Nếu như học cách gọt cam có thể là quá “kỳ dị” đối với người phương Tây thì tại Trung Quốc (TQ), việc học cầm ly, cầm dao và các thao tác khác tại bàn ăn đã trở thành mốt. Nhiều người hiểu rằng nếu không muốn bị dè bỉu phía sau lưng thì tác phong phải xứng đáng với địa vị mới của mình. Khai thác được tâm lý này, nhiều trường dạy nghệ thuật sống và ứng xử kiểu phương Tây đã ăn nên làm ra tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Trưởng giả học làm sang
Trong một bức ảnh với năm phụ nữ Trung Quốc ngồi thẳng lưng trên ghế, túi xách hàng hiệu để dưới chân và lắng nghe chăm chú nhiếp ảnh gia tạp chí Chinese Tatler chuyên về tác phong chỉ dẫn họ cách tự giới thiệu mình trước công chúng như “một quí bà có văn hóa và lịch lãm”. Ông nói cả về trang điểm, ánh sáng và xương gò má. Căn phòng trang trí bằng giấy dán tường Pierre Frey và những học viên uống trà bằng bộ tách Bernardaud đắt tiền. Mỗi người ghi chép cẩn thận những gì nên làm và không nên làm trước camera, phân biệt đâu là lịch sự đâu là thô lỗ.
Khóa học có tên: “Làm cách nào để thể hiện trước ống kính như một người lịch sự”. Đây chỉ là một trong nhiều khóa học do Viện Sarita (Institute Sarita) tổ chức. Viện là phiên bản hiện đại của các trường chuyên dạy về cách ăn mặc và cư xử xứng hợp với địa vị của những người quyền quí và giàu có ở châu Âu. Nay, châu Âu hầu như không còn loại trường như thế nên nó chuyển sang TQ, nơi có nhiều nhà giàu mới nổi muốn “tẩy phân phèn” để thành sang trọng.
Đặt tại quận Sanlitun (Tam Lý Đồn) sạch đẹp của thủ đô Bắc Kinh, Institute Sarita có cả khóa hướng dẫn nuôi con thành “trẻ nhà giàu”, cách ăn uống tại bàn, cách phát âm các thương hiệu xa xỉ sao cho đúng và nhiều khóa học khác. Bà Sara-Jane Ho, người sáng lập Institute Sarita, cho biết:
“Đa số khách hàng của tôi gặp khó khăn trong ứng xử khi họ bắt đầu giàu lên và có quyền lực; cả khi đi du lịch, công tác nước ngoài và tham dự bữa ăn với đối tác nước ngoài. Họ lúng túng vì không biết phải làm sao cho phù hợp với đẳng cấp mới của mình và che giấu những gì nên che giấu. Họ đến nhờ chúng tôi giúp đỡ để sớm thoát ra khỏi hoàn cảnh này, họ muốn được thoải mái hơn trong giao tiếp sau khi nắm được các nguyên tắc mà những người có địa vị, có của cải nên làm để xứng với đẳng cấp mới của mình. Họ học phép lịch sự, học các động tác trong giao tiếp, ăn uống vì nó đã trở thành mẫu số chung của thế giới người giàu, có địa vị”.
Trang trí phòng làm việc của bà là những đồ nội thất cổ mang từ Pháp qua. Ho từng nghiên cứu về các văn hóa ứng xử tại Viện Institut Villa Pierrefeu ở Thụy Sĩ. Đây là một trong những trường cuối cùng trên thế giới chuyên chỉnh sửa tác phong và hướng dẫn phép lịch sự cho người giàu, người nổi tiếng và con cái họ. Hiện trường của Ho đã thu hút được vài trăm người giàu TQ đến học. Số tỉ phú và triệu phú TQ ngày càng nhiều nhưng văn hóa ứng xử của tuyệt đại đa số người giàu mới vẫn là “văn hóa ao làng, khu phố”.
Trong số học viên các lớp học “trưởng giả học làm sang” có cả quan chức chính phủ, học sinh chuẩn bị ra nước ngoài du học, những phu nhân vừa chân ướt chân ráo gia nhập giới thượng lưu và những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng cùng chung đặc điểm: Có quyền lực, giàu có và muốn được trọng vọng trong tầng lớp mình vừa gia nhập và muốn có thêm các mối quan hệ. Họ là những người đầu tiên lái siêu xe Rolls Royces nhưng cần che giấu quá khứ “phân phèn” và khao khát được học lối sống sang trọng.
Một học viên của Hebbert ở Thượng Hải nói một cách tự tin: “Lần tới đến Milan, chúng tôi sẽ không còn bối rối khi ăn tối tại các nhà hàng sang trọng, nơi mà trong lần đến trước đây tôi thấy xấu hổ khi thấy chồng mình thao tác với dao giống như… dao găm”. Bà đã bỏ ra hai giờ cho khoá học về nghệ thuật tại bàn ăn. Hebbert lấy tiền học phí khoảng $3,243 cho khóa 10 người dạy vào buổi chiều. Khóa học phổ thông nhất của Institute Sarita là dạy làm “chủ tiệc” kéo dài 12 ngày. Ai muốn làm chủ tiệc đúng điệu phải bỏ ra $16,126 cho 12 ngày để học các kỹ năng, từ ăn nói với khách đến dọn bàn thế nào cho lịch lãm, từ bài trí món ăn đến chọn rượu.
Cư xử thiếu văn hóa khi đi du lịch
Những năm gần đây, báo chí TQ đã nói nhiều về thảm họa cư xử thiếu văn hoá, tự nhiên như trong nhà, thiếu tôn trọng người khác, tiêu tiểu, khạc nhổ bừa bãi và ăn nói thô tục của du khách TQ tại nước ngoài.
Trong lần đến thăm đảo quốc Maldives, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đề nghị công dân mình hãy cư xử văn minh hơn khi đi ra nước ngoài. Ông Tập cũng khuyên du khách tránh ăn nhiều mì gói, khi ông nghe là có khách sạn nước ngoài phải cất ấm đun nước vì du khách TQ thích tự nấu ăn trong phòng hơn là ăn tại nhà hàng; đừng vất chai nước bừa bãi. Tác phong và cách hành xử tồi tệ của du khách TQ đã được báo chí thế giới và trong nước phản ảnh. Ví dụ như vẽ bậy lên một bức tượng của ngôi đền 3,500 năm tuổi tại Ai Cập; nâng con cá heo lên để chụp ảnh cho đến lúc nó chết vì thiếu nước (!); hất nước sôi vào một tiếp viên hàng không và sẵn sàng tiểu tiện “lộ thiên” thay vì trả phí sử dụng toilet…
Tình hình tệ đến nỗi Cơ quan Du lịch Quốc gia TQ (CNTA) phải phát hành sách hướng dẫn dày 64 trang nêu rõ những gì người dân không nên làm tại nước ngoài. Chẳng hạn phóng uế trong hồ bơi, đứng lên bồn cầu, khạc nhổ trong xe điện…
“Nhiều người TQ không được cha mẹ hướng dẫn cách ứng xử. Tôi không thấy ai giữ cửa cho phụ nữ bước ra như tại Paris. Họ hầu như không phân biệt được không gian tư và không gian chung. Có lẽ đây là hậu quả của thời kỳ tem phiếu lương thực. Miếng ăn cấp bách khiến người ta không còn quan tâm đến việc tôn trọng sự riêng tư và quyền ưu tiên của người khác” – Yue-Sai Kan, một phát thanh viên truyền hình người Mỹ gốc Hoa nói. Bà là tác giả của cuốn Lịch sự trong thế giới đương đại bán được hơn ba triệu bản tại TQ. Hiện Kan là giảng viên chuyên nghiệp về văn hóa ứng xử và phép lịch sự. Bà hướng dẫn cho cả các thí sinh dự thi làm đại diện của TQ tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.