Xe tăng hạng nặng của NATO sẽ thay đổi cục diện chiến trường?

Xe tăng Leopard 2A6 của Đức (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Xe tăng hạng nặng, và việc Mỹ áp lực đồng minh viện trợ chúng cho Ukraine sẽ là “chìa khóa thành công” của Ukraine trên chiến trường?

Mục tiêu của Nga là chiến thắng

Sẽ là một sai lầm nếu vội vã kết luận chiến dịch đẫm máu của Nga dọc theo một chiến tuyến tương đối yên tĩnh trải dài hàng trăm dặm đang rơi vào bế tắc và Ukraine có thể thong thả ngồi chờ quân Nga kiệt quệ đến mức phải rút lui. Thực tế cho thấy không phải đơn giản. Tổng thống Nga Vladimir Putin, kẻ nuôi ý đồ hủy diệt Ukraine và không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình, đang tận dụng cơ hội này để chuẩn bị thêm lực lượng và khí tài cho các cuộc tấn công lớn, rất có thể trong vài tuần hoặc vài tháng nữa.

Các chuyên gia quân sự tin rằng ông ta cũng đang lên kế hoạch cho một nỗ lực khác nhằm chiếm thủ đô Kyiv và huỷ diệt đầu não chính phủ Ukraine. Nếu Putin đạt được mục tiêu của mình thì đó là một chiến thắng chung cuộc cho Moscow và một thất bại nặng nề cho phương Tây. Hoa Kỳ và các đồng minh NATO không thể cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy, cả Ukraine và Mỹ cũng biết tận dụng cơ hội này để tăng cường lực lượng. Muốn bẻ gãy ý đồ của Putin, Hoa Kỳ không chỉ giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công sắp tới của Nga mà còn đẩy kẻ thù trở lại làn ranh phân chia trước khi Putin phát động cuộc xâm lược.

Điều Ukraine đang cần lúc này là có thêm nhiều vũ khí hạng nặng hơn. Đầu tiên trong danh sách là những chiếc xe tăng chiến đấu hiện đại nhất, đặc biệt là loại xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, với số lượng đủ để xoay chuyển cục diện chiến trường. Nhưng trước hết, Mỹ phải áp lực sự đồng ý của Đức. Do có những khó khăn về huấn luyện và tiếp vận mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt, thời điểm chuyển giao xe tăng là rất quan trọng để quân đội có thời gian làm quen với nó.

Phản ứng của Mỹ và phương Tây đã vượt qua “làn ranh đỏ”

Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu đã cân nhắc điều chỉnh viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng chỉ giới hạn ở mức không làm cho chiến tranh không đến xung đột toàn diện NATO-Nga. Kremlin thường xuyên đe dọa “leo thang là không thể tránh khỏi” nếu Mỹ đi quá làn ranh đỏ do họ đề ra, gồm cả những gợi ý không che giấu sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các chuyến hàng vũ khí của phương Tây, bất chấp việc Mỹ luôn nhấn mạnh “chỉ để giúp Ukraine tự vệ chứ không để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga”.

Tuy nhiên, chỉ giúp Ukraine tự vệ không phải là một chiến lược đủ và đúng cho cả Ukraine lẫn phương Tây. Xem thời gian là đồng minh, Putin sẵn sàng chờ đợi đến lúc dư luận Mỹ nghiêng dần về chống chiến tranh và quyết tâm của NATO suy yếu. Nếu ông ta đúng (và có lý do để lo lắng điều đó nếu nhìn lại chiến tranh Việt Nam), các chính sách của phương Tây với mục tiêu làm cho Nga kiệt quệ và rút khỏi Ukraine là một “màn đánh cược tồi”. Đừng nhầm lẫn, Putin còn có tham vọng đế quốc, tham vọng để lại một di sản lịch sử và phải bảo vệ sự sống còn chính trị của chính mình.

Washington và các đồng minh chủ chốt đã nhận rõ được ý đồ của Putin và bắt đầu có những phản ứng tương xứng. Không còn ưu tiên cho mục tiêu “duy trì hiện trạng, bảo đảm Ukraine tồn tại, không thua cuộc” mà phương Tây đã bắt đầu suy nghĩ đúng đắn về một chiến thắng và cách giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Kết quả là các hệ thống vũ khí mà cách nay sáu tháng được xem là “vượt qua làn ranh đỏ” sắp dồn dập đến Ukraine, dù chưa đủ số lượng cần thiết để phá vỡ bế tắc chiến trường. Đầu tháng này, Hoa Kỳ và Đức đã đồng ý gửi các phương tiện chiến đấu bọc thép, gồm khoảng 50 chiếc Bradley do Mỹ sản xuất. Pháp cho biết đang gửi xe tăng hạng nhẹ. Còn Vương quốc Anh hứa sẽ cung cấp thêm cho Kyiv những chiếc Challenger 2, loại xe tăng chiến đấu đầu tiên do phương Tây sản xuất được gửi đến Ukraine sau khi Nga xâm lược Ukraine – The Washington Post cho biết.

Xe tăng Pháp Leclerc (ảnh: Aurelien Meunier/Getty Images)

Quả bóng đang ở phía Đức

Khi số xe tăng cũ kỹ do Liên Xô sản xuất dần cạn kiệt, Ukraine đã xin phương Tây cung cấp các xe tăng thay thế. Nước Anh đáp ứng ngay, nhưng quá ít. Anh chỉ mới gửi cho Ukraine khoảng 10 chiếc trong 220 chiếc Challenger có sẵn. Tướng Valery Zaluzhny, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây, lực lượng của ông cần 300 xe tăng phương Tây để thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine. Vì xe tăng M1 Abrams của Hoa Kỳ quá nặng, vận hành tốn kém và quá phụ thuộc vào bảo trì, xe tăng Leclerc của Pháp và Ariete của Ý được xem là chọn lựa thay thế hợp lý. Nhưng tốt nhất và có nhiều người ủng hộ nhất là xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Hiện vài ngàn chiếc Leopard đang được sử dụng ở Đông Âu và vài quốc gia khác. Ba Lan sẵn sàng gửi chúng đến Ukraine và một số nước NATO có thể làm theo (dĩ nhiên phải được Berlin bật đèn xanh theo hợp đồng chuyển giao vũ khí). Cho đến nay, nước Đức vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng khi chính phủ liên minh bị chia rẽ và các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Đức cũng chia rẽ về vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Thủ tướng Olaf Scholz miễn cưỡng đồng ý với tư cách cá nhân nhưng ông muốn có thêm ý kiến “gỡ rối” của Washington. Đầu tháng này, Scholz cho biết việc giao xe tăng Leopard cho Ukraine sẽ phụ thuộc “đặc biệt” vào các cuộc thảo luận với Mỹ, “đối tác xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi” (nhiều người xem đây là lời kêu gọi Mỹ hãy tăng cường vai trò lãnh đạo của mình). Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu Tổng thống Biden, người luôn tuyên bố sẽ không để Nga chiến thắng và cam kết hỗ trợ Kyiv “đến lúc nào quốc gia này còn cần”, có sẵn sàng quyết tâm hơn nữa hay không, khi cuộc chiến ở Ukraine tiến gần đến thời khắc quyết định của thành công hay thất bại.

_________________

Ukraine chuyển giai đoạn: Phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: