden đắc cử, trong một cuộc bầu cử mà Trump cho rằng ông bị “đánh cắp lá phiếu”. Trump cũng ca ngợi Hezbollah “rất thông minh” và chỉ lên án nhóm khủng bố này sau khi ông bị chỉ trích. Nhóm phiến quân Lebanon – Hezbollah – đã đụng độ với lực lượng Israel những ngày gần đây (sau cuộc tấn công của Hamas). Việc nhận xét “rất thông minh” dành cho Hezbollah của Trump cũng tương tự cách ông nói về Vladimir Putin sau cuộc xâm lược Ukraine.

____________

Một số nhà lãnh đạo phương Tây đã công bố kế hoạch đến Israel trong tuần này để thể hiện sự ủng hộ Tel Aviv. Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem vào Thứ Ba 17 Tháng Mười; Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đến Tel Aviv trong cùng ngày.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: