Trung Quốc không còn là mỏ vàng của Wall Street

Thị trường chứng khoán Thượng Hải (ảnh: Mao Siqian/Xinhua via Getty Images)

“Giấc mơ Trung Quốc (TQ)” của Wall Street chỉ là “giấc mơ hão huyền”. Thị trường chứng khoán của quốc gia này không hề hấp dẫn như tưởng tượng!

Phút hưng phấn đã qua

Trong một thời gian dài, Wall Street đã “say đắm” những người giàu ở TQ. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra đúng như mơ ước. Sau nhiều năm tiến hành các biện pháp chậm chạp và nửa vời, TQ đã dần mở cửa thị trường tài chính trong thập niên qua. Đầu tiên, các nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến, nhưng phải thông qua đối tác liên kết ở Hong Kong. Sau cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ năm 2018 và 2019, các công ty nước ngoài được phép điều hành các chi nhánh đầu tư thuộc sở hữu hoàn toàn của họ ở TQ, nhưng những gì họ chứng kiến là sức mạnh trì trệ của bộ máy quan liêu quản lý tài sản ở nước này.

Năm ngoái, Ernst & Young ước tính tổng số vốn được quản lý ở TQ lên tới khoảng $16 ngàn tỷ. Các công ty như BlackRock và Fidelity đã huy động tiền cho các quỹ tương hỗ (mutual fund) bằng đồng nhân dân tệ. Các ngân hàng đầu tư như Tập đoàn Goldman Sachs giờ đây đã có thể sở hữu toàn bộ các hoạt động chứng khoán hiện tại của họ ở TQ (trước đây họ phải thành lập liên doanh với các đối tác địa phương).

Nhưng mọi thứ không thực sự suôn sẻ. Thứ nhất, việc TQ mở rộng cửa cho các công ty đầu tư nước ngoài diễn ra đồng thời với một thị trường chứng khoán không mấy hấp dẫn. Năm nay, sau một khởi đầu mạnh mẽ, đà tăng của chứng khoán TQ nhanh chóng lụi tàn. Sau hai năm thua lỗ liên tiếp 2021 và 2022, chỉ số CSI 300 (dùng theo dõi các cổ phiếu lớn được niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến) chỉ tăng 2.4%, kém hơn hầu hết các thị trường lớn khác – Wall Street Journal cho biết.

Đào không thấy vàng, chỉ thấy rào cản!

Các nhà đầu tư nước ngoài, gồm cả những người có trụ sở tại Hong Kong, hiện sở hữu khoảng $364 tỷ cổ phiếu ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Con số này vẫn chưa đến 3% của toàn thị trường. Và ngoài hiệu quả hoạt động kém của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý.

Ví dụ, các quy tắc dữ liệu nghiêm ngặt ở TQ khiến các công ty con của họ ở quốc gia này khó chia sẻ nhiều thông tin cần thiết với trụ sở chính ở quê nhà (quỹ của họ thực sự hoạt động như thế nào và khách hàng của họ là ai). Trong khi đó, các ngân hàng đầu tư nước ngoài (vốn từng giúp giới thiệu nhiều công ty TQ với các nhà đầu tư toàn cầu trong quá khứ) đang tụt lại phía sau các đối thủ địa phương trong bảng xếp hạng chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng.

Điều đó đặc biệt đúng khi nhiều công ty TQ hiện chọn niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến, thay vì Hong Kong. Theo Dealogic, kể từ năm 2020, khối lượng phát hành lần đầu ra công chúng trên các sàn giao dịch của TQ đại lục đã vượt qua Hong Kong mỗi năm. Các chủ ngân hàng đầu tư nước ngoài, giống như người thân quản lý tài sản của họ, cũng phải đối mặt với một chế độ quản lý rất khác và tình hình địa chính trị ngày càng tồi tệ giữa TQ và phương Tây.

Các nhà quản lý phương Tây liên tục kêu gọi minh bạch hơn về tài chính và hoạt động kinh doanh của các công ty TQ đã niêm yết, trong khi Bắc Kinh ngày càng bị ám ảnh bởi dữ liệu và bảo mật công nghệ. Theo Dealogic, không có ngân hàng nước ngoài nào nằm trong số 10 ngân hàng bảo lãnh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hàng đầu ở TQ đại lục trong năm nay và năm 2022.

Trái lại, năm 2018, một nửa trong số 10 ngân hàng hàng đầu là ngân hàng nước ngoài, gồm cả Goldman Sachs và Morgan Stanley. Một số ngân hàng Hoa Kỳ cũng đã bỏ IPO tại Hong Kong khi các nhà đầu tư bắt đầu ít hào hứng hơn với chứng khoán TQ. TQ từ lâu được xem là một mỏ vàng chờ Wall Street khai quật (chỉ cần nó cho phép đào). Nhưng hóa ra, không dễ dàng như thế. Rất nhiều hoạt động đào đã diễn ra, nhưng vàng vẫn có vẻ khan hiếm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: