Vũ điệu ngoại giao NATO: Đoàn kết hơn trên mặt trận đối đầu Nga và Trung Quốc

Hoa Kỳ và các đồng minh đã duy trì được sự thống nhất chống lại Nga. Họ có thể làm điều tương tự với Trung Quốc?
Tổng thống Biden rất thành công trong việc xây dựng sự đoàn kết trong NATO trong cuộc đối đầu Nga và cảnh giác trước Trung Quốc (ảnh: Dominika Zarzycka/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Vũ điệu ngoại giao NATO: Đoàn kết hơn trên mặt trận đối đầu Nga và Trung Quốc
Loading
/

Nỗ lực không mệt mỏi của Mỹ

Hoa Kỳ và các đồng minh trên khắp châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang cùng nhau đối mặt với những gì họ xem là thách thức ngày càng tăng từ cặp bài trùng Nga và Trung Quốc (TQ). Đợt con thoi ngoại giao trong tuần qua cho thấy khả năng phục hồi cũng như giới hạn của sự đoàn kết giữa các đồng minh.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva đã công bố sự hỗ trợ mới cho Ukraine, giữ vững sự gắn kết của liên minh nhưng không đưa ra lộ trình rõ ràng để Ukraine trở thành thành viên NATO. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dập tắt những nỗ lực vào phút cuối của Ukraine và những người ủng hộ họ để thảo luận về thời gian gia nhập NATO, với lý do rằng điều này có thể làm phân tâm mục tiêu chấm dứt chiến tranh.

Cũng tại hội nghị, lần đầu tiên NATO chỉ trích Bắc Kinh “phối hợp với Moscow nhằm phá vỡ trật tự và luật lệ quốc tế”. Vũ đạo ngoại giao nhấn mạnh chiến lược cân bằng mà chính quyền Biden đang tiến hành. Nếu Nga và cuộc chiến Ukraine là ưu tiên cấp bách hơn đối với Mỹ và các đồng minh, thì sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột kép ở cả hai đầu lục địa Á-Âu.

Nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình đã có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga trong thập niên qua để phá vỡ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Sự câu kết tăng lên khi Tập tới Moscow vào Tháng Ba qua. Ông kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin hợp tác để thúc đẩy thay đổi cục diện thế giới.

Khi Hoa Kỳ tôn trọng cam kết an ninh với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, những thách thức đồng thời từ Moscow và Bắc Kinh sẽ làm căng nguồn lực quân sự của Mỹ nên rất cần các liên minh đáng tin cậy để giảm tải. Mathieu Droin, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Pháp hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chính sách (Center for Strategic and International Studies) tại Washington, nhận định: “Nếu có một điều đáng quan tâm trong năm qua thì đó là tác động của mối quan hệ đối tác không giới hạn giữa Tập và Putin”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania (ảnh: Celestino Arce/NurPhoto via Getty Images)

Quan điểm đó được các đồng minh Trung và Đông Âu của Mỹ chia sẻ sâu sắc, đặc biệt là những nước có biên giới chung với Nga. Các quốc gia này ngày càng tin rằng TQ và Nga là hai mặt của đồng tiền và thách thức từ TQ là điều cần phải giải quyết sớm. Với việc Hoa Kỳ vẫn là thành viên thống trị của NATO, Biden đã tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh và các sự kiện khác để vận động các đồng minh đối đầu với Nga và TQ trong khi cùng nhau duy trì liên minh an ninh gồm 31 quốc gia với các ưu tiên chiến lược đôi khi khác nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài một năm. Bên lề, Nhóm 7 (G7) nền kinh tế hàng đầu, gồm sáu thành viên NATO và Nhật Bản, cùng tuyên bố ủng hộ Ukraine, một bước tiến trong việc đảm bảo an ninh cho Kyiv trong thời gian chờ đợi trở thành thành viên NATO. Nhật Bản đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ hai cùng với các đồng minh thân cận khác của Washington từ Châu Á-Thái Bình Dương: Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Biden cho biết ông đưa các đồng minh NATO ở châu Á-Thái Bình Dương đến hội nghị thượng đỉnh “để tăng cường kết nối giữa các nền dân chủ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương” và ca ngợi họ vì đã đứng cùng nhau khi Nga tấn công Ukraine và gợi ý rằng các quốc gia này cũng nên làm như thế để chống lại TQ.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Vilnius, Lithuania ngày 12 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

Khó có tiếng nói chung về Trung Quốc

Nhưng việc thuyết phục các quốc gia khác nhau có tiếng nói chung về TQ khó khăn hơn nhiều. Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khuyến cáo Pháp và phần còn lại của châu Âu không nên bị kéo vào cuộc xung đột Đài Loan. Khi NATO thảo luận đặt văn phòng đại diện tại Nhật Bản, đề xuất này cũng bị Pháp phản đối nên thông cáo kết thúc hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến vấn đề này.

Tháng Hai qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ký một tuyên bố với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida để tăng cường hợp tác chiến lược, dựa trên “các giá trị và lợi ích an ninh” chung. Đức, quốc gia xem TQ là đối tác thương mại lớn nhất đã công bố “chiến lược TQ” đầu tiên vào ngày 13 Tháng Bảy, trong đó công nhận Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược”, đồng thời viện dẫn sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào thị trường TQ.

Tuy nhiên, chính phủ Đức không yêu cầu các công ty Đức phải tiết lộ nội dung các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi “duy trì các mối quan hệ kinh tế bền vững”. James Goldgeier, giáo sư quan hệ quốc tế tại American University, nhận định: “Từ lâu Mỹ đã muốn thuyết phục người châu Âu xem xét mối đe dọa từ TQ nghiêm túc hơn. Nhưng thực tế cho thấy châu Âu có những lợi ích kinh tế mà họ không muốn gây nguy hiểm”.

“Đại hội quần hùng” NATO, 12 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Dominika Zarzycka/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chính quyền Biden cũng cố gắng trấn an Bắc Kinh rằng Mỹ không có ý định cắt đứt quan hệ kinh tế mà thay vào đó, Hoa Kỳ chỉ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với một số hàng hóa quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã mang thông điệp đó tới Bắc Kinh vào tuần trước. Bà nhấn mạnh với các doanh nhân hàng đầu của TQ: “Những hành động của Hoa Kỳ được thực hiện vì những lo ngại về an ninh quốc gia và chỉ trong phạm vi hẹp để giảm thiểu tác động lên mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn”.

Tuy nhiên, nhìn chung, Hoa Kỳ đã vạch ra cách tiếp cận sắc bén hơn đối với TQ, áp đặt các hạn chế để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến có lợi cho quân đội TQ. Chính quyền Biden đã đạt được các thỏa thuận quốc phòng mới với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Bắc Kinh xem các động thái này là nỗ lực nhằm hạn chế sự phát triển hơn nữa của TQ và tham vọng của giới lãnh đạo Cộng sản nhằm đưa đất nước lên đỉnh cao của trật tự toàn cầu.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng tìm cách chia rẽ Mỹ với các đồng minh. Gần đây nhất là việc cử Thủ tướng Lý Cường tới châu Âu để thảo luận về hợp tác kinh tế. Thay vì thúc đẩy đối đầu với TQ, hội nghị thượng đỉnh NATO không loại bỏ khả năng hợp tác với Bắc Kinh để TQ không hỗ trợ vũ khí cho Nga, bất chấp việc TQ mua thêm năng lượng của Nga. Thông cáo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO kêu gọi TQ kiềm chế cung cấp vũ khí sát thương và đóng vai trò xây dựng hơn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – Wall Street Journal cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: