Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông (cập nhật)

HKMH USS Nimitz (CVN-68) và USS Ronald Reagan (CVN-76) trên Biển Đông ngày 6-07 vừa qua. Ảnh US Navy Photo

Hiếu Chân

Hoa Kỳ sẽ chính thức bác bỏ việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông Việt Nam, thể hiện một đường lối cứng rắn hơn đối với những nỗ lực của Bắc Kinh áp đặt quyền kiểm soát trên vùng biển có tính chiến lược của thế giới, báo Wall Street Journal (WSJ) tường thuật sáng nay thứ Hai 13-07.

Báo WSJ cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sắp phát hành tuyên bố lập trường của Mỹ, lần đầu tiên chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc viện dẫn cái gọi là “quyền lịch sử” để đòi hỏi quyền sở hữu phần lớn Biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn”, bao trùm 90% diện tích Biển Đông, xâm lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei. Sau khi dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa năm 1974 và bảy đảo đá trong quần đảo Trường Sa từ tay Việt Nam năm 1988, gần đây Trung Quốc ra sức bồi đắp và biến các đảo này thành những căn cứ quân sự lớn. Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng đội tàu đánh cá đông đảo, tàu hải cảnh, tàu thăm dò dầu khí và cả chiến hạm để đe dọa, quấy nhiễu và chèn áp các lân bang; cản trở các hoạt động khai thác hải sản và tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.

Từ trước tới nay Washington vẫn cho rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là phi pháp nhưng đồng thời Mỹ tuyên bố không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Hoa Kỳ gần như chỉ quan tâm tới bảo vệ quyền tự do đi lại, tự do hoạt động của tàu bè và phi cơ trên vùng biển này

Nhưng nay lập trường “không đứng về phe nào” có thể sẽ thay đổi, theo một bản dự thảo tuyên bố của Bộ Ngoại giao mà báo WSJ đọc được. Bản tuyên bố dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần này, đúng dịp kỷ niệm bốn năm ngày Tòa Trọng tài quốc tế (Permanent Court of Arbitration, PCA) ban hành phán quyết bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử và kinh tế” của Trung Quốc, tuyên bố đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là không có cơ sở.

Tòa Trọng tài quốc tế PCA tại Hague, Hòa Lan hoạt động theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) xét xử đơn kiện mà chính phủ Phi Luật Tân đệ nạp năm 2013 kiện chính phủ Trung Quốc vi phạm Luật Biển. Bắc Kinh không tham gia vụ kiện mà cũng không thi hành bản án, ngược lại họ càng liều lĩnh quân sự hóa các hòn đảo đã chiếm được trên Biển Đông. Tuy không phải là một nước phê chuẩn UNCLOS, nhưng Mỹ tán thành phán quyết của tòa PCA và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Thời chính phủ Obama, Mỹ kêu gọi các bên liên quan tôn trọng phán quyết của PCA nhưng cũng nói rằng Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền.

Việc phát hành tuyên bố vào ngày kỷ niệm phán quyết về Biển Đông của PCA cho thấy chính phủ Mỹ rất nhất quán trong chủ trương xử lý các tranh chấp giữa các quốc gia trên căn bản luật pháp quốc tế, không cho phép các nước lớn sử dụng lợi thế về quân sự và kinh tế để chèn ép các nước nhỏ.

Gần đây, Mỹ thường chỉ trích Trung Quốc áp đặt “những yêu sách hàng hải phi pháp” trên Biển Đông; đồng thời Mỹ đẩy mạnh những hoạt động quân sự để chống lại những yêu sách đó. Ngoài những cuộc hành quân tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) do các chiến hạm Mỹ thực hiện gần các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng, mới đây hải quân Mỹ đã đưa hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới tập trận ở Biển Đông – một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất của Mỹ – cùng lúc với cuộc tập trận của Trung Quốc trong khu vực.

Trong bản dự thảo tuyên bố lập trường mà báo WSJ đọc được, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ: “Những yêu sách hàng hải của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa duy nhất và lớn nhất đối với tự do của các vùng biển trong lịch sử hiện đại”. “Chúng tôi không thể chấp nhận quay trở lại một thời kỳ mà các nhà nước như Trung Quốc ra sức áp đặt chủ quyền lên các vùng biển,” dự thảo viết.

Bản dự thảo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án những hành động của Trung Quốc “quấy rối các nước Đông Nam Á đánh cá hoặc khai thác dầu khí trong khu vực, hoặc đơn phương thực hiện những hoạt động như vậy ở khu vực này; và đó là những hoạt động phi pháp”.

Bổ sung và cập nhật:

Vài giờ sau khi bản tin trên đây của Saigon Nhỏ được đăng lên, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức phát hành tuyên bố bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Ngoại trưởng Michael R. Pompeo có bài phát biểu quan trọng về vấn đề này.

“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế quốc hàng hải của mình… Hoa Kỳ đứng cùng với các đồng minh Đông Nam Á và các đối tác để bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi đứng cùng với cộng đồng quốc tế bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi hành động nhằm áp đặt “sức mạnh là lẽ phải” ở Biển Đông hoặc một khu vực rộng lớn hơn,” Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ lập trường trung lập trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, tuyên bố của ông Pompeo có nghĩa là chính phủ Mỹ trong thực tế sẽ đứng về phía Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam –những nước đã chống lại những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển bao quanh các đảo tranh chấp, cá đá ngầm và rạn san hô.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành một ngày sau kỷ niệm bốn năm ngày Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các đá ngầm và bãi cạn kế cận. Trung Quốc không thừa nhận phán quyết và từ chối thi hành, thậm chí còn đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn trong vùng lãnh thổ tranh chấp với Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai những năm gần đây.

Ngoài việc nhắc lại sự ủng hộ phán quyết của Tòa PCA, ông Pompeo còn nói rằng Trung Quốc không thể đòi hỏi chủ quyền hợp pháp đối với bãi ngầm James Shoal gần Mã Lai, vùng biển chung quanh bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam, cụm bãi cạn Luconia gần Brunei và đảo Natuna Besar của Nam Dương. Từ đó, tuyên bố cho biết Hoa Kỳ sẽ coi hành động quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các tàu đánh cá và tàu khai thác dầu khí ở các khu vực này là bất hợp pháp.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: