Five Eyes: Nhiều bằng chứng Trung Quốc giấu dịch

HIẾU CHÂN

Các quan chức chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc che giấu quy mô của dịch coronavirus – và cách truyền nhiễm của dịch – để thu gom và đầu cơ trang bị y tế cần có để phòng chống dịch. Một hồ sơ tình báo của liên minh Five Eyes cũng khẳng định Trung Quốc che giấu thông tin, hủy hoại chứng cứ về dịch khiến thế giới mất cảnh giác và thiệt hại nặng.

DHS: Trung Quốc giấu dịch để đầu cơ trang bị y tế

Hãng tin Associated Press (AP) có được một phúc trình của cơ quan tình báo Bộ An ninh nội địa (DHS) dài bốn trang đề ngày 01-05, nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “cố ý che giấu tính nghiêm trọng” của đại dịch trước thế giới trong những ngày đầu tháng 01-2020.

Không xếp loại tài liệu mật mà chỉ đóng dấu “chỉ dùng trong chính quyền”, phúc trình của DHS nói rằng, trong khi đánh giá thấp tính nguy hiểm của coronavirus, Trung Quốc gia tăng nhập cảng và giảm xuất cảng các trang bị y tế. Trung Quốc cố che đậy việc làm đó bằng cách “phủ nhận có những hạn chế về xuất cảng, ngăn cản hay trì hoãn việc cung cấp dữ kiện thương mại”.

Phúc trình cũng nói Trung Quốc không thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng coronavirus chủng mới “là một bệnh truyền nhiễm” trong suốt tháng 01-2020 để Bắc Kinh có thể mua gom và nhập cảng trang bị y tế từ ngoại quốc – lượng khẩu trang, mặt nạ, găng tay và quần áo dùng trong phòng mổ mà Trung Quốc mua về đã gia tăng rất nhiều.

Nhận định của DHS được đưa ra vào lúc chính phủ của Tổng thống Donald Trump gia tăng phê phán Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi một số cơ quan truyền thông của Úc và Mỹ tường thuật một hồ sơ dài 15 trang của Liên minh tình báo Five Eyes vạch trần những âm mưu và thủ đoạn của chính quyền Bắc Kinh che giấu sự bùng phát của dịch, gây nguy hại cho toàn thế giới. Liên minh Five Eyes bao gồm các tổ chức tình báo quốc gia của năm nước nói tiếng Anh là Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Úc và Tân Tây Lan.

Five Eyes: Trung Quốc bưng bít thông tin, hủy chứng cứ về virus

Dù chưa xác định có phải coronavirus phát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không nhưng tập hồ sơ dài 15 trang của Liên minh Tình báo Five Eyes, được báo The Australian Daily Telegraph tường thuật chi tiết ngày 01-05 vừa qua đã khẳng định chắc chắn chính quyền Bắc Kinh đã làm mọi biện pháp để che giấu đại dịch, lừa dối cả thế giới trong một thời gian dài.

Hồ sơ của Five Eyes tập trung phân tích các hành động của chính phủ Trung Quốc trong thời gian đầu phát dịch. Một số hành động như thế đã bị báo chí vạch trần trong thời gian qua.

Viện nghiên cứu virus Vũ Hán ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Đáng chú ý là hồ sơ trình bày khá chi tiết về Viện nghiên cứu virus Vũ Hán ở Trung Quốc, các nhà khoa học của viện này được đào tạo tại Úc trở về và công việc của họ trong lĩnh vực nghiên cứu các chủng coronavirus gây bệnh đường hô hấp.

Hồ sơ trích công trình của nhóm các nhà khoa học của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán do nhà khoa học Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) dẫn đầu, nghiên cứu các mẫu coronavirus ở loài dơi trong các hang động ở tỉnh Vân Nam rồi tổng hợp ra một chủng coronavirus mới không thể phòng ngừa được, không chữa được. Các chủng virus này có cấu trúc gene giống một cách đáng kinh ngạc với chủng coronavirus gây đại dịch cúm Vũ Hán.

Nhưng phần chính của hồ sơ phân tích hành động của chính phủ Trung Quốc “phủ nhận một cách nguy hiểm sự truyền nhiễm từ người sang người”, bịt miệng các bác sĩ và nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, tiêu hủy các chứng cứ về virus trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu gene và “thanh trùng các quầy hàng trong chợ động vật hoang dã” cùng với việc từ chối cung cấp mẫu virus sống cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu bào chế vaccine.

Hồ sơ của Five Eyes còn đưa ra một biểu thời gian (key dates) về đại dịch và ứng phó của Trung Quốc, kể từ ngày 09-11-2015 khi Viện nghiên cứu Vũ Hán công bố tạo ra được một chủng coronavirus mới trong phòng thí nghiệm, cho đến ngày 17-04 năm nay khi đại dịch lên đến đỉnh điểm tại Mỹ, qua nhiều sự kiện. Hồ sơ tập trung vào các động thái che giấu dịch và bưng bít thông tin của Trung Quốc từ ngày 06-12 năm ngoái, khi ca bệnh đầu tiên vì coronavirus được ghi  nhận cho đến ngày 24-01, khi Trung Quốc cấm Viện virus Vũ Hán chia sẻ mẫu virus với Đại học Texas, Mỹ, đơn vị tài trợ và cộng tác với Viện Vũ Hán trong một số dự án nghiên cứu.

Những phân tích của giới tình báo Five Eyes có thể là cơ sở để các chính trị gia Mỹ càng lúc càng lên án Trung Quốc mạnh mẽ, yêu cầu điều tra quốc tế, thậm chí đòi Bắc Kinh phải bồi thường.

Có nên lên án Trung Quốc?

Ngoại trưởng Mike Pompeo: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch phát xuất từ phòng thí nghiệm Vũ Hán”.

Sáng nay Chủ nhật 03-05, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói trên đài ABC News và sau đó trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao rằng “Trung Quốc có một lịch sử gây bệnh truyền nhiễm cho thế giới, họ có một lịch sử vận hành các phòng thí nghiệm dưới chuẩn”. “Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thấy cả thế giới bị lây nhiễm virus, là kết quả của những thất bại trong một phòng thí nghiệm Trung Quốc,” ông Pompeo nói, và khẳng định, “có một số lượng đáng kể bằng chứng cho thấy đại dịch khởi đầu từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán” và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của đại dịch và phải bị điều tra. Trước khi làm bộ trưởng trong chính phủ, ông Pompeo phụ trách Cơ quan Tình báo trung ương CIA.

Tổng thống Trump sáng nay lại đổ lỗi cho các quan chức tình báo Mỹ đã không cảnh báo sớm cho ông về đại dịch coronavirus và những tác động tiềm ẩn của nó. Trước đây ông Trump đã phỏng đoán rằng Trung Quốc có thể đã “phát tán” coronavirus do một “lỗi lầm” kinh khủng nào đó. Các cơ quan tình báo thì nói họ vẫn đang xem xét ý kiến mà tổng thống và các phụ tá của ông đưa ra, rằng đại dịch cúm Vũ Hán có thể đã khởi đầu từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Những người phê phán chính phủ Mỹ nói rằng, sở dĩ đại dịch tàn phá nước Mỹ khủng khiếp như hiện nay là do chính quyền phản ứng chậm chạp và không tương ứng. Các đối thủ chính trị của ông Trump cho rằng ông mạnh tay với Trung Quốc – một đối thủ địa chính trị nhưng đồng thời là một đối tác làm ăn quan trọng của Mỹ – là một cố gắng nhằm tránh né sự phê phán ở trong nước. Bắc Kinh tỏ ra ủng hộ lập luận này, song các thông tin tình báo ngày càng cho thấy sự lên án Trung Quốc là có cơ sở, thậm chí cần tố cáo mạnh mẽ hơn nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: