Con mèo nguy hiểm nhất trên internet Trung Quốc

Làm thế nào một tài khoản Twitter với hình đại diện con mèo lại được xem là nguy hiểm nhất đối với chính quyền Bắc Kinh?
Avatar Twitter của “Lý lão sư”

Con mèo “Lý lão sư”

Trong các cuộc biểu tình chưa từng có càn quét Trung Quốc (TQ) vào cuối tháng trước khiến đặt ra thách thức lớn nhất đối với lãnh đạo Tập Cận Bình kể từ khi ông ta lên nắm quyền, có một thứ gây chú ý đặc biệt: Một tài khoản Twitter có hình đại diện là một con mèo. Khi người dân TQ xuống đường để đòi quyền tự do nhiều hơn và chấm dứt các hạn chế liên quan Covid-19, tài khoản Twitter “Giáo viên Li không phải là thầy giáo của bạn” (李老师不是你老师Lý lão sư bất thị nễ lão sư) đã tweet nhanh chóng và rộng rãi các cuộc biểu tình, cung cấp cho cộng đồng mạng cái nhìn hiếm hoi về “cuộc nổi dậy dân sự” lớn nhất TQ từ nhiều thập niên sau sự kiện Thiên An Môn.

_____________

Trang Twitter của “Lý lão sư”

_____________

Dù bên trong TQ, video, hình ảnh về các cuộc biểu tình bị kiểm duyệt nghiêm ngặt nhưng những người tham gia, nhân chứng và những ai biết cách vượt qua tường lửa sẽ gửi chúng cho “Giáo viên Li”, nhân vật đã trở thành nguồn thông tin quan trọng cho người dân TQ và trên thế giới.

Trong góc một phòng khách ở Ý, Li – một họa sĩ 30 tuổi – đã dành phần lớn thời gian để dán mắt vào màn hình theo dõi cuộc biểu tình đòi tự do cách xa hàng ngàn dặm, rồi Li đăng lại để người gửi không bị chính phủ TQ phát hiện. Thông qua Li, những tiếng nói bất đồng ẩn danh đã hội tụ lại trên một sân chơi chung và được lan toả khắp thế giới. Li nhận được hàng ngàn thư mỗi ngày, và hàng chục mỗi giây vào lúc cao điểm chống đối.

Số người theo dõi anh tăng gấp bốn lần trong hai tuần, đạt trên 800,000! Các nhà báo, nhà quan sát và nhà hoạt động theo dõi chặt chẽ nguồn cấp dữ liệu của Li và một số bài đăng của anh được phát sóng truyền hình khắp thế giới. Khi nguồn cung cấp dữ liệu của Li phát triển nhanh, bộ máy an ninh TQ chuyên truy đuổi những người biểu tình bằng giám sát, đe dọa và giam giữ bắt đầu chú ý đến anh. Cách nay hơn tuần, Li đang tweet thì nhận được cuộc gọi điện thoại đầy lo lắng từ cha mẹ ở miền đông TQ báo cho biết cảnh sát lại vừa “ghé thăm” họ.

Đến Ý năm 2016 để học nghệ thuật, Li nói với cha mẹ anh không làm việc cho bất kỳ ai và không liên quan đến tiền bạc. Người cha van xin con mình “hãy ra ngay khỏi bờ vực” và ngừng đăng bài. Anh trả lời: “Con không thể tháo lui vào lúc này, đừng lo lắng cho con vì con nghĩ mình không làm gì sai cả!”.

李老师不是你老师 – Lý lão sư bất thị nễ lão sư

Giọt nước tràn ly

Cha của Li biết thế nào là “đứng về phía sai trong chính trị” tại TQ và hậu quả của nó. Sinh vào năm 1949 và có cha (ông nội của Li)  là một sĩ quan quân đội Quốc dân đảng, ông bị bức hại vì tội “phản cách mạng” dưới thời kỳ đầy biến động của Mao Trạch Đông. Ở tuổi thiếu niên, không thể chịu đựng được ngược đãi, cha của Li trốn đến vùng đồi núi miền Nam TQ và tìm được việc làm trong một nhà máy.

Nửa năm sau khi xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa càn quét suốt hai thập niên 1960 và 1970, ông được vào đại học với tư cách sinh viên giai cấp “công-nông-binh” (được nhận vào không phải vì thành tích học tập mà vì lý lịch giai cấp) và khi tốt nghiệp mỹ thuật được ở lại giảng dạy. Kể từ cuộc đàn áp dã man các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989, lời khuyên “Đừng động đến chính trị!” đã trở thành câu thần chú đối với một thế hệ người TQ. Cha của Li không là ngoại lệ.

Khi Trung Quốc tập trung vào tăng trưởng kinh tế, một “khế ước xã hội” bất thành văn được ký kết, buộc mọi người từ bỏ các quyền tự do chính trị để đổi lấy sự bình an, sinh kế và không bị ai quấy rầy. Nhưng dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình, thỏa thuận ngầm đó ngày càng bấp bênh. Chính sách “zero-Covid” của Tập đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, cản trở tăng trưởng kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên mức cao kỷ lục. Chương trình nghị sự độc đoán của Tập cũng tăng cường kiểm duyệt, thắt chặt kiểm soát ý thức hệ và bóp nghẹt các quyền tự do cá nhân ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập niên.

“Người TQ không còn quan tâm đến chính trị, nhưng chính trị cứ xâm nhập vào cuộc sống của họ. Họ cho rằng có một con voi trong phòng, và con voi đang lớn dần, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người – Li giải thích – Đó là nguyên nhân gây ra bùng nổ bất đồng chính kiến”.

Người ghi lại một chương của lịch sử

Li tự mô tả là người bị thủy triều “đẩy đi”, “được chọn” tình cờ để ghi lại một chương quan trọng của lịch sử TQ. “Tôi là người từng vẽ và viết nguệch ngoạc những câu chuyện tình yêu – Li viết gửi tới giới chức TQ ngày 28 Tháng Mười Một – Tôi không thuộc về những gì đang diễn ra. Nhưng chính việc kiểm soát quá nghiêm khắc quyền tự do ngôn luận của các người đã khiến tôi trở thành chính mình như hiện nay!”.

Li sẽ không có mặt trên Twitter (chưa nói đến việc trở thành một trong những tài khoản tiếng Hoa có ảnh hưởng nhất) nếu sự kiểm duyệt không quá ngột ngạt trên Weibo (Twitter của TQ). Anh là một trong những người dùng Weibo sớm nhất, từ năm 2010. “Tôi may mắn được tham gia vào sân chơi này lúc nó còn khá tự do – anh nói – Các trí thức cấp tiến, luật sư, nhà báo và các nhà bình luận có ảnh hưởng thường tham gia thảo luận các vấn đề xã hội thời sự, và đôi khi họ đưa ra những lời chỉ trích gay gắt hoặc chế giễu các quan chức”.

Nhờ internet, Li mới biết luật sư nhân quyền Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) và họa sĩ bất đồng chính kiến ​​Ngải Vị Vị (Ai Weiwei). Chính họ đã tác động đến quan điểm chính trị của anh. Đây là bước chuyển mạnh vì lúc còn bé Li thích tự xếp mình vào nhóm những người trẻ theo chủ nghĩa dân tộc, không khoan nhượng. Thậm chí có lúc anh nghi những câu chuyện thống khổ người cha kể lại là không có thực. Đến năm 2012, Li bắt đầu chỉ trích xã hội nhiều hơn.

Năm 19 tuổi, anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại một phòng trưng bày ở phía Đông thành phố Tế Nam và đặt tên buổi triển lãm là “Picasso at the Circus” để “chế nhạo xã hội giống như một rạp xiếc đầy những con vật ngộ nghĩnh”. Nhưng thời gian tự do tương đối trên tại TQ qua rất nhanh. Kiểm duyệt bắt đầu thắt chặt trước khi Tập lên nắm quyền. Quyền tự do ngôn luận không còn nữa và các nhà bình luận thẳng thắn bị bắt và truy tố ngày càng nhiều.

Người dân nhiều thành phố Trung Quốc xuống đường biểu tình và lập ra những điểm tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng oan ức trong vụ hỏa hoạn làm ít nhất 10 người chết ở Tân Cương. Họ cho rằng biện pháp phong tỏa “không COVID” đã khiến các nạn nhân không thể thoát ra khỏi đám cháy. Ảnh một điểm thắp nến tưởng niệm ở Bắc Kinh tối 27-11-2022. Ảnh Kevin Frayer / Getty Images

“Tao biết mày là ai và tao sẽ giết mày”

Sự hạn chế và đàn áp trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch Covid. Trên Weibo, vô số tài khoản bị cấm vì lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau, từ nữ quyền đến chính sách “zero- Covid”. Đầu năm nay, Li đã mất 52 tài khoản trong vòng hai tháng! “Tài khoản của tôi thường chỉ tồn tại từ bốn đến năm giờ. Kỷ lục ngắn nhất là… 10 phút! – Li nói – Chúng chết nhanh như nghệ thuật trình diễn”.

Anh mất tài khoản Weibo cuối cùng khi đăng lại bức ảnh một cô gái Duy Ngô Nhĩ 15 tuổi đang bị giam. Sau khi sử dụng hết mọi cách để tạo tài khoản Weibo mới nhưng không thành công, Li chuyển sang dùng Twitter. Anh nói: “Cảm giác đầu tiên là thật sự tự do vì bạn không còn cần phải sử dụng các từ viết tắt hoặc mã hoá nó nữa!” (Trên mạng xã hội TQ, mọi người đã quen dùng những từ “mã hóa” để tránh bị kiểm duyệt. Ví dụ “zf” có nghĩa là chính phủ, “zy” có nghĩa là tự do. Còn Tập Cận Bình được gọi đơn giản là “anh ấy” hoặc “người đàn ông đó”. Ai viết thẳng “Tập Cận Bình” sẽ bị kiểm duyệt ngay lập tức và hậu quả có thể rất tồi tệ).

Đến ngày 26 Tháng Mười Một, khi Li nhìn thấy trong hộp thư đến Twitter của mình một video cho thấy đám đông can đảm hô vang “Tập Cận Bình, hãy từ chức!” trên đường phố Thượng Hải, bất chấp sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát, anh gần như chết lặng. “Chúng tôi thậm chí không dám thảo luận về ông ta trên internet nên không thể tưởng tượng được một khẩu hiệu như thế đã được hô vang trên đường phố. Lập tức tôi tự nhủ nếu họ dám hét lên thì tôi cũng nên đủ can đảm để lan truyền. Vì vậy, tôi đã viết nó ra từng chữ trong một bài đăng trên Twitter” – Li nói.

Trong số hàng ngàn tin nhắn trực tiếp mà Li nhận được trong hộp thư Twitter của mình có cả những đe dọa giết người. “Tôi nhận được rất nhiều lời quấy rối nặc danh dọa ‘tao biết mày là ai, mày đang sống ở đâu và tao sẽ giết mày’.

Đầu Tháng Mười Hai 2022, Trung Quốc đã nới lỏng lệnh phong tỏa và người dân được phép đến những địa điểm công cộng, như một cách tháo ngòi nổ phản đối dữ dội của người dân (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Đến tuần đầu tiên của Tháng Mười Hai, biểu tình đã lắng xuống. Một số người biểu tình nhận được điện thoại từ cảnh sát cảnh báo không được xuống đường nữa; những người khác bị thẩm vấn; và một số bị giam giữ. Nhưng TQ đã khác chỉ sau một đêm. Thay đổi chính sách “zero-Covid” mang lại niềm vui và cả nỗi sợ hãi tiềm tàng nhưng đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính phủ đang chia tay với một chính sách hà khắc mất lòng dân.

Giống như nhiều người biểu tình, Li sẽ tiếp tục đối mặt những hậu quả. Anh đã không trở về nhà từ năm 2019 do lệnh hạn chế biên giới của TQ và giá vé máy bay tăng chóng mặt. Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong nước đã làm dấy lên hy vọng TQ đang tiến một bước gần hơn đến việc mở cửa biên giới nhưng có thể Li sẽ không bao giờ được quy cố hương. Nhưng Li tự hào về hình đại diện trên Twitter của mình: Hình vẽ nguệch ngoạc một con mèo mướp. “Con mèo bây giờ được cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới biết đến. Nhưng đồng thời, nó cũng trở thành con mèo nguy hiểm nhất trên internet TQ” – anh nói, dẫn lại từ CNN.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: