Khi nền kinh tế thứ hai thế giới chứng kiến cảnh “lên bờ xuống ruộng”

Có đến 2.76 triệu lao động công nghệ “rời bỏ công việc đang làm” trong Tháng Ba (ảnh: AN MING/Future Publishing via Getty Images)

Việc sa thải hàng loạt nhân viên tại các công ty công nghệ tư nhân đang trở thành vấn đề đau đầu đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi diễn ra Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cú đòn chí tử

Khu vực công nghệ khổng lồ của Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay. Ngành công nghiệp xe hơi từng được xem là nguồn cung cấp việc làm nhận lương cao suốt một thời gian dài, nhưng nay các công ty lớn phải cắt giảm lao động với quy mô chưa từng thấy, trong khi đảng cộng sản cầm quyền tiếp tục đàn áp doanh nghiệp tư nhân.

Việc sa thải nhân viên diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với số ca Covid-19 tăng mạnh, thị trường nhà đất sụt giảm và căng thẳng địa chính trị. Làn sóng sa thải đe dọa trở thành vấn đề đau đầu đối với ông Tập, vốn đặt ổn định kinh tế và xã hội lên ưu tiên hàng đầu trong năm đại hội. Chính phủ Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp chung vẫn ổn định, giao động trong khoảng 5% đến 5.5% trong những tháng gần đây. Không có số liệu chính thức về số người mất việc trong lĩnh vực công nghệ tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy việc làm đang bị mất đi trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt công nghệ. Theo Lagou, một trong những trang web tuyển dụng công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã có đến 2.76 triệu lao động công nghệ “rời bỏ công việc đang làm” trong Tháng Ba, nhiều hơn 260,000 so với Tháng Mười Hai và 60,000 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đa số mất việc tại các thành phố lớn Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải. Nghiên cứu của Tongdao Liepin, một trang web tuyển dụng lớn khác, cho thấy khoảng 57% công ty Trung Quốc được khảo sát vào Tháng Một đã sa thải từ 10% đến 50% lực lượng lao động trong năm ngoái. Những người mất việc tập trung ở ba khu vực giáo dục, bất động sản và các ngành liên quan đến internet.

Tình hình càng phức tạp khi năm nay sẽ có ​số kỷ lục 10.76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm, thường là trong công nghệ, khu vực được xem là đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm mới, đặc biệt đối với lao động trẻ, có trình độ học vấn tốt. Công nghệ có vai trò quan trọng giúp tăng trưởng tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc. Theo thống kê của chính phủ, lương công nghệ cao hơn lương trung bình khoảng 80%. Chính phủ Trung Quốc cho biết nền kinh tế kỹ thuật số gồm công nghệ thông tin, viễn thông và internet sử dụng gần 200 triệu người, cả lao động hợp đồng, lao động chính thức và chiếm khoảng 1/4 tổng lực lượng lao động cả nước.

Trung Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách “zero-Covid”; trong ảnh là một góc đường phố Thượng Hải ngày 31 Tháng Ba 2022 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Ai tham gia làn sóng sa thải?

Trong khi những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không công khai số nhân viên cắt giảm, gần đây, một số phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin về kế hoạch sa thải lượng lớn nhân viên tại các công ty lớn. Đầu tháng này, Reuters cho biết hai tập đoàn khổng lồ công nghệ Alibaba và Tencent chuẩn bị cắt giảm hàng chục ngàn việc làm trong năm nay. Alibaba cắt hơn 15% lực lượng lao động, tương đương 39,000 công nhân; trong khi Tencent giảm từ 10% đến 15% nhân sự ở một số đơn vị chủ chốt. JD.com cũng có kế hoạch sa thải từ 10% đến 15% lao động tại công ty con Jingxi.

George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, nhận định: “Nếu Alibaba và Tencent cắt 10-15% lao động, chúng tôi có thể chắc chắn nhiều nền tảng internet khác và liên quan đến công nghệ cũng sẽ cắt nhân viên để giảm chi phí. Công nghệ và những gì liên quan đến nó là một trong những lĩnh vực việc làm tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều năm; vì vậy, chỉ cần cắt giảm 5% việc làm đã là một cú sốc lớn đối với khu vực này, đánh vào ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc là việc làm”.

Làn sóng sa thải lao động công nghệ đánh dấu một bước ngoặt lớn kể từ khi Bắc Kinh khởi động một chiến dịch chưa từng có để kiềm chế những gã khổng lồ internet vào Tháng Mười Một 2020, bắt đầu bằng việc rút IPO bom tấn của Ant Group ra khỏi thị trường chứng khoán. 18 tháng sau đó, cơ quan quản lý chứng khoán của chính phủ Trung Quốc đưa các ngành từ công nghệ, tài chính đến trò chơi, giải trí, giáo dục tư nhân vào tầm ngắm.

Alibaba, Tencent và Pinduoduo đều báo cáo tình hình tồi tệ trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của họ giảm một nửa, làm bốc hơi $1.2 ngàn tỷ tổng giá trị thị trường. Các công ty công nghệ kỹ thuật số cũng buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp đáng kể. New Oriental Education, công ty dạy kèm tư nhân lớn nhất Trung Quốc, phải sa thải 60,000 nhân viên vào năm ngoái khi Bắc Kinh tiến hành “chấn chỉnh” lĩnh vực kinh doanh này.

Sẽ bớt xiết quản lý?

Giới quản lý Trung Quốc thường phê phán các doanh nghiệp tư nhân đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo và các vấn nạn kinh tế xã hội gây mất ổn định. Năm ngoái, ông Tập tuyên bố sẽ phân phối lại của cải trong nước, viện dẫn mục tiêu “thịnh vượng chung là điều tối quan trọng để Đảng Cộng sản duy trì quyền lực”. Nhưng thực tế có vẻ đang đi theo hướng khác.

Sự biến động trong khu vực công nghệ là một thách thức đáng kể cho Tập khi ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba năm năm nữa tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 vào mùa Thu này. Phải duy trì được ổn định, Tập mới có thể tiến hành một số chương trình nghị sự ấp ủ. Nhưng nếu kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể, sẽ có phản ứng dữ dội của người dân.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do nước này phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid mới, cách tiếp cận không khoan nhượng với coronavirus và tăng giá hàng hóa do Nga xâm lược Ukraine. Dư luận Trung Quốc bắt đầu phản ứng với chính sách của Tập. New York Times cho biết, sau khi tờ Quang Minh nhật báo đăng một bài bình luận về việc chính phủ kiên trì theo đuổi chính sách “zero-Covid”, dẫn đến việc “khóa cửa” khắc nghiệt, người dùng trên mạng xã hội Weibo đã đăng gần 10,000 bình luận, với đa số ý kiến kêu gọi chấm dứt những qui định ngặt nghèo.

Đầu Tháng Ba, chính phủ kéo mục tiêu tăng trưởng năm 2022 xuống còn 5,5%, thấp nhất trong ba thập niên. Tập đang tiến thoái lưỡng nan. Kiềm chế doanh nghiệp tư nhân là để bảo vệ nền kinh tế và công dân khỏi sự bất ổn, nhưng cuộc đàn áp kéo dài 18 tháng đã làm chao đảo các nhà đầu tư công nghệ. Tình trạng mất việc càng tồi tệ hơn vì sự sụt giảm của khu vực công nghệ diễn ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng tài sản và các lĩnh vực liên quan, mà cộng chung chiếm đến 30% GDP Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: