Trung Quốc: Tỉ phú chỉ nên ‘cắm đầu’ làm ăn nếu không muốn họa vào thân

Mã Vân (Jack Ma) là trường hợp điển hình cho thấy giới tỉ phú Trung Quốc, nếu không muốn họa vào thân, thì nên biết thân biết phận ngậm mồm. Nói nhiều nói mạnh như tỉ phú Mỹ thì có nước vào tù. Ra vẻ “ta đây” là “nhân vật quan trọng” càng khiến Đảng ghét. Đảng cộng sản Trung Quốc chẳng muốn ai vượt qua cái bóng lãnh đạo của họ.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trừng phạt và làm “xấu mặt” hàng loạt ông trùm, những người tích lũy tài sản, tạo ảnh hưởng khổng lồ, đóng góp đáng kể cho kinh tế quốc gia, nhưng cùng lúc bị xem là “vượt quá giới hạn”. Mã Vân và những tập đoàn khổng lồ trong đế chế trực tuyến của ông, trong đó có tập đoàn bán lẻ điện tử Alibaba và tập đoàn fintech Ant Group, đang trở thành những mục tiêu lớn nhất của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc đã khẳng định quyền kiểm soát rộng rãi đối với khu vực tư nhân, khi yêu cầu các đại tập đoàn cam kết trung thành với Đảng. Hàng loạt gương mặt sừng sỏ đã bị đánh dằn mặt hoặc thậm chí đánh cho “chết”.

New York Times ngày 22-4-2021 đã nhắc lại vài trường hợp. Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), từng là nhân vật đáng tin cậy của thành phần tinh hoa Trung Quốc, đã bị tóm từ một khách sạn sang trọng ở Hong Kong vào năm 2017. Hiệp Giản Minh (Ye Jianming), ông trùm dầu mỏ từng chạy chọt tìm kiếm mối quan hệ ở Washington, đã bị giam giữ. Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), người từng mua Khách sạn Waldorf Astoria ở Manhattan, cũng đã vào tù. Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch một công ty tài chính, đã bị xử tử vào tháng 1-2021. Giám đốc điều hành Ant Group, Hồ Hiểu Minh (Simon Hu), đã từ chức vào tháng 3-2021. Vài ngày sau, Hoàng Tranh (Colin Huang) từ chức chủ tịch Pinduoduo, chợ di động do ông thành lập và ra mắt công chúng cách đây vài năm.

Hoàng Tranh tuyên bố từ chức vào ngay ngày mà Pinduoduo tuyên bố thu hút được 788 triệu lượt người mua sắm trong 12 tháng qua – con số lớn hơn cả Alibaba. Trong khi đó, tại cuộc họp chính trị nội bộ cách đây vài tháng, Mã Hóa Đằng (Pony Ma), người sáng lập công ty truyền thông xã hội khổng lồ Tencent, đã tỏ ra “biết điều” khi đề xuất các quy tắc cứng rắn hơn cho các công ty internet, trong khuôn khổ cái gọi là “các phương pháp đổi mới trong quy định và quản trị”. Tuần trước, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đã triệu tập 34 công ty internet hàng đầu để nói về các “quy tắc cạnh tranh công bằng mới”.

Không ai biết chính xác và đầy đủ về những gì đang xảy ra với Mã Vân nhưng rõ ràng nhân vật này, một thời được xem là biểu tượng thành đạt của mô hình “tư bản XHCN” Trung Quốc, đang tránh xa dư luận, và lùi sâu vào hậu trường, hơn là lăng xăng tranh giành ánh sáng sân khấu với Đảng. Vài người bạn thân của đương sự cho biết Mã Vân đang dành thời gian cho thú vui vẽ tranh và tập thái cực quyền.

Cần nhắc lại, Mã Vân từng làm việc một thời gian ngắn tại một công ty quảng cáo do chính phủ điều hành trước khi thành lập Alibaba năm 1999. Thời điểm đó, Trung Quốc đang vuốt ve các doanh nhân tư nhân quyền lực, và Mã Vân tỏ ra rất giỏi trong việc quyến rũ giới chức chính phủ. “Alibaba hoàn toàn có cơ hội phát triển thành một công ty đẳng cấp thế giới”, Vương Quốc Bình (Wang Guoping), bí thư Đảng Cộng sản thành phố Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Alibaba vào những năm 2000, từng hoan hỉ nói. “Điều mà một công ty tầm cỡ thế giới cần nhất là một tâm hồn, một người chỉ huy, một doanh nhân tầm cỡ thế giới. Tôi tin rằng Mã Vân đáp ứng được tiêu chuẩn này” – họ Vương tâng bốc.

Khi Alibaba phát triển, Mã Vân trở thành ngôi sao doanh nhân sáng nhất Trung Quốc. Ông được các tổng thống và ngôi sao điện ảnh đón tiếp như thượng khách. Tuy nhiên, điều đó có thể đã bóp méo con người Mã Vân, khiến đương sự hoang tưởng bản thân và có những biểu hiện thái quá về tầm mức quan trọng cũng như sức ảnh hưởng của mình đối với hệ thống Đảng trị.

Nếu không, ông ấy có thể đã nhìn thấy vô số khẩu hiệu giăng khắp Trung Quốc, về cái mà Tập Cận Bình nói về việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hợp tác chặt chẽ hơn với Nhà nước cũng như trung thành hơn với Đảng, rằng họ cần phải biết rằng việc làm giàu là nhờ Đảng tạo “điều kiện” chứ chẳng phải do tài năng gì. Khi Mã Vân từ chức chủ tịch Alibaba vào năm 2019, một bài bình luận trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản đã viết thẳng thừng: “Chẳng có cái gì gọi là ‘kỷ nguyên Mã Vân’ cả. Chỉ có một kỷ nguyên mà Mã Vân là một phần trong đó”.

Câu chuyện thật ra rất đơn giản. Giới lãnh đạo Trung Quốc cần khu vực tư nhân để giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Đảng không khoái những hình ảnh doanh nhân được ca tụng khắp nơi và Đảng cũng chẳng thích những doanh nhân tỏ ra mình “giỏi” hơn Đảng. Nói cách khác, Đảng chưa bao giờ muốn các doanh nhân làm suy yếu sự thống trị của Đảng trên toàn xã hội.

Tháng 10 năm ngoái, khi tập đoàn Ant chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán, Mã Vân đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc tại một hội nghị ở Thượng Hải. Đương sự từng muốn dùng Ant như một phương tiện để phá vỡ hệ thống ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có thể thực hiện điều này. Thay vào đó, chính quyền phản đòn. Họ đã tạm dừng niêm yết cổ phiếu của Ant ngay sau đó.

Richard McGregor, thành viên cấp cao tại Viện Lowy và là tác giả quyển The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers, nhận định: “Nguyên tắc chung là không được có trung tâm quyền lực riêng lẻ nào bên ngoài Đảng”. Câu chuyện Mã Vân và Trung Quốc cũng hệt như ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, Đảng vẫn trên hết. Cái gì cũng nhờ Đảng mà có. Doanh nhân chỉ nên biết làm giàu, “cần cù” làm giàu như Phạm Nhật Vượng, hơn là thể hiện chính kiến. Doanh nhân cũng không nên tỏ ra “khôn” hơn Đảng mà thậm chí cần phải biết xum xoe với Chính quyền, chưa kể chuyện lo lót đấm mõm quan chức. Anh nào “bày đặt” lên tiếng “phản biện” hoặc “bất bình” về chuyện cai trị của Đảng thì nếu không vào tù thì cũng bị Đảng dập cho bẹp nát.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: