Ukraine tấn công Kursk và bài học từ lịch sử

Quân Ukraine hạ bảng chỉ đường trong đất Nga (Hình: Lữ đoàn III Biên giới Ukraine)

Iwo Jima, hòn đảo núi lửa nằm cách Tokyo 1.200 km về phía nam, là nơi đã từng xảy ra cuộc chiến cuối cùng Mỹ tại Thái Bình Dương và nắm giữ chìa khóa then chốt cho chiến thắng của Mỹ trước quân đội Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Với vị trí chiến lược ở trung tâm trong một chuỗi đảo từ cửa vào Vịnh Tokyo đến khoảng 300 dặm của quần đảo Mariana: đầu tiên là Đảo Izu, rồi Đảo Bonin, và cuối cùng là Đảo Núi Lửa – gồm ba đảo nhỏ trên trục bắc-nam. Chỉ có Iwo Jima đủ cơ sở và diện tích để xây đường băng nên được quân đội Nhật ví như “người gác cửa cho thủ đô của đế quốc”, là tiền đồn bảo vệ chính quốc khỏi các cuộc không kích của Mỹ. Tháng 2/1945, hơn 100.000 lính Mỹ đổ bộ lên Iwo Jima, đối mặt với hơn 20.000 quân Nhật ẩn náu trong hệ thống hầm ngầm kiên cố. Trận chiến kéo dài 36 ngày đêm, biến Iwo Jima thành một lò lửa thực sự, mỗi tấc đất, hang động đều phải trả giá bằng máu và sinh mạng.

Dẫu thương vong khủng khiếp với gần 7000 lính Mỹ thiệt mạng và 20.000 người bị thương, Iwo Jima đã chứng minh sức mạnh ý chí có thể vượt lên trên cả tổn thất về người và của. Chiến thắng tại Iwo Jima không chỉ mang lại vị trí chiến lược quan trọng cho quân Đồng Minh, mà còn khơi dậy tinh thần chiến đấu mãnh liệt, đặt dấu chấm hết cho tham vọng thống trị Thái Bình Dương của quân phiệt Nhật.

Cuộc chiến Iwo Jima là đề tài cho nhiều niềm cảm hứng của điện ảnh, văn chương (Một cảnh quảng cáo phim Letters From Iwo Jima)

Gần 8 thập kỷ sau, tinh thần chiến đấu kiên cường của trận Iwo Jima như được tái hiện qua cuộc phản công của Ukraina vào vùng Kursk của Nga. Dù nhỏ về quy mô, chiến dịch này lại mang ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, cho thấy quyết tâm của Ukraine trong việc ngăn chặn bước tiến của Nga, giành lại quê hương và bảo vệ hòa bình.

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte cũng coi tinh thần là nguyên tắc cơ bản cho thành công quân sự, ông thậm chí còn tuyên bố: “Trong chiến tranh, tinh thần quan trọng gấp ba lần thể chất”.

Giữa lúc quân đội Nga dồn dập tấn công, Ukraine – dù kiệt quệ và thiếu thốn về quân số – đã vượt qua mọi dự đoán và tạm thời lật ngược thế cờ khi bất ngờ mở một cuộc phản công sâu vào lãnh thổ Nga. Từ phạm vi ban đầu là 6 dặm, cuộc tấn công được cho là đã mở rộng hơn 20 dặm.

Đặc biệt ấn tượng là chiến thắng chớp nhoáng chỉ trong vòng 24 giờ của lực lượng Ukraine tại Kursk, họ đã chọc thủng hai tuyến phòng thủ kiên cố mà Nga đã mất hơn hai năm rưỡi và tốn hơn 170 triệu USD để xây dựng. Nhà tài chính William Browder, một trong những người chỉ trích Điện Kremlin mạnh mẽ nhất, gọi đây là “cú tát” vào hào quang bất khả chiến bại của Putin, làm suy yếu hình ảnh của ông ta trước người dân Nga.

Chiến thắng tại Kursk, giống như chiến thắng của người Mỹ tại Iwo Jima năm xưa, là minh chứng cho tinh thần bất khuất của Ukraine. Họ đã chứng minh rằng dù phải đối mặt với một đội quân hùng mạnh hơn, Ukraine vẫn sẽ kiên cường chiến đấu đến người lính cuối cùng để bảo vệ tổ quốc. Động thái táo bạo của Tổng thống Zelenskyy và Tổng tư lệnh quân đội, Đại tá Oleksandr Syrskyi, chắc chắn là động lực to lớn để binh lính Ukraine tiếp tục chiến đấu giành thêm nhiều chiến thắng vang dội.

Chiến thắng tại Kursk buộc Nga phải phòng thủ

Cuối năm 1776, bóng đen tuyệt vọng bao trùm lên cuộc kháng chiến của người Mỹ. Quân đội Liên hợp thuộc địa (Continental Army) dưới trướng Tướng George Washington liên tiếp hứng chịu những thất bại nặng nề trước sức mạnh của quân đội Anh. Sự thiếu hụt quân nhu trầm trọng cùng những tổn thất liên tiếp khiến tinh thần binh sĩ xuống dốc, nhiều người bắt đầu nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Washington cũng như triển vọng giành độc lập của nước Mỹ non trẻ. Nhận thấy rõ tình hình nguy cấp, Washington quyết định thực hiện một canh bạc tất tay, một cuộc tấn công liều lĩnh nhưng có thể thay đổi cục diện cuộc chiến.

Giữa mùa đông buốt giá của đêm Giáng Sinh năm đó, Washington bí mật đưa quân vượt sông Delaware băng giá và đã bất ngờ tấn công lực lượng lính đánh thuê Hessian đang đóng quân tại Trenton và sáng sớm hôm sau. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng và kết thúc với chiến thắng vang dội thuộc về quân đội thuộc địa. Chiến thắng bất ngờ tại Trenton đã thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng trong lòng người dân thuộc địa, đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu cho chính quân đội Liên hợp thuộc địa, như một minh chứng rõ ràng cho thấy họ có thể chiến thắng nếu có chiến thuật đúng đắn.

Không dừng lại ở đó, ngày 3 tháng 1 năm 1777, Washington tiếp tục dẫn quân tấn công quân tiếp viện Anh do tướng Cornwallis chỉ huy tại Princeton. Trong trận đánh này, Washington đã chỉ huy lực lượng của mình một cách khéo léo, đánh bại quân đội Anh do tướng Cornwallis chỉ huy.

Hai chiến thắng liên tiếp chỉ trong vòng 1 tuần tại Trenton và Princeton, đặc biệt là trước một đội quân hùng mạnh và được trang bị tốt hơn hẳn như quân đội Anh, đã gây chấn động lớn, thổi bùng ngọn lửa hy vọng trong lòng người dân thuộc địa, đồng thời buộc người Anh phải tính toán lại chiến lược, chuyển sang thế phòng thủ và điều động thêm lực lượng tới Mỹ. Quan trọng hơn, hai chiến thắng này đã nâng cao uy tín cho Washington và củng cố niềm tin vào một tương lai tự do và độc lập.

Giống như Quân đội Liên hợp thuộc địa năm xưa, Ukraine hiện tại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả về quân số lẫn vũ khí, trang thiết bị. Kẻ thù của họ – quân đội Nga – vượt trội hơn hẳn về sức mạnh quân sự, với nguồn lực dồi dào và khả năng tiếp viện liên tục. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức này, Ukraine không thể lựa chọn đối đầu trực diện mà phải áp dụng chiến thuật “lấy ít địch nhiều”, tập trung vào những cuộc phản công chớp nhoáng, được tính toán kỹ lưỡng, tận dụng tối đa lợi thế về sự linh hoạt của lực lượng nhỏ hơn, đồng thời kiên cường chống đỡ trước sức ép không ngừng nghỉ từ phía Nga.

Cuộc tấn công vào vùng Kursk mới đây là một ví dụ điển hình cho chiến thuật này. Bằng cách tấn công vào một khu vực ít được phòng thủ, Ukraine đã buộc Nga phải điều động lại lực lượng, thậm chí có thể phải huy động thêm cả lực lượng dự bị và nguồn lực từ mặt trận phía đông, trong đó có Donetsk – khu vực mà Nga đang dồn sức tấn công. Điều này đồng nghĩa với việc Moskva buộc phải thay đổi cách tiếp cận, từ tấn công ồ ạt trên toàn tuyến sang một chiến lược thận trọng hơn, phải phân tán lực lượng để đối phó với các mối đe dọa mới.

Đây chính là cơ hội để Ukraina mở rộng phản công, tấn công vào những điểm yếu mà Nga bộc lộ khi phải căng mình trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, Tổng thống Zelenskyy và Đại tá Oleksandr Syrskyi cần hết sức tỉnh táo trước những động thái đáp trả của Nga. Họ phải tránh sa lầy vào các cuộc giao tranh trực diện, không để mất đi nguồn lực con người và trang thiết bị quý giá đã được huy động cho cuộc tấn công ban đầu. Chiến thắng sẽ đến từ sự kiên trì, linh hoạt và khả năng tận dụng hiệu quả mọi cơ hội, chứ không phải từ những cuộc đối đầu trực diện, hao người tốn của. Ukraine cần phải sử dụng trí thông minh và sự dũng cảm để bù đắp cho sự thiếu hụt về quân số và vũ khí, và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập và tự do của mình.

Ukraine đang tiến sâu trong đất Nga và lập tuyến phòng thủ (Hình: Lực lượng Phòng vệ Biên giới Ukraine)

Củng cố sự ủng hộ quốc tế và làm im lặng những kẻ hoài nghi

Lịch sử cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với một quốc gia đang chiến đấu để giành độc lập. Sau những chiến thắng bất ngờ tại Trenton và Princeton, Quân đội Liên hợp thuộc địa vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc chiến dài hơi với đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.

Bước ngoặt quan trọng trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ diễn ra vào mùa thu năm 1777, tại Saratoga, New York. Lúc này, quân đội Anh dưới sự chỉ huy của tướng John Burgoyne đang tiến hành một chiến dịch lớn nhằm chia cắt các thuộc địa Bắc Mỹ. Mục tiêu của Burgoyne là kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược sông Hudson, từ đó cô lập New England – nơi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ – khỏi các thuộc địa phía Nam.

Sau trận đánh quyết định tại Bemis Heights vào ngày 7 tháng 10, quân đội Mỹ do tướng Horatio Gates chỉ huy đã giành chiến thắng vang dội, buộc Burgoyne phải đầu hàng vào ngày 17 tháng 10. Chiến thắng này không chỉ mang lại một cú hích tinh thần cho quân đội và nhân dân Mỹ mà còn có tác động sâu sắc đến cục diện chiến tranh.

Tin tức về chiến thắng Saratoga đã lan rộng đến châu  u, thu hút sự chú ý của các cường quốc như Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan. Pháp, vốn đang tìm kiếm cơ hội để trả thù Anh sau thất bại trong Chiến tranh Bảy năm (1756–1763), đã nhận thấy rằng việc hỗ trợ cuộc cách mạng Mỹ không chỉ giúp đỡ một đồng minh tiềm năng mà còn tạo cơ hội để làm suy yếu vị thế của Anh. Vào năm 1778, Pháp chính thức ký hiệp ước với Mỹ, cung cấp hỗ trợ quân sự, tài chính và vũ khí cho các lực lượng cách mạng.

Đối với Tây Ban Nha, chiến thắng Saratoga đã thuyết phục họ xem xét việc can thiệp vào cuộc chiến. Tây Ban Nha với mong muốn phục hồi lãnh thổ và trả thù Anh sau Chiến tranh Bảy Năm, đã quyết định ủng hộ cuộc cách mạng Mỹ. Ban đầu, họ cung cấp viện trợ gián tiếp qua Tân Tây Ban Nha (Virreinato de Nueva España – bao gồm Mexico ngày nay, miền Nam Hoa Kỳ, các vùng ở Trung Mỹ, và các đảo như Cuba, Puerto Rico, Philippines). Đến năm 1779, Tây Ban Nha chính thức liên minh với Pháp và tuyên chiến với Anh, nhằm giành lại Mobile và Pensacola ở Florida và các vùng lãnh thổ khác.

Hà Lan cũng không đứng ngoài cuộc. Chiến thắng Saratoga đã khuyến khích Hà Lan, quốc gia từng có mối thù với Anh từ cuộc Cách mạng Hà Lan, xem xét việc ủng hộ cuộc cách mạng Mỹ. Mặc dù Hà Lan không chính thức công nhận Mỹ là một quốc gia độc lập cho đến năm 1782, nhưng họ đã bắt đầu cung cấp hỗ trợ tài chính và hàng hóa cho các lực lượng cách mạng từ những năm 1770. Sự ủng hộ này chủ yếu xuất phát từ lợi ích thương mại và chính trị của Hà Lan trong việc làm suy yếu vị thế của Anh.

Sự ủng hộ về tài chính, vũ khí và quân sự từ Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, được thúc đẩy bởi chiến thắng then chốt tại Saratoga, đã góp phần quan trọng giúp Mỹ tiếp tục chiến đấu và cuối cùng giành chiến thắng quyết định tại Yorktown vào năm 1781, chấm dứt ách thống trị của Anh và mang lại độc lập cho Hoa Kỳ. Chiến thắng Saratoga không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là một bước ngoặt chính trị then chốt, mở ra cánh cửa cho sự hỗ trợ quốc tế cần thiết để hình thành nên một quốc gia Mỹ tự do và hùng mạnh như ngày nay.

Tương tự như vậy, cuộc phản công vào Kursk của quân đội Ukraine, bên cạnh ý nghĩa quân sự, còn mang một thông điệp mạnh mẽ và đầy sức nặng tới các đồng minh quốc tế: rằng “sự đầu tư của họ đã không bị lãng phí.”

Chiến thắng bất ngờ tại Kursk là cũng cú đấm thẳng mặt những kẻ đã và đang kêu gọi Ukraine thỏa hiệp với Nga, cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine là “ném tiền qua cửa sổ” và muốn thế giới bỏ rơi quốc gia Đông  u này trước tham vọng của Putin, phải im lặng. Nó chứng minh rằng chính sự hỗ trợ về tài chính và quân sự to lớn, kiên định của phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước Châu  u, đã giúp Ukraine đứng vững trước cuộc xâm lược, thậm chí còn tổ chức những cuộc phản công táo bạo vào lãnh thổ của kẻ thù.

Cho đến nay, thế giới tự do vẫn đoàn kết ủng hộ Ukraine chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin và ngăn chặn tham vọng hồi sinh đế chế Nga của ông ta. Những hành động quyết đoán và mưu lượng của Zelenskyy trong những ngày qua đã thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng cho người dân Ukraine và bạn bè quốc tế, giống như hình ảnh Washington vượt sông Delaware hay lính thủy đánh bộ Mỹ giương cờ trên đảo Iwo Jima.

Lịch sử đã chứng minh rằng, ngay cả những đế chế hùng mạnh nhất cũng có thể sụp đổ. Năm 1917, Sa hoàng Nga Nicholas II đã phải bỏ trốn sau nhiều năm chiến tranh thất bại và đỉnh điểm là cuộc cách mạng bùng nổ do sự sụp đổ niềm tin của người dân và binh sĩ. Không ai biết được điểm giới hạn của Putin là ở đâu, nhưng chắc chắn ông ta sẽ phải trả giá cho sự ngạo mạn của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quà cho Mẹ
Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, cô giáo Thúy giải thích ý nghĩa của mùa lễ đặc biệt này và hướng dẫn học trò làm món quà cho mẹ. Sau…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: