Dịch Covid-19: Lan nhanh ra ngoài Trung Quốc

Cập nhật tình hình dịch ngày 22-02-2020

H.C.

Số trường hợp nhiễm virus corona tăng phi mã ở Nam Hàn, số tử vong lên cao ở Iran, virus phát tán mà không rõ nguồn gốc… đang làm dấy lên nguy cơ một đại dịch toàn cầu khi cánh cửa cơ hội để ngăn dịch đang dần khép lại, theo WHO.

Trung Quốc: bắt đầu nới lỏng kiểm soát?

Sáng nay Chủ nhật 23-02 giờ Bắc Kinh, tỉnh Hồ Bắc công bố có 630 trường hợp mới nhiễm virus corona và 93 người tử vong trong 24 giờ qua. Hôm nay cũng tròn một tháng thành phố Vũ Hán thủ phủ của tỉnh bị phong tỏa hoàn toàn, và số nạn nhân của dịch Covid-19 ở Hồ Bắc đã tăng lên không ngừng; toàn tỉnh có 64.048 người nhiễm bệnh và 2.346 người tử vong kể từ khi dịch bùng phát tháng 12 năm ngoái; trong đó có 64.209 ca nhiễm mới trong thời gian bị phong tỏa.

Hôm nay toàn Trung Quốc có thêm 648 ca nhiễm mới và 97 người chết, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 76.936 người, số tử vong lên 2.442 người.

Dịch Covid-19 đã lan ra 28 quốc gia, với hơn 1.500 ca bệnh bên ngoài Trung Quốc. Đã có nhiều trường hợp lây nhiễm ở Hoa Kỳ, Italy, Iran và Các tiểu vương quốc Arab (UAE). Iran trở thành quốc gia có số người tử vong nhiều nhất ngoài Trung Quốc. Bên ngoài Trung Quốc lục địa đã có 20 người tử vong; gồm Nhật Bản (3 người chết), Nam Hàn (4 người), Hong Kong (2), Ý (2), Iran (6), Đài Loan (1), Pháp (1), Phi Luật Tân (1).

Tuy dịch Covid-19 ở Trung Quốc diễn biến phức tạp nhưng một số tỉnh thành của nước này đã bắt đầu khởi động lại việc sản xuất ở các nhà máy, nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại sau khi không ghi nhận thêm trường hợp mới nhiễm bệnh nào trong vài ngày gần đây. Hai tỉnh Liêu Ninh và Cam Túc đã bắt đầu hạ thấp các biện pháp khẩn cấp; hai thành phố ở tỉnh Thiểm Tây đã phục hồi dịch vụ xe bus, tháo dỡ các chốt kiểm soát ở các nhà ga, trạm xe bus và trên một số tuyến xa lộ.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Trung Quốc nói rằng, tình hình đang được cải thiện nhưng thách thức vẫn rất nghiêm trọng và không nên vội nới lỏng những biện pháp ngăn chặn nạn dịch.

Nam Hàn: Phong tỏa thành phố Daegu

Tối thứ Bảy, Nam Hàn báo cáo có thêm 123 trường hợp nhiễm bệnh; cùng với 229 trường hợp báo cáo vào buổi sáng đã đưa số người nhiễm virus corona ở Nam Hàn lên 556 người với bốn người tử vong. Sự gia tăng nhanh chóng số người nhiễm cũng làm tăng mối lo âu có thêm một quốc gia châu Á thất bại trong việc kiểm soát dịch trong lúc cửa cơ hội tránh một đại dịch toàn cầu đang khép lại. Thủ tướng Nam Hàn Chung Sye-kin nói tình hình nước ông là “rất nghiêm trọng” (grave).

Trong một bài diễn văn truyền hình, Thủ tướng Chung nói: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc mọi hành động can thiệp vào nỗ lực kiểm dịch của chính phủ hoặc gây hoang mang trong nhân dân”. Ông cũng thúc giục người dân Nam Hàn không đầu cơ tích trữ khẩu trang và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác.

Hơn một nửa số trường hợp nhiễm virus corona ở Nam Hàn là thành viên của một giáo phái bí mật có tên Shincheonji Church of Jesus và thân nhân của họ. Ở Daegu, thành phố lớn thứ tư của Nam Hàn và tỉnh lân cận nơi các thành viên của giáo phái này hoạt động, đã có 352 người được xác định dương tính với virus corona. Hơn 1.250 thành viên của giáo phái báo cáo có những triệu chứng viêm phổi và chính quyền đang truy tìm hơn 700 thành viên khác để kiểm tra sức khỏe.

Các khu dân cư gần trụ sở của giáo phái ở thành phố Daegu đã bị phong tỏa, trở thành “những khu phố ma”. Tất cả ngân hàng, quán café, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi đều đã đóng cửa. Khắp thành phố 2,5 triệu dân này gần như tất cả siêu thị, trung tâm mua sắm và chợ đều vắng khách hàng. Những địa điểm duy nhất có đông người tụ tập hơn bình thường là các trung tâm y tế của nhà nước, nơi người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm xem mình có bị nhiễm virus hay không.

Busan, thành phố lớn thứ hai của Nam Hàn cũng đã đóng cửa các thư viện công cộng, sàn đua ngựa và các khu giải trí cho người cao niên. Nhiều nhà thờ cũng đóng cửa và thực hiện nghi thức cầu nguyện trực tuyến để hạn chế giáo dân tụ tập. Busan ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm thứ Sáu 21-02.

Hãng tin nhà nước Yonhap tường thuật, người dân đã mua sạch gạo, mì ăn liền, trứng và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong các siêu thị ở Chuncheon và Ulsan – hai thành phố này mới báo cáo ca nhiễm bệnh đầu tiên vào hôm nay thứ Bảy.

Samsung, nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, đã đóng cửa một nhà máy lắp ráp gần thành phố Cheongdo sau khi một công nhân được xét nghiệm dương tính với virus. Nhà máy dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào thứ Hai tới, nhưng phân xưởng nơi người công nhân này làm việc vẫn tiếp tục đóng cửa.

Israel cấm du khách Nam Hàn

Liên quan tới dịch Covid-19 ở Nam Hàn, một nỗi hoảng sợ đang bao trùm Israel khi có tin chín du khách Nam Hàn trong một đoàn tour hành hương Thiên chúa giáo La Mã, sau khi trải qua một tuần tham quan các thánh địa đông đúc ở Israel trở về đã được xét nghiệm dương tính với virus corona.

Báo Haaretz cho biết, đoàn hành hương này có 77 người, tham quan Israel từ ngày 08-02 tới ngày 15-02; đã đến các thánh địa và điểm du lịch ở Netanya, Caesaria, Nazareth, Biển Galilee, Biển Chết, Beersheva, Hebron và Jeruslem. Đặc biệt đoàn đã thăm viếng các thánh địa lúc nào cũng đông đúc du khách như Hầm mộ các Trưởng lão ở Hebron và Mộ Chúa ở Jerusalem. Nếu du khách trong đoàn bị nhiễm virus corona trước khi đến Israel thì sự lây lan sẽ hết sức khủng khiếp.  

Vài tiếng đồng hồ sau khi nhận được tin xấu, chính quyền Israel đã ra lệnh cấm tất cả người Nam Hàn nhập cảnh và tiến hành cuộc điều tra dịch tễ để tìm ra tất cả những người đã tiếp xúc với đoàn hành hương này. Hai mươi nhân viên Cục Công viên Israel và hai nhân viên khách sạn ở Biển Chết từng tiếp túc với đoàn khách đã được cách ly để kiểm dịch.

Hành khách trên một chuyến bay của hãng Korean Air dự kiến đáp xuống phi trường Ben Gurion của Israel lúc 19:00 thứ Bảy, giờ địa phương, đã có lệnh cấm nhập cảnh, hãng tin Ynet cho biết. Ngày mai Chủ nhật, chính phủ Israel sẽ họp để thảo luận xem có nên cho phép các tuyến bay nới Nam Hàn với Israel tiếp tục hoạt động hay không.

Bộ trưởng Y tế Israel đã ra lệnh đình chỉ ngay lập tức tất cả các tour tham quan của du khách Nam Hàn tại Israel, theo đài phát thanh Kan. Các quan chức y tế đang phối hợp với bộ du lịch và các công ty lữ hành để sắp xếp chuyến bay trở về Nam Hàn cho khoảng 1.700 du khách nước này đang có mặt tại Israel.  

Trước đây, từ ngày 30-01, Israel đã đình chỉ mọi chuyến bay nối Israel với Trung Quốc để chặn sự lây lan của virus corona.

Iran: số tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc

Đến hôm nay Iran ghi nhận đã có sáu trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 và 28 trường hợp nhiễm virus corona dù mới hôm thứ Ba 18-02 nước này chưa ghi nhận được trường hợp nhiễm bệnh nào, biến Iran thành quốc gia có số người chết vì dịch cao nhất ngoài Trung Quốc. Iran cũng là nước đầu tiên ở Trung Đông báo cáo có bệnh nhân tử vong vì dịch Covid-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bác sĩ Tedros A. Ghebreyesus nói rằng WHO „đặc biệt lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm bệnh ở Cộng hòa Hồi giáo Iran“ vì tính chất bất thường và khó hiểu của hiện tượng.

Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh ở Iran tập trung ở thành phố thánh địa Qom, khoảng 80 dặm phía nam thủ đô Tehran. Cũng có những ca nhiễm ở Tehran và thành phố Rasht ở miền bắc.

Số tử vong cao cho thấy virus corona đã lây lan rất rộng ở Iran. Nếu tỷ lệ tử vong của dịch Covid-19 là 2% số người nhiễm bệnh như ghi nhận của các bác sĩ Trung Quốc thì số người bị nhiễm bệnh ở Iran ít nhất phải là 300 người.

Đã có một số trường hợp du khách từ Iran được xét nghiệm dương tính với virus corona xuất hiện ở Canada và Lebanon; và hôm thứ Bảy, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) cũng báo cáo có hai du khách Iran nhiễm virus, đưa số người bệnh ở UAE lên 13 trường hợp.

Báo chí Iran cho biết các trường đại học ở 10 tỉnh thành phố sẽ đóng cửa một tuần; tất cả trường học ở thủ đô Tehran đều đóng cửa; các buổi hòa nhạc, rạp chiếu bóng và các sự kiện văn hóa trên khắp cả nước đều đóng cửa hoặc hủy bỏ.

Ở nước Kuwait lân cận, hãng Kuwait Airways hôm nay thông báo sẽ di tản khoảng 700 công dân Kuwait về nước từ thành phố Mashhad của Iran.

Italy: 2 ca tử vong

Chính quyền một số địa phương của Ý, như Lombardy và Veneto quyết định đóng cửa các trường học, cơ sở kinh dooanh và nhà hàng, hủy bỏ các sự kiện thể thao và cả các thánh lễ ở nhà thờ. Hàng trăm người dân có tiếp xúc với 79 người được xác định nhiễm virus corona ở Ý đang được cách ly chờ kết quả xét nghiệm. Cho tới nay Ý đã có hai trường hợp tử vong vì dịch Covid-19.

Nga đổ tội cho Mỹ gây ra dịch Covid-19

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hàng ngàn tài khoản mạng xã hội có liên hệ với Nga đang phát tán tin giả về virus conona, kể cả một thuyết âm mưu nói rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau vụ bùng nổ dịch Covid-19.

Các công ty an ninh mạng của Mỹ đã phát hiện vụ phát tán tin giả này từ giữa tháng 01-2020, theo một bản tin phát đi hôm nay của hãng tin Pháp AFP.

Philip Reeker, quyền trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách châu Âu và vùng Á Âu cho biết: “Ý đồ của Nga là gieo rắc sự bất hòa và xói mòn các định chế, các liên minh của Mỹ từ bên trong, kể cả thông qua các chiến dịch gây ảnh hưởng một cách lén lút và cưỡng bức.”

“Bằng việc phát tán tin giả về virus corona, các điệp viên thâm hiểm của Nga một lần nữa chọn cách đe dọa sự an toàn của công chúng bằng cách thu hút sự chú ý ra khỏi công cuộc ứng phó với dịch của y tế toàn cầu,” ông Reeker nói.

Có hàng ngàn tài khoản trên các mạng xã hội Instagram, Facebook và Twitter đăng tải những thông điệp gần giống nhau, vào cùng một thời điểm và bằng nhiều thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ý.

Tin giả về virus corona – dù được quảng bá một cách cố ý hay chia sẻ một cách vô tình – đã lan tràn tới mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải gọi đó là “dịch thông tin” (infodemic). WHO cho biết đang làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn để cố gắng chặn đứng cơn lũ tin đồn và thông tin xuyên tạc.

WHO đến Vũ Hán, lo ngại cho châu Phi

Một đội chuyên gia của WHO đã đến thành phố Vũ Hán – nơi khởi phát dịch Covid-19 sau khi đã thị sát tình hình dịch tại Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Quảng Đông.

Tổng giám đốc WHO, bác sĩ Tedros khẳng định thông tin trên vào sáng thứ Bảy 22-02 tại buổi nói chuyện với các quan chức châu Phi tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ. Ông Tedros thúc giục các chính quyền châu Phi phải chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp lây nhiễm trên châu lục này.

Cho đến nay, châu Phi chỉ ghi nhận một trường hợp nhiễm virus corona ở Ai Cập, song các quan chức y tế cảnh báo rằng dịch sẽ rất trầm trọng ở các quốc gia mà hệ thống y tế bị quá tải. WHO xác định châu Phi có 13 quốc gia ưu tiên vì những nước này có liên hệ trực tiếp tới Trung Quốc, có đông công nhân Trung Quốc hoặc nhiều người đi tới Trung Quốc buôn bán.

Cho tới nay WHO cho biết đã đào tạo trực tuyến cho 11.000 nhân viên y tế châu Phi về ứng phó với virus corona. Vấn đề trang thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm cho châu Phi vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải.

Châu Phi là vùng đất gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc trong hai thập niên qua nên có khả năng sẽ bị dịch Covid-19 tàn phá. Hiện châu Phi có rất đông công nhân và người lao động Trung Quốc đến làm việc và sinh sống. Năm 2018 có tới 81.000 người châu Phi học tập và làm việc ở Trung Quốc; riêng tại thành phố “tâm dịch” Vũ Hán đã có tới 4.600 công dân và sinh viên các nước châu Phi.

Một số quốc gia châu Phi như Ma-rốc, Mauritius và Ai Cập đã di tản công dân khỏi Trung Quốc, nhưng một số nước khác như Kenya thì không.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: