Bắc Kinh: Kiểm soát cả cách ăn mặc của người dân

Chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng rối trong điều hành quốc gia
Với qui định mới, kiểu ăn mặc như thế này chắc chắn được đánh giá là “phạm luật”. Ảnh: Những người tham dự cuộc thi chạy Beijing Undie Run năm 2016 (ảnh: Visual China Group via Getty Images)

Trung Quốc có thể sẽ không khác mấy so với Taliban ở Afghanistan khi họ đang có ý định giám sát cả cách ăn mặc của người dân. Chế độ cai trị độc tài Trung Quốc đã cố kiểm soát những gì công dân đọc, nhìn và thậm chí suy nghĩ. Các nhà lãnh đạo hoang tưởng dường như vẫn chưa hài lòng với việc họ gần như thống trị đời sống riêng tư của những người mà họ muốn đại diện, bây giờ họ muốn kiểm soát việc người dân Trung Quốc mặc gì.

Ủy ban Thường vụ của cơ quan lập pháp Trung Quốc đã công bố dự thảo liên quan việc cấm những trang phục được coi là “có hại cho tinh thần người dân Trung Quốc” và “làm tổn thương tình cảm” người dân Trung Quốc. Bất cứ ai bị bắt vì mặc trang phục phản cảm có thể bị phạt $680 và ngồi tù 15 ngày.

Như tất cả qui định khác lâu nay không cần giải thích, chẳng ai biết tại sao chính quyền lại ra cái luật quái đản liên quan quyền ăn mặc của người dân. Tuy nhiên, qui định mới bắt đầu được đề xuất sau loạt vụ việc liên quan người dân mặc trang phục truyền thống của Nhật, khiến những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nổi giận tam bành. Cách đây không lâu, một phụ nữ ở Tô Châu đã bị cảnh sát bắt vì tội mặc kimono Nhật. Nạn nhân bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng”. Đó là cụm từ quen thuộc mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để nhắm vào bất kỳ ai làm hoặc nói những gì không vừa mắt hoặc vừa tai họ.

Dự thảo “luật trang phục” cũng được đưa ra sau khi sinh viên và những người tham gia các chương trình hòa nhạc đeo hình cầu vồng trên quần áo hoặc treo cờ cầu vồng để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBTQ+. Chính quyền đang xắn tay áo thực hiện chiến dịch tương tự nhắm vào những thanh thiếu niên xăm hình hoặc phái nam mặc trang phục nữ. Cách đây không lâu, một trường trung học ở Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận vì cấm các kiểu tóc “kỳ lạ”, được định nghĩa là tóc dài đối với nữ sinh (!) và tóc mai đối với nam sinh. Tóc nhuộm tất nhiên bị cấm.

Trường Văn Xương, ở Định Châu, tỉnh Hà Bắc yêu cầu nữ sinh không được để tóc dài! (Handout)

Lệnh cấm “trang phục phản cảm” đang gây khó chịu, đặc biệt bởi ngôn ngữ thiếu tính cụ thể. Thế nào là “phản cảm”? Không có chi tiết nào trong “luật” xác định rõ những mặt hàng quần áo cụ thể nào có thể bị coi là “có hại cho tinh thần của người dân Trung Quốc”. Và loại trang phục cụ thể nào có thể làm “tổn thương” đến sự “nhạy cảm” của người dân. Sự mơ hồ như vậy chắc chắn sẽ tạo ra sự hỗn loạn xã hội, khi bất kỳ tên “cảnh sát văn hóa” nào cũng có quyền bắt những người mặc bất cứ thứ gì mà hắn không thích.

Nhiều quốc gia có những luật lệ trang phục, thường liên quan đến vấn đề tôn giáo, văn hóa hoặc lịch sử. Đức cấm trưng bày công khai hình swastika hoặc các biểu tượng Đức Quốc xã. Một số quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông cấm phụ nữ ra ngoài mà không che mặt hoặc đầu. Các quốc gia có văn hóa bảo thủ như Uganda qui định rằng phụ nữ không được mặc váy ngắn quá đầu gối. Một số địa điểm du lịch ở Croatia và Maldives cảnh báo du khách không nên mặc đồ bơi “thiếu vải” khi ra khỏi bãi biển. Hy Lạp cấm giày cao gót tại các di tích cổ.

Năm 2010, chính quyền Pháp – lo ngại sự gia tăng lượng người nhập cư đạo Hồi và quyết liệt bảo vệ bản sắc thế tục của họ – đã thông qua luật cấm che kín mặt ở nơi công cộng, trong đó có áo trùm burqa, nón bảo hiểm xe gắn máy, mặt nạ trượt tuyết và áo trùm đầu balaclava. Trong khi đó, dự luật trang phục của Trung Quốc rất bất thường vì thiếu tính cụ thể và dường như nhắm vào bất kỳ hình thức trang phục cá nhân nào có thể được hiểu là “xúc phạm” những quan niệm của Đảng Cộng sản về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.

Như thế này thì Đảng không vui rồi. Ảnh: Những người tham dự ChinaJoy Cosplay Carnival 2014 (Xiao Lu Chu/Getty Images)

Đề xuất thay đổi luật đã được công bố trên trang web chính phủ để “lấy ý kiến đóng góp xây dựng của người dân”, kéo dài đến cuối Tháng Chín. Cho đến nay, phản hồi phần lớn là tiêu cực, trong đó giới luật sư, học giả, nhà báo và cả người dân bình thường… Vụ việc khiến người ta nhớ lại thời Mao và không khí hắc ám vào những năm 1980, khi quần ống loe và quần jeans xanh được coi là “trang phục kỳ lạ”. Một số tòa nhà chính phủ cấm đàn ông để tóc dài; phụ nữ trang điểm và đeo trang sức cũng bị cấm. Các đội tuần tra trong các nhà máy, trường học thường xuyên tổ chức chiến dịch đi cắt quần ống loe và sởn tóc dài bằng kéo giữa thanh thiên bạch nhật.

Không khí bài trừ “văn hóa ngoại lai” như vậy đang tái xuất hiện. Vào Tháng Bảy, một người đàn ông lớn tuổi trên xe buýt đã mắng xối xả một cô gái trẻ đang trên đường đến buổi triển lãm cosplay – nơi mọi người hóa trang thành các nhân vật trong phim, sách, chương trình truyền hình và trò chơi điện tử. Tháng Tám, The New York Times cho biết, nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm đã từ chối không cho vào một người đàn ông ăn mặc như samurai.

Hở như thế nào và hở “bao nhiêu” mới không phạm luật? (ảnh: Fred Lee/Getty Images)

Và cũng Tháng Tám tại Bắc Kinh, nhân viên an ninh đã trấn áp những người mặc trang phục có chủ đề cầu vồng tại buổi hòa nhạc có sự góp mặt của ca sĩ Đài Loan Zhang Huimei (Trương Huệ Muội, còn có nghệ danh A-Mei). Cũng trong Tháng Tám, “nhiều người dân bất đồng” đã gửi thư tố cáo về buổi hòa nhạc của ca sĩ Đài Loan Jolin Tsai (Thái Y Lâm) khi người hâm mộ cầm đèn cầu vồng và một số người hâm mộ nam mặc trang phục nữ. Giữa Tháng Chín, cảnh sát Thâm Quyến đã mắng một người đàn ông mặc váy ngắn đang livestream. “Một thằng đàn ông lại mặc váy nơi công cộng, ông có nghĩ mình là người có năng lượng tích cực không hả?!” tay cảnh sát hét.

Nếu không có một định nghĩa rõ ràng, việc thực thi luật sẽ tùy thuộc vào cách giải thích của từng viên chức. “Nếu các quan chức có thể tùy tiện mở rộng cách giải thích và áp dụng luật dựa trên sở thích và quan điểm cá nhân cũng như niềm tin ý thức hệ, chúng ta có thể sẽ chứng kiến tình trạng ‘nếu muốn buộc tội ai đó, bạn luôn có thể tìm ra lý do’”, phát biểu của Triệu Hoành (赵宏, Zhao Hong), giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Bà giáo Triệu Hoành trích ý kiến bình luận của nhiều người trên mạng rằng nếu mặc kimono có thể bị hiểu là làm tổn hại đến tinh thần dân tộc, vậy còn việc ăn đồ Nhật, xem phim hoạt hình hay học tiếng Nhật thì sao? Những người khác nói rằng liệu lệnh cấm có thể mở rộng đến việc mặc vest và đeo cà vạt – nói theo tiếng Trung là xizhuang (西装; Tây Trang) – chăng?

Chẳng ai muốn sống lại với không khí những năm 1980, khi người dân sử dụng phiếu khẩu phần ăn để mua quần áo, và vải vóc lúc đó chủ yếu chỉ có màu xanh lam và xám. Thời trang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu không có một định nghĩa rõ ràng, việc thực thi luật sẽ tùy thuộc vào cách giải thích của từng viên chức. Ảnh: Những người mẫu của chương trình thời trang Shanghai Fashion Week 2022 (CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Năm 1979, khi nhà thiết kế người Pháp Pierre Cardin tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên ở Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa, sự tương phản giữa những người mẫu mặc đồ thời trang cao cấp với khán giả mặc những bộ đồ Mao tối màu đã phản ánh khoảng cách và sự chênh lệch văn hóa đến mức khủng khiếp, giữa hình ảnh một Trung Quốc cố gồng lên để chứng tỏ đang phát triển thịnh vượng và sôi động, trong khi xung quanh đầy hình ảnh của một Trung Quốc nghèo khổ đầy áp bức tù túng bức bối. Đó là giai đoạn mà trang phục luôn là chủ đề gây tranh cãi quyết liệt và thậm chí là chiến trường cho cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách và những người bảo thủ.

Năm 1983, Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đã phải kêu gọi “các đồng chí” không “can thiệp vào việc lựa chọn trang phục của người dân và tránh sử dụng thuật ngữ ‘trang phục kỳ lạ’”.  Trung Quốc đã thay đổi nhiều kể từ đó. Đầu tiên, chính quyền cho phép mọi người mặc những gì họ thích. Năm 2008, một tờ báo nhà nước viết: “Độ dài mái tóc, cỡ ống quần và tư tưởng đạo đức của một người không nhất thiết liên quan đến nhau”.

Một cách tương đối chính xác, thời trang phương Tây chỉ có thể bắt đầu phổ biến vào năm 1987, khi tân Tổng Bí thư Triệu Tử Dương mặc bộ vest sọc xanh hai hàng khuy. Cả hai nhà lãnh đạo cách tân Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương sau đó đều bị thanh trừng nhưng tủ quần áo của người dân bắt đầu trở nên đầy đủ và nhiều màu sắc hơn. Trung Quốc trở thành nhà sản xuất thời trang hàng đầu thế giới và hiện là thị trường lớn cho hàng hóa xa xỉ.

Với dự luật mới, Trung Quốc lại quay trở lại thập niên 1980. Không khí u ám đến mức thậm chí Hồ Tất Tiến, cựu tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo, một kẻ nổi tiếng cực đoan và căm thù phương Tây, cũng phải lên tiếng rằng “sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc đòi hỏi một môi trường xã hội hòa nhập và thoải mái”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: