Cấm WeChat, ông Trump “cắt cầu” nối Trung Quốc với thế giới

H.C.

Tổng thống Donald Trump hôm qua 6-8 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi giao dịch với tập đoàn Tencent, chủ sở hữu mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Báo The New York Times ví hành động này như là nhắm mục tiêu vào cây cầu nối Trung Quốc với thế giới. WeChat là gì, có vai trò gì trong chiến lược chinh phục thế giới của Bắc Kinh?

Ở Trung Quốc, WeChat làm nhiều việc hơn một ứng dụng trên điện thoại. Người ta dùng WeChat để trò chuyện, mua sắm, chia sẻ hình ảnh, trả hóa đơn, đọc tin tức và chuyển tiền.

Do mạng internet của Trung Quốc gần như bị cô lập sau bức tường lửa, với nhiều bộ lọc và cảm biến, mỗi ứng dụng của nước này phát hành ra quốc tế đều là một trong số ít những nhịp cầu kết nối Trung Quốc với thế giới. Ứng dụng WeChat là cách để các du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài trò chuyện với gia đình, người Trung Quốc di cư ra nước ngoài giữ mối liên hệ với họ hàng ở quê nhà và cộng đồng Hoa kiều chia sẻ hình ảnh, tin tức…

Giờ đây, nhịp cầu đó sắp gãy đổ.

Hôm thứ Năm 06-08, chính phủ của Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh có thể buộc ứng dụng quan trọng nhất của Trung Quốc phải bị xóa khỏi các “tiệm nhu liệu” như AppStore của Apple và Google Play của Google trên khắp thế giới, và ngăn cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty mẹ của WeChat là tập đoàn Tencent Trung Quốc.

Bắt đầu có hiệu lực sau 45 ngày nữa, sắc lệnh có thể chặn đứng đà phát triển của một mạng xã hội thành công nhất của Trung Quốc, với hơn 1,2 tỷ người sử dụng mỗi tháng. Việc ngăn chặn WeChat sẽ chấm dứt hàng triệu cuộc trò chuyện giữa các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, thân nhân gia đình và bạn bè. Hơn thế nữa, lệnh cấm có thể khởi sự một chương mới trong cuộc đối đầu ngày càng sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về tương lai của công nghệ.

Cấm WeChat, cùng với lệnh cấm TikTok – một ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc, thuộc sở hữu của công ty ByteDance – đánh dấu một bước thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc, cũng có thể coi là Trung Quốc lãnh cú “gậy ông đập lưng ông”.

Nhiều năm trước Bắc Kinh đưa ra quan niệm về “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” cho rằng, chính phủ một nước có toàn quyền kiểm soát và xử lý thông tin trên mạng internet và các nền tảng truyền tải thông tin trên mạng internet của nước đó. Với quan niệm như vậy, từ lâu Trung Quốc chơi trò lá mặt lá trái, một mặt cấm các công ty Mỹ như Facebook, Twitter, Google hoạt động ở Trung Quốc, một mặt khuyến khích và tài trợ để các công ty Trung Quốc Tencent và ByteDance mở rộng hoạt động khắp thế giới. Bây giờ, nếu WeChat, TikTok bị cấm, nhịp cầu ra thế giới của Trung Quốc bị gãy, trước tiên trách nhiệm thuộc về Trung Quốc, Bắc Kinh bị trúng đòn hồi mã thương, vì họ đã tự cô lập với thế giới bên ngoài trong không gian mạng.

Ở Trung Quốc, WeChat của Tencent không chỉ là một phần của cuộc sống thường ngày mà còn là một công cụ quan trọng để nhà nước toàn trị kiểm soát xã hội và suy nghĩ của mọi người dân. Ứng dụng này bị kiểm duyệt rất chặt, bị giám sát ngặt nghèo bởi một lực lượng công an mạng đông đảo và nhiều quyền lực. TikTok thì không hoạt động ở Trung Quốc, nhưng nó có một “người anh em” chỉ dành cho người Trung Quốc là ứng dụng “Douyin” (Đấu Âm), cũng thuộc sở hữu của công ty ByteDance.

Ngoài biên giới Trung Quốc, WeChat trở thành một kênh tuyên truyền của Bắc Kinh. An ninh Trung Quốc thường sử dụng WeChat để đe dọa và làm im tiếng những người Trung Quốc hải ngoại có ý định phản kháng, kể cả những người Duy Ngô Nhĩ thiểu số sống lưu vong đang cố nâng cao nhận thức của mọi người về tình trạng đàn áp khốc liệt đối với đồng bào họ ở miền tây Trung Quốc.

Từ những đặc điểm như vậy, việc chính phủ Mỹ cấm WeChat, tuy muộn màng, nhưng cần thiết.

Tuy vậy, chính sách nào cũng có mặt chưa được. Bà Sheena Greitens, phó giáo sư Đại học Texas ở Austin cho rằng, sắc lệnh của tổng thống gây khó khăn nhiều hơn cho việc giao tiếp trực tiếp với người dân thường ở Trung Quốc và mâu thuẫn với những mục tiêu khác của chính phủ là duy trì sự cởi mở và các mối quan hệ thân thiện với người dân Trung Quốc.

Những người Trung Quốc ở hải ngoại, nó cắt đứt hoặc hạn chế việc liên lạc với người thân.

May Han, một người Mỹ gốc Hoa sang Mỹ cùng gia đình khi mới lên 9 tuổi và hiện đang theo học ngành môi trường ở Đại học California San Diego nói rằng WeChat là chất keo văn hóa gắn kết các cộng đồng Hoa kiều. Tuy đến Mỹ từ khi còn nhỏ nhưng cô vẫn dùng WeChat để trò chuyện hàng ngày với hơn 350 bạn bè và thân nhân, nhiều người trong số đó đang sống ở Trung Quốc. “Nếu chúng tôi không thể dùng WeChat, mối liên hệ của chúng tôi với Trung Quốc sẽ giảm sút hoặc thậm chí biến mất,” cô Han nói. Và cô cho rằng, sắc lệnh cấm WeChat của chính phủ Mỹ có thể là vi hiến, là vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. “Ông Trump đang vi phạm quyền của chúng tôi được nối kết với gia đình và bạn bè,” cô Han nói.

Đối với giới kinh doanh sắc lệnh cấm WeChat có thể ảnh hưởng tới nhiều giao dịch giữa các công ty Mỹ với tập đoàn Tencent, hoặc bị cấm sử dụng một kênh thông tin về thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Đi xa hơn, sắc lệnh của Tòa Bạch ốc có thể ngăn chặn Tencent mua các linh kiện, thiết bị cho máy chủ (server) từ các công ty Mỹ để vận hành mạng WeChat. Theo ông David Dai – nhà phân tích của công ty nghiên cứu đầu tư Sanford C. Bernstein tại Hong Kong, nếu Tencent dùng các máy chủ này để vận hành các sản phẩm và dịch vụ Internet khác nữa thì hàng loạt hoạt động kinh doanh của Tencent sẽ bị ảnh hưởng. Đây là “kịch bản tồi tệ nhất cho Tencent”, ông Dai viết trong thông báo nghiên cứu gửi khách hàng hôm nay thứ Sáu 7-8.

Nhà đầu tư vốn nhạy cảm với các thông tin như vậy nên hôm nay giá cổ phiếu của tập đoàn Tencent trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã giảm gần 6%, làm bốc hơi khoảng 36 tỷ đô la Mỹ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Vương Văn Bân) gọi sắc lệnh của tổng thống Hoa Kỳ là “hành động bá quyền trắng trợn”. “Lấy cớ an ninh quốc gia, Hoa Kỳ thường xuyên lạm dụng sức mạnh của quốc gia và đàn áp một cách vô lý các doanh nghiệp liên quan,” ông Vương nói.

Xưa nay, các doanh nghiệp Trung Quốc như Tencent, ByteDance liên tục mở rộng hoạt động ở nước ngoài mà không gặp khó khăn gì một phần vì chính phủ Hoa Kỳ theo nguyên tắc tự do, dân chủ và không kiểm duyệt hoặc hạn chế thông tin như chế độ toàn trị ở Trung Quốc. Điều đó nay đang thay đổi, theo bà Yaqiu Wang (Vương Á Thu), nhà nghiên cứu của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch). Bà Vương cho rằng các sắc lệnh của Tổng thống Trump “chẳng đáng kể gì” so với tường lửa Great Firewall của Trung Quốc, và các mối lo ngại về vai trò của WeChat trong các xã hội dân chủ là có thật.

“Chính phủ Trung Quốc có khả năng thông qua mạng WeChat để kiểm soát một phần đáng kể thông tin mà người Trung Quốc hải ngoại nhận được, kể cả bên ngoài Trung Quốc. Điều có có thể có những tác động chính trị nội bộ thật sự, khi nhiều thành viên của cộng đồng Hoa kiều cũng là những cử tri ở các quốc gia mà họ nhập cư và đang, hoặc có thể, bị huy động vào hoạt động chính trị,” bà Vương nói thêm.

(dựa theo bài của Paul Mozur và Raymond Zhong trong The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: