Apple đã lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc (TQ) trong chiến lược đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng để thúc đẩy tăng trưởng khi TQ để lộ những hạn chế không thể vượt qua.
Covide-19 là giọt nước tràn ly
Apple Inc. đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài TQ. Apple yêu cầu các công ty có năng lực nhanh chóng lập kế hoạch lắp ráp các sản phẩm của Apple tại những nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam khi công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy của Đài Loan mà tập đoàn Foxconn Technology Group là đầu tầu.
Theo Ming-chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, chuyên theo dõi các chuỗi cung ứng, mục tiêu dài hạn của Apple là sản xuất 40%-45% iPhone tại Ấn Độ, so với dưới 9% hiện nay. Còn Việt Nam sẽ đảm nhận thêm các sản phẩm khác của Apple như AirPods, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay. Chính sự hỗn loạn trong hơn một tháng trở lại đây tại “Thành phố iPhone” (Phone City) nằm trong thành phố Trịnh Châu đã giúp thúc đẩy sự ra đi của Apple.
Wall Street Journal cho biết, “siêu nhà máy” Trịnh Châu của Foxconn có tới 300,000 công nhân chuyên lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Có lúc, nó xuất xưởng 85% chiếc iPhone Pro. Trịnh Châu bị ảnh hưởng nặng nề vào cuối Tháng Mười Một khi nổ ra cuộc biểu tình bạo lực chống phong tỏa. Trong các video đăng trực tuyến, người ta có thể thấy các công nhân bức xúc về tiền lương và các hạn chế do Covid-19 đã ném đồ vật và hét lớn “Hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi của bạn!” trước đội ngũ cảnh sát chống bạo động.
Theo các nhà phân tích, biến động này khiến Apple không còn cảm thấy thoải mái khi có quá nhiều hoạt động kinh doanh của hãng bị lệ thuộc vào một nhà máy. Alan Yeung, cựu Giám đốc điều hành tại Mỹ của Foxconn, giải thích: “Trước đây, mọi người không chú ý đến rủi ro của việc quá tập trung này vì thương mại tự do là tiêu chuẩn toàn cầu và không có nhiều bấp bênh, nhưng nay chúng ta đã bước vào một thế giới khác”. Những người tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple cho biết ngay cả hai công ty TQ đang chuẩn bị có thêm hoạt động kinh doanh với Apple là Luxshare Precision Industry Co. và Wingtech Technology Co cũng gặp khó khăn.
Một cuộc hôn nhân từng gắn bó
Apple và TQ đã trải qua nhiều thập niên gắn bó trong một mối quan hệ mà cho đến nay cả hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang diễn ra, được thúc đẩy bởi hai nguyên nhân đe dọa sức mạnh kinh tế TQ. Thứ nhất, một số thanh niên TQ không còn háo hức làm việc với mức lương khiêm tốn để lắp ráp đồ điện tử cho những kẻ giàu có; thứ hai họ bất mãn với cách tiếp cận Covid-19 hà khắc của Bắc Kinh.
Từ năm năm nay, căng thẳng kinh tế và quân sự giữa Mỹ và TQ đã gia tăng dưới thời chính quyền Trump và Biden (Mỹ áp thuế đối với hàng hóa TQ, cùng các tranh chấp khác) khi TQ tìm cách mở rộng nhanh sức mạnh quân sự và kinh tế. Các giám đốc điều hành của Apple đã biết từ lâu về nguy cơ tập trung quá nhiều vào TQ, nhưng nhiều năm qua họ đã làm rất ít để giảm bớt rủi ro.
Foxconn trụ sở tại Đài Loan, dưới sự điều hành của người sáng lập Quách Đài Minh (Terry Gou) đã trở thành một mắt xích quan trọng kết nối Apple ở California và các nhà máy lắp ráp iPhone ở TQ. Các nhà quản lý Foxconn cùng chung ngôn ngữ và văn hóa với công nhân đại lục. Pegatron Corp, một công ty khác có trụ sở tại Đài Loan, đóng vai trò tương tự Foxconn nhưng nhỏ hơn. Cả chính quyền Bắc Kinh và chính quyền các địa phương khác như tỉnh Hà Nam, nơi đặt nhà máy Trịnh Châu, luôn nhiệt tình hỗ trợ Apple, vừa để tạo việc làm cho người dân vừa giúp tăng trưởng kinh tế.
Ngay lúc này, khi luận điệu chống Mỹ ngày càng gay gắt hơn từ Bắc Kinh về các vấn đề như Đài Loan và nhân quyền thì sự ủng hộ đó vẫn mạnh mẽ. Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ trong một video ngày 20 Tháng Mười Một đã ca ngợi nhà máy Trịnh Châu “trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra hơn một triệu việc làm tại địa phương”.
Năm 2019, Foxconn xuất khẩu số thành phẩm trị giá khoảng $32 tỷ ra nước ngoài từ Trịnh Châu. Năm 2021, Foxconn chiếm 3.9% tổng giá trị xuất khẩu của TQ. “Sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ đã mang lại cảm giác an toàn cho Apple, cũng như cho các chuỗi cung ứng khác của thế giới” – video của Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh. Tuy nhiên, những từ “có cánh” như thế nghe có vẻ vô nghĩa đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ khi các biện pháp chống Covid nghiêm ngặt của chính phủ TQ đã cản trở sản xuất và làm cho người lao động bất an.
Một cuộc khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-TQ năm nay cho thấy niềm tin của các công ty Mỹ vào TQ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với khoảng 1/4 số người được hỏi cho biết đã chuyển ít nhất một phần chuỗi cung ứng khỏi TQ trong năm qua. Để tiếp tục hoạt động song song với phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ, nhà máy Trịnh Châu phải áp dụng phương án công nhân ở lại nhà máy và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Foxconn cho niêm phong các khu vực hút thuốc, tắt máy bán hàng tự động và đóng cửa các phòng ăn (công nhân mang thức ăn về cư xá cách nửa giờ đi bộ). Nhiều người bỏ trốn bằng cách nhảy qua hàng rào và đi bộ dọc các đường cao tốc để trở về quê hương. Đến Tháng Mười Một, các chính sách về đại dịch và tranh chấp tiền lương càng làm tăng thêm sự bất bình của người lao động. Một số đụng độ với cảnh sát và nhiều cửa kính bị đập vỡ. Những lao động trẻ bỏ việc lên mạng xã hội than phiền mức lương $5 hoặc ít hơn một giờ không đủ bù đắp cho một công việc đã tẻ nhạt lại thêm căng thẳng do Covid-19.
Ấn Độ và Việt Nam
Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities nhận xét: “Chính sách Covid-19 của TQ là một cú đấm mạnh vào chuỗi cung ứng của Apple, là giọt nước tràn ly đối với việc hoạt động sản xuất Apple ở TQ”. Các lô hàng iPhone trong Quý 4 năm nay có thể chỉ đạt khoảng 70-75 triệu chiếc, tức thấp hơn 10 triệu so với dự đoán trước khi xảy ra hỗn loạn ở Trịnh Châu. “Các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max cao cấp nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Số công nhân rời nhà máy Trịnh Châu ước tính lên đến hàng chục ngàn nên nhà máy chỉ hoạt động 20% công suất trong Tháng Mười Một (dự kiến sẽ tăng 30%-40% trong Tháng Mười Hai).
Một dấu hiệu tích cực đến khi chính quyền Trịnh Châu quyết định dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa. Một giám đốc của Foxconn cho biết hàng trăm công nhân đã được huy động để di chuyển máy móc và linh kiện bằng xe tải và máy bay từ Trịnh Châu đến Thâm Quyến cách đó 1,000 dặm ở miền Nam, nơi Foxconn có các nhà máy chính khác để bù đắp phần nào sản lượng. Foxconn cũng dùng tiền để thu hút công nhân quay lại và ở lại một thời gian. Một trong những ưu đãi là tiền thưởng lên tới $1,800 trong Tháng Một cho những công nhân nào làm việc toàn thời gian từ đầu Tháng Mười Một hoặc sớm hơn. Những người đồng ý bỏ thuốc lá nhận được $1,400.
Ấn Độ và Việt Nam cũng có những thách thức riêng. Dan Panzica, cựu Giám đốc điều hành của Foxconn nhận xét: “Ngành sản xuất của Việt Nam phát triển nhanh nhưng lại thiếu công nhân. Việt Nam có 100 triệu dân, chưa bằng 1/10 dân số TQ nên chỉ có thể mở các nhà máy có khoảng 60,000 công nhân chứ không thể hàng trăm ngàn người như Trịnh Châu. Ấn Độ và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm sản xuất điện thoại cao cấp qui mô lớn. Không nơi nào khác có thể làm được như Trịnh Châu.
Ấn Độ có dân số gần bằng TQ nhưng sự tham gia của hai chính phủ không giống nhau. Apple đã gặp khó khăn tại Ấn Độ vì mỗi bang lại điều hành khác nhau và chính quyền khu vực buộc các công ty phải thực hiện các nghĩa vụ trước khi cho phép họ sản xuất ở đó. Ấn Độ là “miền Tây hoang dã” về các quy tắc thiếu nhất quán và khó khăn đối với cả việc đưa vào và lấy ra một sản phẩm. Bất luận thế nào, Apple vẫn phải tìm nhiều nơi khác để thay thế nhà máy ở Trịnh Châu. Công ty sẽ phải mở rộng và chia nhỏ thành nhiều nhà máy thay vì một siêu nhà máy như ở Trịnh Châu.