Dịch Covid-19: Tập hoàng đế mượn đầu!

HIẾU CHÂN

Khi đại dịch cúm Vũ Hán bùng phát và lan nhanh như cháy rừng, ở Trung Quốc nổi lên nhiều luồng dư luận khác nhau về ai phải chịu trách nhiệm chính về nạn dịch, đặc biệt là vai trò của chính phủ trung ương ở Bắc Kinh và của ông Tập Cận Bình.

Báo chí hôm thứ Tư 12-02 loan tin hai quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc – phụ trách tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát rồi lan ra toàn cầu – vừa bị cách chức và được thay thế bởi các quan chức từ Thượng Hải và Sơn Đông.

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) và bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang), cho tới nay, là các quan chức chính trị cao cấp nhất bị cách chức. Vài hôm trước đó, Bắc Kinh cũng đã cách chức hai quan chức phụ trách ngành y tế của thành phố Vũ Hán, trong một động thái xoa dịu cơn phẫn nộ của người dân đang chịu đựng bao khốn khổ của nạn dịch.

Chắc chắn các quan chức nói trên đã không làm tròn trách nhiệm người lãnh đạo các địa phương Vũ Hán và Hồ Bắc khi nạn dịch thế kỷ bùng ra; việc mất chức của họ không có gì oan ức, nếu không muốn nói, giá như còn chút tự trọng thì họ đã phải tự nguyện từ chức rất lâu rồi. Tiếc rằng, trách nhiệm và từ chức là những từ ngữ không có trong vốn từ vựng của người cộng sản.

*

Nhưng động thái quy tội cho cấp địa phương phải chăng còn nhằm vớt vát thể diện cho các lãnh đạo cao cấp ở trung ương, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đàng kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc? Trong tình hình nước sôi lửa bỏng của nạn dịch, ông Tập có những quãng thời gian vắng mặt một cách khó hiểu; lần đầu tiên ông phát biểu công khai về nạn dịch là vào ngày 20-01-2020, khi dịch đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: ông Tập được biết tin về nạn dịch vào khi nào? Có phải cấp tỉnh thành đã không báo cáo cho ông đầy đủ thông tin về dịch? Có phải ông nắm được đầy đủ thông tin nhưng không nhận ra tính chất nguy cấp của tình hình, không có những giải pháp chính sách phù hợp để ngăn chặn virus trước khi nó phát tán mạnh? Ông nắm được tình hình, đề ra chính sách nhưng “trên bảo dưới không nghe”, cấp tỉnh thành không thực hiện đúng ý ông và nạn dịch bùng phát?… Câu trả lời, dù thế nào, cũng cho thấy sự bất lực của hệ thống quản trị quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bôi một vết nhơ lên hình ảnh ông chủ tịch vạn năng “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” mà truyền thông Trung Quốc ra sức tô vẽ suốt nhiều năm qua.

*

Câu trả lời mới được hé lộ gần đây. Bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) – tờ báo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – số ra ngày thứ Bảy 15-02 đăng một bài diễn văn của ông Tập xác nhận ông Tập biết tin về nạn dịch khá sớm. Bài diễn văn đọc tại một phiên họp của Bộ Chính trị – cơ quan lãnh đạo chóp bu của Đảng – ngày 03-02, trong đó ông Tập cho biết, tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 07-01-2020 ông đã có chỉ thị sơ bộ về việc phòng chống dịch, nghĩa là ông đã có thông tin về sự bùng phát dịch trước ngày 07-01-2020. Lưu ý rằng dịch viêm phổi xuất hiện ở Vũ Hán từ đầu tháng 12 năm ngoái, và các bác sĩ ở đó đã cảnh báo từ cuối tháng 12, đến ngày 03-01 thì bác sĩ Lý Văn Lượng bị công an bắt. Ông Tập rất có thể đã nhận được thông tin trước hoặc cùng thời điểm bác sĩ Lý cảnh báo.

Việc công khai thông tin ông Tập biết và chỉ đạo cấp dưới chống dịch từ ngày 07-01 xác nhận ông Tập đảm nhận vai trò chỉ huy cuộc chống dịch sớm hơn rất nhiều so với lần phát biểu công khai đầu tiên của ông về bệnh dịch vào ngày 20-01. Hành động công khai thông tin này còn chứng tỏ ông Tập mới là người chỉ huy chống dịch – trái với lời đồn đại rằng trong vụ khủng hoảng này ông nấp phía sau và để cho người khác – cụ thể là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – đứng mũi chịu sào.

Tuy nhiên, việc khẳng định ông Tập chỉ huy chống dịch từ sớm lại dẫn tới nhiều thắc mắc khác.

*

Trong bài diễn văn, ông Tập không nói rõ vào ngày 07-01 ông đã chỉ đạo những gì nhưng các quan chức lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán sau ngày đó vẫn tiếp tục coi nhẹ mối nguy cơ của dịch và tiếp tục trấn áp những tiếng nói cảnh báo người dân về mối nguy hiểm cận kề. Từ ngày 07-01 đến ngày 20-01 – thời điểm ông Tập công khai phát biểu lần đầu tiên về dịch viêm phổi và ra chỉ thị “kiên quyết chống dịch” – đảng bộ Vũ Hán và Hồ Bắc đã có hai kỳ họp đảng bộ và chỉ tập trung vào các hoạt động “mừng đảng mừng xuân” như tổ chức một bữa tiệc cộng đồng với 50.000 gia đình tham gia để lập kỷ lục Guiness. Trong thời gian này đã có khoảng 5 triệu người trong số 11 triệu cư dân Vũ Hán đã rời thành phố, về quê ăn tết hoặc đi du lịch khắp nơi – nhiều người mang theo trong cơ thể con virus corona quái ác.

Rất có thể chỉ thị của ông Tập ngày 07-01 chỉ là một chỉ thị sáo rỗng và đầy khẩu hiệu như thông lệ, thiếu các biện pháp cụ thể và cương quyết để cấp dưới phải thực hiện. Và cũng rất có thể bản thân ông Tập khi ấy chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của nạn dịch để đưa ra giải pháp cấp bách.

Phải đến ngày 20-01-2020, khi bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán đã trở thành dịch, virus lây lan từ người sang người, đã phát tán khắp 32 tỉnh thành Trung Quốc và xuất hiện ở nhiều nước châu Á, Bắc Mỹ, ông Tập Cận Bình mới nhận ra tính chất nguy cấp của tình hình và “quay ngoắt” 180 độ, đưa ra những biện pháp cứng rắn bất ngờ.

Bài diễn văn trên báo Cầu Thị cho biết, vào ngày 20-01, ông Tập “yêu cầu rõ ràng tỉnh Hồ Bắc phải thực hiện sự kiểm soát nghiêm ngặt và toàn diện việc di chuyển ra khỏi địa phương”; hai ngày sau đó ông ra lệnh “phong tỏa” thành phố Vũ Hán và một số thành phố khác “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 23-01. Chính sách phong tỏa này có hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh hay không, có cần thiết không hay chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm là chuyện các nhà chuyên môn còn tranh cãi, nhưng ai cũng thừa nhận nó ra đời quá muộn, khi “thời gian vàng” để ngăn chặn sự phát tán của virus đã trôi qua.

*

Lật lại quá trình bùng phát dịch và ứng phó của Chủ tịch Tập Cận Bình như trên để thấy Trung Quốc thực sự lúng túng trong thời gian đầu phát hiện virus, và thay vì công khai thông tin để người dân đề phòng, chế độ toàn trị đã sử dụng bạo lực để dập tắt những tiếng nói cảnh báo của giới chuyên môn. Sự lúng túng và bạo lực đó không chỉ là “tội” của các lãnh đạo địa phương mà của chính phủ Bắc Kinh, cụ thể là của ông Tập Cận Bình. Ông Tập sớm biết về virus corona chủng mới, sớm đảm nhận vai trò chỉ huy cao nhất của cuộc chống dịch nhưng đã ứng xử sai lầm khiến nạn dịch vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trách nhiệm cao nhất như vậy thuộc về Tập Cận Bình! Rải rác trên mạng xã hội Trung Quốc đã có những lời kêu gọi ông Tập từ chức, bởi vì “ông không đủ khôn ngoan!” như lời nhà hoạt động nhân quyền vừa bị bắt Từ Chí Dũng.

Khi nỗi tức giận của người dân Trung Quốc dâng cao tiếp theo cái chết uất ức của bác sĩ Lý Văn Lượng, ông Tập đã diễn lại trò “Tào Tháo mượn thủ cấp Vương Hậu” trong truyện Tam Quốc chí, đổ vấy trách nhiệm và cách chức một số quan chức Đảng cấp tỉnh, thay vào đó là những tay chân thân tín của mình. Cách đổ vấy tội lỗi cho cấp dưới như vậy không hiếm thấy trong xã hội cộng sản: “Mất mùa là tại thiên tai / Được mùa là bởi thiên tài đảng ta!”

Ông Tập Cận Bình nợ người dân Trung Quốc và thế giới một lời xin lỗi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: