Thông điệp của người đẹp Ma Thuzar Wint Lwin

Đến Mỹ dự tranh Hoa Hậu Hoàn vũ (tổ chức tại Florida ngày 16-5-2021), người đẹp Myanmar Thuzar Wint Lwin đang gây chú ý không chỉ với sắc đẹp mặn mà ở ngoại hình mà còn là vẻ đẹp tâm hồn của một người can đảm thẳng thắn chỉ trích chế độ quân đội bạo quyền đang chà đạp nền dân chủ đất nước của cô…

Hồi còn nhỏ, Ma Thuzar Wint Lwin hẳn theo dõi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và ước rằng mình có thể đại diện cho quê hương Myanmar. Cô đã dự tranh hai cuộc thi đầu tiên vào năm ngoái, cuối cùng đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar, và tuần này sẽ tranh tài tại cuộc thi toàn cầu ở Florida. Việc đại diện cho đất nước, đối với Thuzar Wint Lwin bây giờ, không chỉ là cuộc thi thố sắc đẹp hoặc tài năng. Nó còn có một ý nghĩa khác. Với việc quân đội nắm quyền sau cuộc đảo chính ngày 1-2-2021 và giết chết hàng trăm người biểu tình, Thuzar Wint Lwin đã tận dụng cơ hội này để đánh động sự chú ý hướng đến phong trào ủng hộ dân chủ Myanmar và kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế trong việc trả tự do cho những tù nhân chính trị đang bị giam cầm.

Thuzar Wint Lwin nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi rời Myanmar đi Florida dự Miss Universe 2021: “Họ đang giết người dân chúng tôi như những con vật. Nhân loại ở đâu? Làm ơn giúp chúng tôi. Chúng tôi bất lực”. Trong một khoảnh khắc ấn tượng vào thứ Năm 13-5-2021 trong buổi trình diễn trang phục dân tộc, Thuzar Wint Lwin bước lên sân khấu với tấm biển ghi: “Hãy cầu nguyện cho Myanmar”.

Việc tiếp quản chính quyền dân sự bằng quân đội ở Myanmar đã và tiếp tục gây ra các cuộc biểu tình lan rộng với hàng triệu người xuống đường, dẫn đến sự bùng nổ phong trào bất tuân dân sự lẫn tổng đình công. Quân đội đã đáp trả bằng hàng loạt cuộc đàn áp tàn bạo, giết chết hơn 780 người và giam giữ hơn 3.900 người. Trong những tuần đầu của chiến dịch xuống đường phản đối, Thuzar Wint Lwin đã nhiệt tình tham gia. Cô cầm những tấm biển có khẩu hiệu như “Chúng tôi không muốn có chính quyền quân sự” và kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, người bị quản thúc tại gia kể từ cuộc đảo chính. Thuzar Wint Lwin phát nước uống cho đoàn người biểu tình ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar; quyên góp tiền tiết kiệm cá nhân cho những gia đình có người thân thiệt mạng. Cô cũng bày tỏ sự phản đối đối với chính quyền trên Facebook, đăng những bức ảnh đen trắng chụp cảnh cô bị bịt mắt, với băng dính trên miệng và tay bị trói.

Thuzar Wint Lwin, còn có tên Candy, kể: “Lính tráng tuần tra thành phố mỗi ngày và đôi khi họ dựng rào chắn. Trong một số trường hợp, họ nổ súng không do dự. Người dân chúng tôi sợ hãi những người lính của chính mình. Bất cứ khi nào chúng tôi thấy một người lính, tất cả những gì chúng tôi cảm thấy là tức giận và sợ hãi”. Mỗi tối trên truyền hình, quân đội thường xuyên công bố lệnh bắt mới đối với những người nổi tiếng và những người chỉ trích chế độ. Vài trong số đó là những người mà Thuzar Wint Lwin biết. Trước khi lên đường sang Mỹ tham dự , Thuzar Wint Lwin hồi hộp theo dõi xem tên mình có nằm trong danh sách truy nã của quân đội hay không. Cô đã đọc về những người nổi tiếng bị bắt giam khi họ cố rời khỏi Myanmar. Thuzar Wint Lwin phải mặc áo trùm đầu và đeo kính để tránh bị nhận ra ở sân bay Yangon…

Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar không đơn độc. Từ Úc, U Win Htet Oo, một trong những vận động viên bơi lội xuất sắc nhất Myanmar, cho biết anh đang từ bỏ giấc mơ đến Thế vận hội và sẽ không thi đấu dưới màu cờ Myanmar cho đến khi lãnh đạo của chế độ quân sự, Thượng tướng Min Aung Hlaing, bị loại khỏi quyền lực. Võ sĩ U Aung La Nsang, công dân Mỹ và là một trong những vận động viên nổi tiếng nhất của Myanmar, đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden giúp chấm dứt những đau khổ mà người dân Myanmar đang chịu đựng. Thuzar Wint Lwin tin rằng cô sẽ không an toàn nếu trở về Myanmar sau khi lên tiếng chống lại chế độ. Cô chưa biết mình nên đi đâu sau khi cuộc thi kết thúc.

Là sinh viên môn Anh Ngữ thuộc Đại học East Yangon, Thuzar Wint Lwin và con đường đến với phong trào ủng hộ dân chủ có bắt nguồn từ thời thơ ấu. Cô lớn lên trong một gia đình trung lưu. Như nhiều bậc cha mẹ khác, cha cô, một doanh nhân; và mẹ cô, một người nội trợ, không dám thảo luận về chính phủ quân sự khi đó đang nắm quyền. Một trong những ký ức ban đầu của cô là có lần đi dạo với mẹ gần chùa Sule ở trung tâm thành phố Yangon vào năm 2007, và thấy các nhà sư dẫn đầu loạt biểu tình toàn quốc chống lại sự cai trị của quân đội. Lúc đó Thuzar Wint Lwin 7 tuổi. Khi hai mẹ con cô đến gần chùa, đám lính bắt đầu bắn súng vào không trung. Mọi người hoảng hốt bỏ chạy. Cô và mẹ cô cũng chạy.

“Chúng tôi rất sợ hãi” – cô nhớ lại – “Chúng tôi chạy đại vào nhà một người lạ và trốn ở đó”. Sau đó, quân đội đè bẹp cuộc biểu tình khi bắn chết hàng chục người. Đến năm 2011, quân đội bắt đầu chia sẻ quyền lực với giới lãnh đạo dân sự và bắt đầu mở cửa đất nước, cho phép người dân sử dụng điện thoại di động và truy cập internet.

Thuzar Wint Lwin thuộc thế hệ đầu tiên ở Myanmar lớn lên trong môi trường được kết nối hoàn toàn với thế giới bên ngoài và hưởng không khí xã hội tự do. Năm 2015, Myanmar lần đầu tiên có các quan chức được bầu cử dân chủ sau hơn nửa thế kỷ. “Chúng tôi đã sống với tự do trong năm năm” – cô nói – “Đừng đưa chúng tôi trở về thời kỳ đen tối. Chúng tôi biết tất cả về thế giới. Chúng tôi có internet”. Tháng 11-2020, Thuzar Wint Lwin đủ tuổi đi bầu. Cô đã bỏ phiếu cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Trước thời điểm xảy ra vụ đảo chính, Thuzar Wint Lwin phải trải qua ca phẫu thuật loại bỏ khối u tiền ung thư ở mỗi bên ngực, khiến ngực cô bị sẹo vĩnh viễn. Cô chấp nhận phẫu thuật bình thường chứ không điều trị bằng laser. “Đó chỉ là vết sẹo và tôi vẫn là tôi” -Thuzar Wint Lwin nói – “Tôi nhận ra rằng không gì có thể thay đổi con người tôi và những giá trị mà tôi đặt ra cho bản thân. Giờ đây, khi nhìn thấy những vết sẹo đó, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn hẳn”. Thuzar Wint Lwin bắt đầu làm người mẫu khi còn học trung học; và sau khi bố nghỉ hưu, cô phải làm thêm để phụ giúp gia đình. Cô là một trong số ít hơn 10 thí sinh đến từ Myanmar từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, được thành lập vào năm 1952. Từ năm 1962 đến năm 2011, khi Myanmar nằm dưới sự cai trị của quân đội, nước này không có thí sinh nào tham dự Miss Universe.

Khi đến Florida ngày 7-5-2021, Thuzar Wint Lwin được hãng hàng không cho biết chiếc vali đựng trang phục dự thi bị thất lạc. Ban tổ chức giúp cô tìm trang phục thay thế và các thí sinh khác cũng cho cô mượn tạm quần áo. Cộng đồng Myanmar ở Mỹ đã gửi cho cô bộ trang phục dân tộc Chin…

Ngay sau khi hạ cánh xuống Florida, Thuzar Wint Lwin đã post một video lên Facebook, với hình ảnh của cô và hình ảnh những người biểu tình chạy trốn hơi cay, một người lính bắn một người đàn ông đi xe máy… “Myanmar xứng đáng có nền dân chủ” – Thuzar Wint Lwin nói trong video – “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ giúp đỡ những gì mà chúng tôi đang khẩn thiết yêu cầu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: