Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gặp nhau vào tháng tới tại Geneva, trong bối cảnh quan hệ Washington-Moscow căng như dây đàn…
Một trong những nghị sự dự kiến là hành động của Nga ở nước láng giềng Ukraine. Tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết không có điều kiện nào được đặt ra cho cuộc gặp. Washington thật ra gần như chẳng kỳ vọng gì đối với cuộc gặp với Nga, huống hồ thiết lập lại quan hệ Mỹ-Nga.
Thay vào đó, các quan chức cho biết, Biden – người khi tranh cử tổng thống từng cảnh báo rằng mối quan hệ Mỹ-Nga luôn phức tạp – đang tìm kiếm một số điểm chung với đối thủ mình trên con đường quan hệ phía trước. Phần mình, Kremlin cho biết hai tổng thống sẽ thảo luận “tình trạng hiện tại và triển vọng quan hệ Nga-Mỹ; các vấn đề ổn định chiến lược và những cấp bách trong nghị sự quốc tế, bao gồm sự phối hợp trong việc đối phó đại dịch coronavirus cũng như giải quyết các xung đột trong khu vực”.
Tổng thống Biden lần đầu tiên đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh trong cuộc điện đàm với Putin vào tháng 4-2021, khi Washington chuẩn bị áp dụng vòng trừng phạt thứ hai đối với các quan chức Nga. Tuần trước, Mỹ đã áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và tàu của Nga, bởi hoạt động của họ liên quan đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có tên Nord Stream 2. Giới chức Mỹ cho rằng đường ống này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, nâng cao ảnh hưởng Nga và gây rủi ro cho Ukraine và Ba Lan khi chạy ngang hai quốc gia này.
Washington từng chỉ trích Putin với cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và rằng Kremlin đứng sau chiến dịch tấn công SolarWinds, trong đó tin tặc Nga tung mã độc nhằm giúp họ truy cập vào ít nhất chín cơ quan Hoa Kỳ. Chính quyền Biden cũng chỉ trích Nga vụ bắt giữ và bỏ tù thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny; và việc điệp viên Nga treo tiền thưởng cho Taliban để tấn công quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Tháng 3-2021, Chính quyền Biden loan bố loạt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức cấp trung và cấp cao của Nga, cùng hơn một chục doanh nghiệp và các tổ chức khác, bởi sự liên quan của họ trong việc sử dụng chất độc thần kinh suýt gây tử vong nhằm vào Navalny vào tháng 8-2020. Navalny trở lại Nga vài ngày trước lễ nhậm chức 20-1-2021 của Biden và nhanh chóng bị bắt. Dù vậy, ngay cả khi tiếp tục thực hiện vòng trừng phạt mới nhất, Biden cũng tỏ tín hiệu rằng ông có thể nhẹ tay hơn, trong nỗ lực gửi thông điệp tới Putin rằng Washington hy vọng Mỹ-Nga có thể hiểu được các “quy tắc chơi” trong mối quan hệ đối đầu.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse chỉ trích quyết định gặp Putin của Biden là “yếu kém”. “Chúng ta đang “thưởng” Putin một hội nghị thượng đỉnh?” – Sasse nói – “Thay vì đối xử Putin như một tên xã hội đen, kẻ sợ hãi chính người dân mình, chúng ta lại trao ông ấy đường ống dẫn Nord Stream 2 và hợp pháp hóa các hành động của ông ấy bằng việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh”. Jen Psaki, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, phản bác lại những chỉ trích và nói rằng Biden xem hội nghị thượng đỉnh là “khoảnh khắc ngoại giao trực tiếp để truyền đạt những gì mà ông ấy quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh cuộc gặp mặt đối mặt Biden-Putin. Cần nhắc lại, thời nội các tiền nhiệm, Trump luôn tránh đối đầu trực tiếp với Putin và thường tìm cách làm nhẹ đi những hành động của nhà lãnh đạo Nga. Hội nghị thượng đỉnh duy nhất của họ, tổ chức tháng 7-2018 tại Helsinki, được đánh dấu bằng việc Trump từ chối đứng về phía các cơ quan tình báo Hoa Kỳ trước việc Putin phủ nhận Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Tháng 3-2021, Biden trong cuộc phỏng vấn ABC News, đã trả lời một cách khẳng định “có”, khi được nhà báo George Stephanopoulos hỏi rằng liệu ông có nghĩ Putin là “kẻ giết người” không.
Hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin ngày 16-6-2021 đánh dấu chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống. Ông cũng sẽ thăm Anh để dự cuộc họp nhóm G7 và dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels.