Mồ ma Hồng vệ binh trỗi dậy, đằng đằng sát khí

Những kẻ ái quốc cực đoan Trung Quốc cáo buộc trà của hãng Nông Phu Sơn Toàn sử dụng hình cờ cá chép truyền thống koinobori của Nhật (weibo)

Khi Cách mạng Văn hóa Trung Quốc bắt đầu vào năm 1966, Hồng vệ binh xung phong đi đầu. Dưới sự kích động của bộ máy tuyên truyền và chủ nghĩa dân tộc, nhằm hỗ trợ Mao Trạch Đông truyền bá mầm mống chủ nghĩa cộng sản, Hồng vệ binh, chủ yếu thanh thiếu niên, một số chỉ mới 14 tuổi, bắt đầu tấn công xã hội lẫn giới tinh hoa, từ lãnh đạo đảng đến giáo viên. Bây giờ, gần 60 năm sau, mồ ma Hồng vệ binh lại trỗi dậy, với khí thế chẳng thua gì thời Mao Trạch Đông.

Thời Mao, Hồng vệ binh được tuyên truyền tiêu diệt “Tứ cựu” (旧思想, 旧文化, 旧风俗, 旧习惯 – Cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục và cựu tập quán). Dù là triết gia Khổng Tử hay nhà lãnh đạo quân sự Lâm Bưu, họ đều bị búa Hồng vệ binh đập tan nát. Thời kỳ hỗn loạn này, dẫn đến các cuộc thanh trừng, đấu tố và thậm chí giết chóc, đã để lại một vết sẹo sâu cho Trung Quốc. Bây giờ, nhiều thập niên sau Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh phiên bản mới đang được hồi sinh, với sự cổ xúy và chủ trương của Tập Cận Bình. Y hệt thời Mao, Hồng vệ binh ngày nay được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc và được dẫn dắt bởi cảm xúc. Họ tấn công mọi thứ, từ một công ty nước ngoài, một nhóm nhạc K-pop hoặc thậm chí một công ty hay nhân vật nào đó trong nước.

Quân đoàn trực tuyến ngày nay chủ yếu là những người sinh sau năm 1980, lớn lên với máy tính, điện thoại và internet. Dù được tiếp xúc nhiều hơn với giáo dục, nhưng chúng cũng cực đoan và hành động ngu muội khi bị tuyên truyền về lòng ái quốc một cách mù quáng và méo mó. Thoát thai từ quân đoàn “Ngũ Mao Đảng” vốn được bộ máy tuyên truyền nhà nước nuôi dạy và trả lương, nhiều thanh niên yêu nước cực đoan ngày nay là “ziganwu” (自干五 – Tự Can Ngũ), có nghĩa chúng không thuộc lực lượng “Ngũ Mao Đảng” chính quy. Chúng hành động tự nguyện mà không cần lương.

Việc Hồng vệ binh thế kỷ 21 tổ chức những cuộc tấn công và tẩy chay thương hiệu nước ngoài (Walmart, Intel, Starbucks, Nike, Burberry, Adidas, Sony, Lotte…) đã là chuyện thường ngày. Điều khác thường và “mới lạ” bây giờ là chúng tấn công cả các tập đoàn và những “đồng chí” tên tuổi trong nước. Một trong những nạn nhân mới nhất của chúng là nhà văn Mạc Ngôn.

Chung Thiểm Thiểm, người sáng lập và là chủ tịch hãng nước giải khát khổng lồ Nông Phu Sơn Toàn (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)
Tông Khánh Hậu (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Không khí đấu tố hiện sôi sùng sục, với chiến dịch tẩy chay tập đoàn nước giải khát nội địa Nông Phu Sơn Toàn (Nongfu Spring, 农夫山泉) của tỷ phú Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan, 钟睒睒). Chiến dịch dựng giàn giá thiêu sống Chung Thiểm Thiểm bắt đầu vào Tháng Hai 2024, sau cái chết của Tông Khánh Hậu (Zong Qingho, 宗庆后) – người sáng lập tập đoàn Hangzhou Wahaha (Hàng Châu Oa Cáp Cáp, 杭州娃哈哈集团有限公司), vốn là đối thủ truyền kiếp của Nông Phu Sơn Toàn.

Thời sinh tiền, Tông Khánh Hậu đại gia nổi tiếng với chính sách không sa thải công nhân, xây dựng hệ thống phúc lợi tốt cho nhân viên, chăm lo cho con cái công nhân và thậm chí trợ cấp nhà ở cho họ. Sau khi Tông đại nhân qua đời, người ta bắt đầu so sánh Chung Thiểm Thiểm với họ Tông, khi đặt ra câu hỏi rằng tại sao Chung không làm được những điều như Tông làm, dù Nông Phu Sơn Toàn hiện là nhà sản xuất nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc và Chung Thiểm Thiểm là người giàu nhất Trung Quốc. Người ta còn moi móc ra nhiều thứ để đánh Chung Thiểm Thiểm, từ việc bao bì sản phẩm của Nông Phu Sơn Toàn có “yếu tố Nhật Bản” đến việc cậu ấm của Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shuzi – Chung Dã Tử, 钟墅子, sinh năm 1988) có quốc tịch Mỹ.

“Chung Dã Tử sẽ thừa kế khối tài sản khổng lồ của cha nó. Nhưng với tư cách là người giàu nhất Trung Quốc trong tương lai, nó lại mang quốc tịch Mỹ. Thật không thể tin được”, dư luận “thắc mắc”. Chưa hết, người ta cũng nhấn mạnh việc các quỹ đầu tư nổi tiếng của Mỹ, trong đó có Vanguard và BlackRock, là cổ đông lớn của Nông Phu Sơn Toàn.

Chiến dịch kêu gọi tẩy chay Nông Phu Sơn Toàn đang tràn lan trên mạng. Trong một video ngắn, người ta thấy một cửa hàng nhỏ thay tất cả nước đóng chai của Nông Phu bằng của Oa Cáp Cáp; một trường hợp khác, một siêu thị trả lại tủ đông Nông Phu cho công ty. Có những video cho thấy cảnh “người tiêu dùng phẫn nộ” đổ nước suối Nông Phu xuống bồn cầu. Có video trên mạng xã hội Douyin nhận được hơn 300,000 lượt thích.

Chiến dịch trực tuyến giáng một đòn mạnh vào giá cổ phiếu Nông Phu. Theo CNN, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của hãng đã mất gần 5% kể từ cuối Tháng Hai, làm “biến mất” khoảng $3 tỷ vốn hóa thị trường. Cá nhân tỷ phú Chung Thiểm Thiểm cũng chứng kiến $2 tỷ bốc hơi khỏi tài sản cá nhân kể từ ngày 1 Tháng Ba 2024, theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg. Bloomberg cho biết, Chung Thiểm Thiểm, người giàu nhất Trung Quốc, hiện có tài sản $64.5 tỷ.

Mới đây, ngày 3 Tháng Ba 2024, trên tài khoản WeChat của công ty, Chung Thiểm Thiểm lên tiếng: “Lợi dụng cái chết của ông Tông Khánh Hậu, rất nhiều vu khống đơm đặt nhằm vào tôi và Nông Phu Sơn Toàn đã xuất hiện trên mạng. Đây chắc chắn không phải là điều mà ông Tông Khánh Hậu muốn thấy”. Tỷ phú Chung kêu gọi cộng đồng mạng đừng để bị “đánh lừa” bởi một số người có ảnh hưởng trực tuyến, dù là “Oa Cáp Cáp hay Nông Phu Sơn Toàn, chúng tôi luôn tập trung vào một chủ trương như nhau: Sản xuất những sản phẩm tốt cho người dân”. Tuy nhiên, bao nhiêu đó tất nhiên không đủ để dập tắt ngọn lửa phừng phừng của đám Hồng vệ binh đời mới.

Đối mặt với làn sóng tẩy chay Nông Phu Sơn Toàn, Chung Thiểm Thiểm đã mất $2 tỷ khỏi tài sản cá nhân kể từ ngày 1 Tháng Ba 2024 (ảnh: Jiang Xin/VCG via Getty Images)

Như những con sói hoang dã, Hồng vệ binh thời nay sử dụng thành thục công cụ mạng xã hội để cắn xé những mục tiêu mà chúng nhắm đến. Tình hình loạn đến mức ngày càng trở nên khó kiểm soát. Thượng tuần Tháng Ba 2024, Nhật báo Chiết Giang, tờ báo chính thức của Đảng ở Chiết Giang, đã kêu gọi cộng đồng mạng ngừng tấn công các doanh nghiệp tư nhân. Chiết Giang là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty tư nhân có ảnh hưởng nhất Trung Quốc, từ Alibaba, Geely Auto đến cả Nông Phu Sơn Toàn và Oa Cáp Cáp.

Sự việc khiến người ta nhớ lại cách đây không lâu, năm 2022, Li Ning, hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất Trung Quốc, đã bị chỉ trích dữ dội khi người tiêu dùng cho rằng có một số thiết kế mới trông giống mũ của lính Nhật thời Thế chiến thứ hai. Cuộc tẩy chay Li Ning đã giáng một đòn mạnh vào doanh số bán hàng và giá cổ phiếu công ty, làm bay sạch $2 tỷ giá trị thị trường của công ty chỉ trong hai ngày. Huawei (Hoa Vi) – một đại diện của tinh hoa công nghệ Trung Quốc – cũng không thoát khỏi búa rìu Hồng vệ binh. Có người đang “tự hỏi” tại sao Huawei đặt tên cho một dòng chip là kirin – một thương hiệu bia lừng lẫy của Nhật…

Yaoyao Dai, giáo sư Đại học North Carolina, chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy Trung Quốc, nhận định (dẫn lại từ The New York Times ngày 26 Tháng Ba 2024): “Dù chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy là những công cụ khá hữu ích nhưng chúng cũng nguy hiểm. Chính phủ (Trung Quốc) cần và nên đóng vai trò là người định hình câu chuyện. Họ không thể trao cho mọi người quyền lực để định hình câu chuyện ai là ‘nhân dân’ và ai là ‘kẻ thù’”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: