Venezuela: Bài học về cái chết của những kẻ độc tài

Dân chúng Venezuela xuống đường phản đối kết quả bầu cử (Photo by Pedro Rances Mattey/Anadolu via Getty Images)

Một căn bệnh không thuốc nào chữa khỏi mà những kẻ độc tài đều mắc phải là bệnh hoang tưởng quyền lực.

Ngoại trừ một số chết già vì điều kiện cách mạng dân chủ tại quốc gia họ cai trị chưa chín muồi, một phần không nhỏ đã chết một cách thê thảm bằng những cực hình mà họ chưa bao giờ tưởng tượng ra khi còn nắm quyền sinh sát.

Một hiện tượng đáng lưu ý khác, những kẻ độc tài này thường chết trong tay của những người trước đó không lâu đã thề trung thành với họ.

Ali Abdullah Saleh của Yemen là một trong những kẻ độc tài cai trị bằng bàn tay sắt suốt 33 năm từ 1978 đến 2011. Gia đình bảy anh em của Saleh nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính phủ Yemen. Các cấp thấp hơn được phân bố trong bà con dòng họ. Saleh giao cho con và rể điều hành bộ máy công quyền. Chịu đựng áp lực do ảnh hưởng của phong trào Cách Mạng Hoa Lài Bắc Phi 2011, Ali Abdullah Saleh bàn giao chức vụ tổng thống lại cho phó tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi.

Ali Abdullah Saleh có tài sản kếch xù ước lượng vào khoảng 22 đến 64 tỉ Mỹ kim được gởi tại nhiều ngân hàng Châu Âu, và y có thể sống một cuộc đời đế vương tại Saudi Arabia. Nhưng không, Saleh liên minh với phong trào Yemen Houthis võ trang với ý định tiếp tục cai trị Yemen.

Ngày 4 Tháng Mười Hai 2017, Ali Saleh bị chính những người Houthis mà y tin tưởng giết.

Tháng Tám 2011, khi Tripoli lọt vào tay quân cách mạng Libya, Muammar Gaddafi thay vì trốn sang Chad hay Nigeria đã rút về Sirte, quê hương của ông ta để tìm cách tiếp tục chiến đấu.

Gaddafi gan lì và can đảm? Không phải. Y không rời Libya vì tin tưởng rằng người dân Sirte được y ưu đãi trước đây vẫn còn yêu mến và sẽ bảo bọc, che giấu y để chờ cơ hội phục hồi quyền lực. Gaddafi lầm. Không ai che giấu, bảo bọc Gaddafi. Ông ta phải trốn trong ống cống ở Sirte nhưng bị lôi ra bắn và thân thể đẫm máu cho thấy đã bị đâm nhiều nhát dao.

Saddam Hussein của Iraq bị xử treo cổ vào sáng ngày thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 2006 vì “tội ác chống lại nhân loại” và “tội giết 148 người Iraq Shiites tại Dujail vào năm 1982 sau khi một cuộc mưu sát nhắm vào Saddam Hussein thất bại.”

Trước đó, tổng thống George W Bush đòi hỏi Saddam Hussein và gia đình phải rời Iraq trong 48 giờ. Trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn một tháng, Saddam Hussein có nhiều cơ hội để trốn đi khi liên quân Mỹ và đồng minh tấn công Iraq. Nhưng Saddam Hussein không bỏ trốn vì y tin tưởng vào lòng trung thành của quân đội.

Saddam Hussein cũng lầm. Một quân đội từng được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới với những sư đoàn Vệ Binh Cộng Hòa (The Republican Guard) tinh nhuệ đã chọn đầu hàng.

Một cái chết gần gũi với giới cai trị cộng sản nhất là cái chết của vợ chồng Nicolae Ceausescu.

Phần đông thế giới ngày nay đã biết khá chi tiết về cái chết của họ. Điều đáng nói là chính Ceausescu trong buổi gặp gỡ Gorbachev chỉ mười ngày trước đó vẫn nghĩ chế độ cộng sản tại Romania sẽ “muôn năm trường trị”.

Ngày 21 Tháng Mười Hai, 1989, Nicolae Ceaușescu đọc diễn văn trước hàng trăm ngàn người dân Rumani. Họ là những người được cơ quan tuyên truyền huấn luyện khi nào cần phải hoan hô và khi nào cần phải vỗ tay. Khi Ceaușescu đọc diễn văn được khoảng tám phút, một nhóm công nhân nhà máy điện bỗng la lớn “Timișoara! Timișoara!” để phản đối sự kiện công an cộng sản đàn áp đẫm máu hàng ngàn người ở thành phố Timișoara.

Những người dân được chọn để tham dự cuộc biểu tình nhằm tái lập uy tín của Ceausescu cũng là những người đầu tiên khai tử chế độ. Bốn ngày sau vợ chồng Ceausescu bị xử bắn. Người muốn xử bắn Ceausescu nhanh chóng chính là tướng Victor Stanculescu, Bộ trưởng Quốc Phòng đầy tin tưởng của Ceausescu.

Nhà độc tài Nicolas Maduro của Venezuela học thuộc những kết liễu thê thảm của Muammar Gaddafi, Saddam Hussein, Ali Abdullah Saleh, Nicolae Ceausescu và nhiều người khác.

Học thuộc là một chuyện nhưng chữa khỏi căn bệnh hoang tưởng quyền lực đã ăn sâu vào trong xương tủy là chuyện khác.

Nicolas Maduro, 62 tuổi, người kế thừa quyền lực của nhà độc tài Hugo Chávez. Theo phóng sự điều tra “Nicolás Maduro là ai?” của báo The Guardian phát hành 15 Tháng Tư, 2013, Maduro hoạt động trong phong trào học sinh khuynh tả từ khi còn là học sinh nhưng ông ta chưa học hết bậc trung học.

Mặc dù ít học, Maduro, từ một tài xế xe bus, đã thăng tiến nhanh chóng nhờ sự nâng đỡ của nhà độc tài Hugo Chavez qua nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Quốc Hội, Bộ trưởng Ngoại Giao, Phó Tổng thống, và cuối cùng là Tổng thống Venezuela.

Cuộc biểu tình ở Venezuela đã bước sang ngày thứ ba – ảnh chụp ngày 29 Tháng Bảy (Photo by Pedro Rances Mattey/Anadolu via Getty Images)

Suốt thời gian từ khi chiếm được quyền lực, Maduro Cai trị bằng sắc lệnh (Rule by decree), một hình thức độc tài do chính đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Đoàn Kết của Venezuela (United Socialist Party of Venezuela) do ông ta lập ra trao quyền.

Nicolás Maduro liên tục phải đối phó với hàng loạt các cuộc biểu tình chống đối từ người dân và kết án từ thế giới. Một lần nữa, cuộc bầu cử vừa qua là một cuộc bầu cử gian lận.

Theo bản tin của AP loan hôm nay 30 Tháng Bảy, 2024, ứng cử viên Edmundo González tuyên bố có bằng chứng số phiếu bầu cho ông ta nhiều gấp đôi số phiếu của Nicolas Maduro. Trên khắp Venezuela các cuộc biểu tình đang nổ ra.

Các quốc gia độc tài thường nương tựa vào nhau, Nga, Trung Cộng, Cuba, Iran, Syria, Việt Nam đứng về phía Nicolas Maduro.

Theo bản tin “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện với Venezuela” đăng trên báo Nhân Dân, ngày 8 Tháng Sáu 2024 mới đây nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại Giao Venezuela Yván Gil Pinto và trong dịp này thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức mời Nicolas Maduro thăm Việt Nam lần nữa.

Với tội ác trầm trọng chống lại Venezuela trong suốt thời gian cầm quyền, bám lấy quyền lực bằng mọi giá là chọn lựa duy nhất của Maduro. Nhưng Maduro quên rằng mọi chế độ độc tài chống lại các quyền tự do căn bản của con người, sớm hay muộn đều bị lật đổ.

Cái chết của những kẻ độc tài để lại cho những ai còn đang cố bám lấy quyền lực một bài học: Tình đồng chí chỉ có giá trị khi chiếc ghế quyền lực còn vững chắc, một khi chiếc ghế quyền lực lung lay, kẻ xử bắn không phải ai xa lạ mà chính là những kẻ xưa nay đã thề thốt trung thành.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: