Vệ tinh thương mại thay đổi diện mạo hoạt động tình báo

Những con mắt cú vọ trong không gian

Đầu năm 2021, cụm vệ tinh do một công ty Mỹ có tên HawkEye 360 ​​vận hành đã phát hiện sóng radar và sóng vô tuyến từ một đội tàu đánh cá Trung Quốc ngoài khơi Oman. Với việc Quốc hội thúc đẩy chính quyền Biden sử dụng nhiều hơn các vệ tinh thương mại, giới chức tình báo Hoa Kỳ bắt đầu trao các hợp đồng mới cho những công ty tư nhân. Hạ tuần Tháng Chín 2021, Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia (National Geospatial-Intelligence Agency) cho biết họ đã trao hợp đồng $10 triệu cho HawkEye 360 ​​để theo dõi và lập bản đồ phát xạ tần số vô tuyến trên khắp thế giới…

Chỉ vài giờ sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul ngày 15 Tháng Tám, các phương tiện truyền thông phương Tây bắt đầu sử dụng hình ảnh lấy từ hệ thống vệ tinh thương mại bay trên quĩ đạo để “mục sở thị” cảnh hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hamid Kazai trong thời gian thực. Hình ảnh cho thấy rõ cảnh tắc đường nghiêm trọng dẫn đến khu phức hợp sân bay và đám đông tràn vào đường băng duy nhất của phi trường. Những ngày sau đó, báo chí tiếp tục đưa hình ảnh vệ tinh vào các bản tin. Lính Mỹ cũng sử dụng chúng để hướng dẫn các thông dịch viên người Afghanistan làm việc cho Mỹ “né” chốt kiểm soát của Taliban để vào sân bay.

Hình ảnh vệ tinh từ các công ty tư nhân ngày càng đóng vai trò lớn trong việc “thay đổi nhận thức của công chúng về một vấn đề an ninh quốc gia lớn”. Cuối Tháng Sáu, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí James Martin (James Martin Center for Nonproliferation Studies) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Middlebury Institute of International Studies) trụ sở tại tiểu bang California, cho biết họ đã phát hiện hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở miền Tây Trung Quốc nhờ ảnh của một công ty vệ tinh tư nhân. Gần một tháng sau, các nhà phân tích tại một tổ chức tư vấn khác cho biết họ cũng xác định một bãi tên lửa thứ hai Trung Quốc đang xây dựng.

Cho đến gần đây, chỉ các chính phủ mới có đủ nguồn lực vận hành bộ máy tình báo để giám sát hoạt động các quốc gia khác. Sự độc quyền gần như tuyệt đối đối với thông tin tình báo nhạy cảm đã cho các chính phủ quyền chọn đúng thời điểm để công khai bí mật của đối phương. Hãy nhìn lại cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba thập niên 1960, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Adlai Stevenson đã “bóc mẽ” người đồng cấp Liên Xô bằng hình ảnh chụp các địa điểm đặt tên lửa Liên Xô ở Cuba. Tuy nhiên, từ thập niên 1970, số vệ tinh thương mại tăng nhanh trên bầu trời đã cho phép báo chí và các tổ chức công dân tiếp cận những thông tin tình báo nhạy cảm mà không cần chính phủ.

Ước tính, hiện có hàng trăm vệ tinh tư nhân đang hoạt động, chụp và truyền hình ảnh độ phân giải cao về Trái đất trong thời gian thực. Ví dụ, hình ảnh của công ty vệ tinh thương mại nổi tiếng Planet đã phát hiện tên lửa của Trung Quốc. Vận hành hơn 200 vệ tinh, Planet tuyên bố sẽ chụp ảnh toàn bộ bề mặt Trái đất 24 giờ một lần! Sự sẵn có hình ảnh chi tiết chụp từ bầu trời có nghĩa là các chính phủ phải chia sẻ khả năng tiếp cận thông tin nhạy cảm cho các tổ chức nghiên cứu chính trị, truyền thông, các tổ chức công dân và phi chính phủ hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Hình ảnh vệ tinh thương mại trong vài trường hợp cũng giúp vạch trần những lừa dối và che giấu. Sau Hội nghị thượng đỉnh Tháng Sáu 2018 giữa với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “sẽ không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên!”. Nhưng vài tháng sau đó, ảnh vệ tinh thương mại đã xác định 13 căn cứ tên lửa ẩn giấu của Bắc Hàn, làm phá sản tuyên bố của Trump! Ảnh các trại giam giữ khổng lồ ở khu tự trị Tân Cương, phía Tây Trung Quốc, là bằng chứng Bắc Kinh giam giữ người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Tờ The New York Times từng dùng ảnh vệ tinh thương mại, tiết lộ việc Hoa Kỳ vận hành máy bay không người lái từ các căn cứ bí mật ở Tây Phi khiến cuối cùng chính phủ Mỹ phải xác nhận sự tồn tại của chúng. Rõ ràng, sự tồn tại của hình ảnh vệ tinh tư nhân đã hạn chế quyền tự do hành động của các chính phủ.

Thật ra, việc chính phủ mất sự độc quyền thông tin mật không phải là chuyện mới. Chương trình vệ tinh Landsat của Hoa Kỳ đã cung cấp hình ảnh cho các tổ chức phi chính phủ từ thập niên 1970. Pháp bắt đầu bán công khai ảnh chụp từ vệ tinh SPOT của họ vào thập niên 1980. Các hình ảnh có độ phân giải cao từ vệ tinh thương mại đã có mặt trên thị trường từ những năm 1990. Điều khác biệt ngày nay là quy mô của vệ tinh thương mại và sự dễ dàng đưa hình ảnh đến người cần. Những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh và sự sẵn có của các bệ phóng vệ tinh thương mại đã giúp những công ty tư nhân xây dựng và mở rộng mạng vệ tinh dễ dàng và rẻ. Máy tính mạnh hơn và kết nối Internet nhanh hơn có nghĩa là ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân có thể truy cập dễ dàng và phân tích hình ảnh tải về.

Không phải lúc nào việc đe dọa tiết lộ thông tin mật cũng gây bất lợi cho một quốc gia. Việc chia sẻ quyền công bố thông tin cho bên thứ ba trong không ít trường hợp cũng ích lợi về mặt chiến lược. Hình ảnh vệ tinh xác nhận tuyên bố của một lãnh đạo về âm mưu của một cường quốc đối thủ khi xảy ra khủng hoảng sẽ giúp tăng sự ủng hộ của công chúng đối với lãnh đạo đó. Chính tiết lộ của bên thứ ba về khả năng tên lửa của Trung Quốc đã khiến Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown tuyên bố: “Chúng ta phải bắt kịp tốc độ phát triển của đối thủ!”. Chẳng phải tự nhiên mà Quốc hội Hoa Kỳ đang thúc Chính quyền Biden lưu ý hơn việc tận dụng khai thác và sử dụng nguồn ảnh vệ tinh của các công ty tư nhân, đặc biệt Mỹ – hơn bao giờ hết – cần theo dõi những hành động mờ ám của Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: