Xuất khẩu vũ khí Nga sụp đổ

Xuất khẩu máy bay Sukhoi Su-35S đang bị giảm nghiêm trọng (ảnh: Pavel Pavlov/Anadolu Agency via Getty Images)

Xuất khẩu vũ khí Nga – nền công nghiệp sinh lợi nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ – dường như đang sụp đổ dưới sức nặng của những thay đổi công nghệ, sự cô lập chính trị quốc tế và cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine, theo số liệu mới được công bố bởi nhóm nghiên cứu vũ khí hàng đầu thế giới.

Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm thứ Hai 13 Tháng Ba 2023 cho thấy xuất khẩu quân sự của Nga đã giảm 31% trong năm năm qua so với năm năm trước đó, làm lung lay vị thế nhà buôn vũ khí có ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới của Moscow.

Tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% xuống 16% trong giai đoạn 2013-2017 và 2018-2022, thua xa Mỹ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu quân sự; và (Nga) chỉ nhỉnh hơn một chút so với Pháp, quốc gia chiếm 11% lượng xuất khẩu vũ khí trong năm năm qua.

Dữ liệu mới nhất của SIPRI cho thấy một tình trạng ảm đạm đối với các nhà xuất khẩu quân sự Nga. Sức ép từ chính sách cô lập và cấm vận của phương Tây khiến công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga càng rơi vào thế bế tắc. Phương Tây đã và đang nỗ lực cô lập Nga kể từ khi nước này xâm lược và sáp nhập Crimea, đồng thời kích động tình trạng bất ổn ở vùng Donbas của Ukraine, kể từ năm 2014. Nỗ lực của phương Tây càng được tăng cường kể từ khi quân đội Nga tràn vào lãnh thổ Ukraine vào Tháng Hai 2022.

Tỷ lệ thương vong và tổn thất thiết bị của Nga ở Ukraine đang gây áp lực cho các nhà sản xuất vũ khí nước này; trong khi đó, màn trình diễn tệ hại các vũ khí chủ chốt Nga trên chiến trường Ukraine khiến nhiều khách hàng trung thành của Nga bắt đầu ngưng mua hoặc hoãn ký hợp đồng mới.

Denis Manturov, Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp và thương mại của Nga, nói với Interfax vào tháng trước rằng một phần “đáng kể” vũ khí được sản xuất trong nước đang được chuyển đến chiến trường Ukraine. “Việc cung cấp cho các vùng chiến sự Ukraine là ưu tiên tuyệt đối, nhưng ngay cả trong những điều kiện như thế, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác từ các quốc gia thân thiện và thực hiện nghĩa vụ của mình”, đương sự nói.

Tuy nhiên trong thực tế, Nga đang thật sự xất bấc xang bang khi phải cùng lúc đối mặt rất nhiều vấn đề – như nhận xét của Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc SIPRI. Một là áp lực từ Mỹ và các nước khác – đã diễn ra từ năm 2014 – đối với các khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại của Nga, trong việc ngăn chặn và không mua hàng của Nga; đồng thời ngỏ ý sẵn sàng cung cấp cho họ công nghệ và vũ khí thay thế. “Họ (Mỹ và đồng minh) đã làm điều đó rất mạnh với Ấn Độ, cũng như với những nước khác, trong đó có Indonesia, khiến nước này hủy đơn hàng máy bay chiến đấu của Nga. Họ cũng đã làm điều đó với Ai Cập” – Siemon Wezeman cho biết.

Hè 2022, tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hủy thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 do công ty Kazan thuộc tập đoàn nhà nước Rostec sản xuất (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, việc cô lập Nga càng trở nên trầm trọng. Đằng sau hậu trường là những thì thầm: “Đừng mua hàng của Nga. Quý vị ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi. Nếu mua hàng của Nga, quý vị có vẻ như đang chống lại chúng tôi. Và nếu quý vị ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả các công nghệ tuyệt vời nhất có thể”.

Chiến dịch trừng phạt chưa từng có của phương Tây chống lại Moscow đang gây hậu quả nghiêm trọng đối với nước này. Kinh tế Nga không bị suy giảm vào năm 2022 như được dự báo, nhưng thâm hụt ngân sách của Kremlin đang phình to, trong khi lợi nhuận xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh.

Hơn 1,000 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang khiến những nhà sản xuất bản địa ngày càng khó khăn hơn trong việc mua linh kiện tiên tiến cần thiết. Một điều rõ ràng nữa là Nga không chỉ không thể xuất khẩu mà còn phải nhập-mua vũ khí, đặc biệt từ Iran.

Dữ liệu mới nhất của SIPRI đã vẽ nên bức tranh bi đát về sự suy giảm sức hấp dẫn của Nga đối với các khách hàng quan trọng nhất của họ, với việc xuất khẩu vũ khí giảm còn 8 trong 10 khách hàng lớn nhất trong giai đoạn 2013-2017 và 2018-2022.

Ấn Độ – thị trường lớn nhất của Nga – đã giảm 37%. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 39% và Ai Cập tăng 44% trong khoảng thời gian này, nhưng bức tranh dài hạn không mấy khả quan. “Nga không giao hàng cho Ai Cập trong năm 2021-2022 và khối lượng giao hàng cho Trung Quốc trong năm 2020-2022 ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2018-2019”, báo cáo SIPRI viết.

“Có khả năng khối lượng đặt hàng từ hai nước này sẽ giảm trong những năm tới.” Wezeman cho biết thêm, thị trường Trung Quốc (đối với giới xuất khẩu Nga) đang “hoàn toàn biến mất”. Trung Quốc, về cơ bản, đã hoàn thành việc phát triển những công nghệ cuối cùng mà họ cần từ Nga vài năm nay; và giờ họ không cần gì nữa.

Năm năm trước, mỗi năm Nga có hơn 100 máy bay chiến đấu được đặt hàng. Trong tương lai, số đơn hàng có thể thấp hơn nhiều. Hè 2022, tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hủy thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất dưới áp lực từ Mỹ.

Ai Cập, Algeria và Indonesia đều từ chối mua máy bay ném bom Su-35 của Nga. Máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu là vài trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga kể từ năm 1992. Nước này đã giao tổng cộng 328 chiếc từ 2018-2022, chiếm 40% xuất khẩu vũ khí Nga giai đoạn này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, chỉ có 84 máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu Nga chờ giao hàng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: