Các lực lượng Nga ở Ukraine dường như đã chuyển trọng tâm từ một cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Kyiv và các thành phố lớn của Ukraine sang tập trung ưu tiên cho cái mà Moscow gọi là giải phóng khu vực Donbass đang tranh chấp ở phía Đông của đất nước, mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến.
Khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, ông Vladimir Putin – cũng như nhiều quan sát viên thời sự – tin rằng quân Nga có thể chiếm được thủ đô Kyiv trong thời gian ngắn, giải tán chính phủ dân cử của Ukraine và lập nên một chính quyền bù nhìn tay sai của Nga. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Sau một tháng chiến tranh, dù sử dụng một lực lượng mạnh gấp nhiều lần so với đối phương, cả về nhân sự lẫn vũ khí, quân Nga chẳng những không chiếm được thành phố nào của Ukraine mà còn bị sa lầy và tổn thất hết sức nặng nề. Thông tin chiến sự cho biết, sau một tháng cầm chân quân Nga ở bên ngoài thủ đô Kyiv và các thành phố khác, quân kháng chiến Ukraine đã bắt đầu tổ chức phản công, đẩy lùi quân địch và chiếm lại một số cứ điểm.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết các lực lượng mặt đất của Nga trong vài ngày qua tỏ ra không mấy quan tâm đến việc di chuyển vào Kyiv, mặc dù họ đang tiếp tục các cuộc không kích vào thủ đô.
Trong bối cảnh đó, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Sergei Rudskoi, cho biết các lực lượng Nga đã “làm giảm đáng kể” sức mạnh chiến đấu của quân đội Ukraine, và do đó quân Nga đã có thể “tập trung vào các nỗ lực chính để đạt được mục tiêu chính là giải phóng Donbas.” Hãng tin AP dẫn lời tướng Rudskoi nói lực lượng của ông đã đạt được phần lớn “các mục tiêu chính” của giai đoạn đầu mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào sáng sớm ngày 24 Tháng Hai, Putin đã mơ hồ khi mô tả công khai các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Ông ta cho biết mục đích là “phi quân sự hóa” và “phi phát-xít hóa” chính phủ Ukraine cũng như “giải phóng” Donbass – gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk, có một phần nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai do Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014. Putin đã đưa hơn 150,000 quân vào Ukraine và tấn công các mục tiêu đa dạng, thay vì tập trung vào một mục tiêu chiến lược duy nhất như Kyiv hay Donbas.
Lực lượng của Putin do vậy bị kéo căng ra nhiều nơi trên đất nước Ukraine trong lúc Hoa Kỳ và các quốc gia khác đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí và quân trang quân dụng cho Ukraine. Trong một tháng qua, người Ukraine đã thực hiện một cuộc kháng chiến quả cảm và hiệu quả hơn nhiều so với dự kiến của Putin, và các lực lượng Nga đã bị sa lầy do nhiều vấn đề, hậu cần yếu kém và tinh thần đang xuống dốc. Theo giới phân tích, ông Putin hiện đứng trước hai lựa chọn: hoặc thu hẹp quy mô cuộc chiến, tức là tìm cớ rút lui mà bảo toàn được sĩ diện hoặc leo thang chiến tranh, có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh hạt nhân như ông ta nhiều lần đe dọa.
Còn quá sớm để biết ý định thật sự của Putin là gì. Thông báo của tướng Rudskoi có thể là dấu hiệu cho thấy Putin muốn thu hẹp tham vọng để tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của mà phi lý. Một nhà phân tích Mỹ nhận xét, các lực lượng Nga cũng có thể tiếp tục cuộc chiến với trọng tâm hẹp hơn, một cách tập hợp lại từ những thất bại ban đầu và sử dụng vùng Donbass làm điểm xuất phát mới
Tuy nhiên có không ít ý kiến nhận xét, tuyên bố chuyển cuộc chiến sang một khu vực hẹp chỉ là một thủ thuật đánh lạc hướng dư luận vì quân Nga vẫn tiếp tục tăng cường phòng thủ những khu vực mà họ chiếm được ở ngoại ô Kyiv và các thành phố khác. Nếu Ukraine tin vào sự chuyển hướng chiến lược của Nga mà tập trung lực lượng kháng chiến vào vùng Donbass ở phía Đông thì quân Nga có thời gian củng cố lại đội ngũ và tiến chiếm những mục tiêu họ đang theo đuổi ở Kyiv và phía Tây.
Phát biểu tại Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận xét “còn quá sớm để nói” liệu người Nga có thay đổi chiến thuật hay không. “Điều rõ ràng là trong mọi trường hợp, chiến dịch mà Nga thực hiện đồng thời ở tất cả các mục tiêu đều đã bị cản trở bởi cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Ukraine. Đó là những gì chúng ta thấy trong vài ngày qua.”
Còn nếu Putin chọn lựa leo thang chiến tranh thì một câu hỏi lớn là ông ta phải trả cái giá nào? Cho đến nay, Hoa Kỳ và NATO vẫn khẳng định sẽ không đưa quân vào Ukraine, không thiết lập vùng cấm bay cũng như không cung cấp chiến đấu cơ và vũ khí tấn công cho Kyiv, nhưng nếu Putin leo thang chiến tranh, sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân thì lập trường của NATO chắc chắn sẽ thay đổi và nước Nga sẽ thảm bại không cứu vãn nổi.
Đáp lại tuyên bố thay đổi quy mô chiến tranh của tướng Rudskoi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi Nga đàm phán nhưng khẳng định rõ ràng Ukraine sẽ không đồng ý từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của mình vì hòa bình. Trong bài phát biểu video trước quốc dân vào tối qua, ông Zelenskyy nói “sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được bảo đảm. Các điều kiện [hòa bình] phải công bằng, vì nếu không thì người dân Ukraine sẽ không chấp nhận chúng.”
Đọc thêm: