Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay (thứ Sáu 4-9) cho biết chính phủ Mỹ đang cân nhắc có nên đưa công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu Trung Quốc SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) vào “danh sách đen” (entity list) để cấm vận hay không. Mỹ đã gia tăng việc trừng phạt các công ty Trung Quốc, nhưng quyết định cấm vận SMIC sẽ là một đòn chí mạng giáng vào nền công nghiệp công nghệ cao của nước này.
Nếu như tập đoàn công nghệ Huawei là “quán quân” của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ viễn thông thì SMIC, có trụ sở tại Thượng Hải, là “quán quân” về công nghệ điện tử; chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip điện tử (vi mạch) cho tất cả các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, cả trong quân sự lẫn dân sự.
Nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ đang làm việc với các ngành khác trong chính phủ để quyết định có nên trừng phạt SMIC hay không, có nên buộc các nhà cung cấp thiết bị và phần mềm của Mỹ phải có giấy phép đặc biệt khi bán hàng cho SMIC hay không.
Hồi đầu tuần, Bộ Quốc phòng đã đưa đề nghị trừng phạt SMIC lên một ủy ban chuyên trách các công ty có tên trong “danh sách đen” – một ủy ban liên bộ do Bộ Thương mại phụ trách, có đại diện của các bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Năng lượng nhưng chưa rõ các bộ khác có tán thành đề nghị của quốc phòng hay không.
Chính phủ của Tổng thống Trump thường sử dụng “danh sách đen” này để trừng phạt cung cách làm ăn của các công ty Trung Quốc. Hiện có 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc có tên trong danh sách và bị Mỹ cấm vận, từ các công ty viễn thông như Huawei và ZTE bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, cho đến công ty sản xuất camera giám sát Hikvision vì góp phần đàn áp người thiểu số Uighur.
Sau khi Mỹ siết cắt đứt nguồn cung cấp chip điện tử cho tập đoàn Huawei, chính phủ Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh sự phát triển của SMIC. Một nguồn tin nội bộ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ dành khoảng 100 tỷ đô la để đầu tư cho SMIC trong chương trình khuyến khích sáng tạo bản địa, nhằm đưa công ty này lên ngang tầm hoặc vượt qua đối thủ cạnh tranh là công ty bán dẫn Đài Loan TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) – đơn vị đang dẫn đầu thế giới về sản xuất vi mạch.
TSMC là nhà cung cấp chính các loại vi mạch cho Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc; nhưng TSMC sử dụng linh kiện, thiết bị của các công ty Mỹ như Lam Research, KLA Corp, Applied Materials và phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence Inc – hầu như tất cả các nhà sản xuất vi mạch trên thế giới đều phải sử dụng thiết bị sản xuất chip và công nghệ của các công ty Mỹ. Với biện pháp cấm vận mới đây của Mỹ, TSMC không được phép sản xuất vi mạch cho Huawei nữa, đẩy tập đoàn viễn thông Trung Quốc vào chỗ bế tắc.
Tuy Bộ Quốc phòng Mỹ không nói lý do cần phải cấm vận SMIC nhưng các quan chức cao cấp cho rằng, mối quan hệ giữa công ty này với quân đội Trung Quốc là yếu tố đang được xem xét.
Gần đây chính phủ Mỹ đã nhắm tới các công ty làm việc cho quân đội Trung Quốc và tháng trước đã ra lệnh cấm vận 24 công ty và cá nhân góp phần vào công cuộc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Gần đây Bộ Quốc phòng đã đưa ra hai danh sách các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Danh sách này là căn cứ để Tổng thống Trump ban hành quyết định cấm vận khi cần thiết.