Bích Quế Viên, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, sắp sập tiệm?

Một khu chung cư do Bích Quế Viên xây dựng tại Nam Kinh, Giang Tô (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Bích Quế Viên (碧桂园, tên tiếng Anh là Country Garden), nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ đang trên bờ vực vỡ nợ khi báo cáo khoản lỗ hơn US$ 7 tỷ trong nửa đầu năm nay. Vụ việc càng làm nghiêm trọng thêm tình hình khủng hoảng bất động sản và đẩy nhanh nguy cơ làm đổ vỡ nền kinh tế vốn đang mong manh của Trung Quốc.

Câu chuyện của Bích Quế Viên – công ty từng được xem là một trong những nhà phát triển bất động sản an toàn nhất Trung Quốc và là trụ cột của lĩnh vực này – là ví dụ mới nhất cho thấy gót chân Achilles của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Thị trường bất động sản Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội và 2/3 tài sản hộ gia đình, nhưng sự bất ổn sau đại dịch và sự đàn áp của chính phủ Bắc Kinh nhắm vào các ông trùm bất động sản đã làm suy yếu doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến niềm tin rộng rãi hơn vào nền kinh tế.

Trong hồ sơ gửi Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 30 Tháng Tám 2023, Bích Quế Viên cho biết họ đã không “nắm bắt” và “phản ứng kịp thời” trước những rủi ro của tình trạng sụt giảm bất động sản, đặc biệt tại các thành phố nhỏ, nơi tập trung hầu hết dự án phát triển của họ. “Tất cả thiếu sót này đã dẫn đến khó khăn nghiêm trọng nhất mà công ty phải đối mặt”, đại diện Bích Quế Viên phát biểu và nói thêm rằng họ “cảm thấy vô cùng hối hận vì kết quả hoạt động không đạt yêu cầu”.

Bích Quế Viên – được nông dân Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang) thành lập năm 1992 – là công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc; được xếp thứ 206 trong danh sách Fortune Global 500 năm 2023. Bích Quế Viên có vốn hóa thị trường hơn $29.84 tỷ tính đến năm 2018; với 187 dự án phát triển thị trấn cao cấp trên khắp Trung Quốc, Malaysia và Úc. Năm 2005, Dương Quốc Cường chuyển nhượng cổ phần của ông tại Country Garden Holdings Company Limited cho con gái Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan). Ngày 20 Tháng Tư 2007, Bích Quế Viên được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong; và vào Tháng Mười 2007, Dương Huệ Nghiên được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ giàu nhất châu Á.

Là một trong hàng chục nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán hóa đơn trong cuộc khủng hoảng nhà ở gần đây, Bích Quế Viên đang gánh khoản nợ hơn $200 tỷ. Bích Quế Viên cho biết họ đang đàm phán với các chủ nợ để tránh bị phá sản. Vụ vỡ nợ của Bích Quế Viên sẽ là vụ vỡ nợ lớn nhất kể từ sự sụp đổ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande (Trung Quốc Hằng Đại tập đoàn) vào năm 2021, gây ra rủi ro và làm mất uy tín chính trị cho giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh, khi họ nỗ lực vực dậy niềm tin vào phép màu kinh tế Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng nhà đất tiếp tục làm suy yếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay của Bắc Kinh.

Vào thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách đang phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng để thúc đẩy sự phục hồi sau ba năm thực hiện chính sách zero Covid, các hộ gia đình đã trì hoãn việc mua nhà và các khoản mua sắm lớn khác. Hậu quả, thị trường bất động sản teo tóp và đóng băng. Nền kinh tế Trung Quốc bị bủa vây bởi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong giới trẻ, hoạt động sản xuất ì ạch và chi tiêu sụt giảm.

Hôm Thứ Hai, Evergrande – nơi đang cố tái cơ cấu khoản nợ hơn $340 tỷ – bắt đầu tiếp tục giao dịch tại Hong Kong sau khi cổ phiếu của họ bị đình chỉ 17 tháng. Sự trở lại thị trường chứng khoán của Evergrande chỉ cho thấy họ nhanh chóng mất $2.2 tỷ, tương đương gần 80% giá trị thị trường. Vụ vỡ nợ của Bích Quế Viên có thể làm tổn thất nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc (so với vụ sập tiệm của Evergrande), với những tác động lan rộng đến nhiều lĩnh vực, từ các dự án xây dựng mới, giá cả vật liệu xây dựng đến chi tiêu tiêu dùng và ngân hàng.

Từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế được gọi là “ba ranh giới đỏ” để hạn chế số nợ mà các nhà đầu tư-kinh doanh bất động sản có thể gánh chịu. Khi thị trường nhà ở tiếp tục suy thoái, giới chức trách đã phản đối việc cứu các công ty hoặc hỗ trợ thị trường bằng những biện pháp kích cầu như họ từng làm trong những đợt suy thoái trước đây. Thay vào đó, chính quyền khuyến khích các ngân hàng cho người mua nhà vay nhiều hơn, nới lỏng các quy định thế chấp và kéo dài thời gian giảm thuế. Cho đến nay, điều đó vẫn chưa đủ để cứu thị trường bất động sản, khi giá nhà tiếp tục giảm, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ.

Những biến động thị trường bất động sản lẫn gánh nợ chồng chất của Bích Quế Viên khiến giá trị tài sản của bà trùm Dương Huệ Nghiên bị mất khoảng ½. Có rất ít thông tin về bà Dương Huệ Nghiên, chỉ biết bà từng học Đại học bang Ohio và trở về Trung Quốc ngay sau khi tốt nghiệp. Bà hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Theo tờ báo nhà nước China Daily, năm 2006, bà kết hôn với con trai một quan chức cấp cao.

Cách đây chưa đầy hai năm, gia sản của bà Dương Huệ Nghiên ước tính $30 tỷ nhưng tài sản của bà đã giảm hơn một nửa chỉ trong vài tháng, sau khi Bích Quế Viên tìm cách huy động tiền mặt bằng cách bán cổ phiếu chiết khấu vào năm ngoái. Ước tính Bích Quế Viên hiện có gần một triệu ngôi nhà cần hoàn thiện, nhưng trong một tuyên bố gửi Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, họ cho biết họ đã “kiệt sức”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: