Trung Quốc ra luật cho phép hải cảnh tấn công tàu nước ngoài

Tài hải cảnh Trung Quốc có trọng tải lớn, trang bị súng pháo 76mm. Ảnh Kyodo News
HIẾU CHÂN

Chỉ hai ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức, Trung Quốc đã ban hành Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh của nước này sử dụng vũ khí tấn công tàu bè nước ngoài ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đe dọa các nước láng giềng và có nguy cơ dẫn tới đụng độ quân sự trong khu vực.

Bài liên quan:

Luật Hải cảnh được Chủ tịch, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành hôm nay thứ Sáu 22-01, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc thông qua, và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01-02-2021 sắp tới.

Được phép tấn công?

Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc được nổ súng tấn công các tàu nước ngoài trong một số trường hợp nhất định, được “thực hiện các hoạt động quốc phòng” theo lệnh của Quân ủy Trung ương, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quân đội Trung Quốc.

Luật trao cho lực lượng bảo vệ bờ biển mà Trung Quốc gọi là hải cảnh nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển thuộc “quyền tài phán” của Trung Quốc cũng như vùng trời phía trên chúng. Trung Quốc không bao giờ xác định rõ phạm vi của “quyền tài phán” này, nhưng được cho là bao gồm khu vực nằm trong “đường lưỡi bò” chín đoạn trùm lên hầu hết diện tích Biển Đông và vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý.

Luật quy định các nhiệm vụ của lực lượng hải cảnh bao gồm bảo vệ các đảo và rạn san hô cũng như các đảo nhân tạo và các cấu trúc khác; đồng thời quy định lực lượng hải cảnh có thể buộc tháo dỡ các công trình do nước ngoài xây dựng trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Theo luật mới, hải cảnh Trung Quốc sẽ có quyền sử dụng “mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả vũ khí,” trong trường hợp chủ quyền của Trung Quốc bị cho là bị xâm phạm. 

Yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” chín đoạn của Trumg Quốc trùm lên hầu hết Biển Đông.

Chiến lược độc chiếm vùng biển

Việc xây dựng, cải tổ lực lượng hải cảnh và ban hành luật trao quyền hạn rộng lớn cho lực lượng này nằm trong chiến lược dài hơi của Trung Quốc nhằm độc chiếm các vùng biển lân cận của nước này. Chiến lược này được đẩy mạnh và tăng tốc dưới thời ông Tập Cận Bình.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc ban đầu là một cơ quan hành chính chứ không phải là một cơ quan quân sự, thuộc Cục Quản lý Đại dương Nhà nước để tránh đụng độ với các nước láng giềng và Hoa Kỳ mà vẫn mở rộng được sự kiểm soát có hiệu quả của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác. Lực lượng này được ghép vào Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc trong một cuộc tái tổ chức năm 2018.

Từ năm 2014, Bắc Kinh đã thực hiện một chương trình bồi đắp đảo ồ ạt chung quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn bất chấp chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Chính phủ Philippines đã phản đối bằng cách kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và ngày 12-07-2016 Tòa ra phán quyết rằng những hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, đường chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết, gọi nó không hơn gì một “miếng giấy vụn”. 

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc có khoảng 130 tàu từ 1.000 tấn trở lên vào năm 2019, nhiều hơn ba lần tổng số tàu năm 2012. Hải cảnh Trung Quốc cũng có các con tàu trọng tải hơn 10.000 tấn, được trang bị pháo 76mm – tức là lớn hơn các tàu hải quân lớn nhất mà Philippines và Indonesia có được – hai nước này nằm trong số các nước có xung đột về yêu sách lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tận dụng thời cơ chuyển giao quyền lực ở Mỹ

Việc ban hành Luật Hải cảnh với những quy định hiếu chiến như trên báo hiệu Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thời điểm Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh mới – ngay sau khi Tổng thống Biden nhậm chức mới hai ngày, các chức vụ bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao chưa chính thức được Quốc hội phê chuẩn (tướng Llyod J. Austin chỉ mới được Thượng viện chấp thuận làm Bộ trưởng Quốc phòng hôm nay thứ Sáu, sau khi Bắc Kinh ban hành luật mới) – cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo chính quyền mới của Hoa Kỳ rằng họ sẽ không lay chuyển chiến lược bành trướng hàng hải của mình và khôn khéo lợi dụng lúc Hoa Kỳ đang bận chuyển giao quyền lực để ra tay. 

Động tác mới của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc với hải quân và cảnh sát biển của Hoa Kỳ và các nước láng giềng. Hồi tháng Bảy 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc và cho rằng các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp, trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Đáng chú ý là hành động của Bắc Kinh diễn ra ngay sau khi chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đẩy mạnh cam kết hỗ trợ các đồng minh trong khu vực chống lại các thủ đoạn đe dọa vũ lực của Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan đã bảo đảm với người đồng cấp Nhật Bản Shigeru Kitamura rằng quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý thuộc phạm vi bảo vệ của Hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật Bản, theo đó quân đội Mỹ sẽ có trách nhiệm hành động khi lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công và ngược lại. Trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút hôm qua thứ Năm – cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai quan chức an ninh cao cấp của Nhật và Mỹ chỉ một ngày sau khi Tổng thống Biden nhậm chức – ông Sullivan khẳng định Hoa Kỳ chống lại mọi hành động đơn phương nhằm gây hại cho sự quản lý của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku – mà Trung Quốc đòi chủ quyền với tên gọi đảo Điếu Ngư. 

Ông Sullivan và ông Kitamura cũng khẳng định hai bên sẽ cùng làm việc để tiến tới một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có cùng quan điểm trong cơ chế Bộ Tứ (Quad) bao gồm cả Úc và Ấn Độ, báo Nhật Nikkei Asia đưa tin.

 Các nước Đông Nam Á đang tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông đang sốt ruột theo dõi phản ứng của Washington trước động tác gây hấn mới của Bắc Kinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: