Mỹ rút khỏi Afghanistan, tập trung đối phó Trung Quốc

HIẾU CHÂN

Chính phủ Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban, đặt nền tảng cho việc rút quân khỏi Afghanistan là một bước tiến tới mục tiêu rộng hơn là chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định, theo hãng tin AP ngày 01-03-2020.

Đọc thêm: Afghanistan: hòa bình có trong tầm tay?

Ông Esper muốn quân đội Mỹ phải đi trước một bước so với hai đối thủ Nga và Trung Quốc trên chiến trường tương lai, kể cả chiến tranh trên không gian vũ trụ và vũ khí thế hệ mới như hỏa tiễn siêu thanh và vũ khí hạt nhân tiên tiến. Ông đặc biệt coi Trung Quốc là mối đe dọa đang tăng lên đối với vai trò thống trị của Hoa Kỳ trên đấu trường thế giới.

Để chuẩn bị ứng phó tốt hơn với thách thức của Trung Quốc, ông Esper muốn giảm bớt công việc ở Afghanistan, Iraq và nhiều nơi khác. Thỏa thuận vừa ký kết với Taliban nằm trong kế hoạch đó. Nói như vậy không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ điều chuyển quân đội từ những nơi khác thẳng tới vùng Ấn Độ-Thái bình dương mà có thể là giảm bớt sự can dự của Mỹ tại những địa bàn ưu tiên thấp, đưa binh lính Mỹ về nhà để huấn luyện, đào tạo những kỹ năng cần thiết cho chiến tranh tương lai.

Các tổng thống tiền nhiệm của ông Donald Trump cũng đã toan tính như vậy, nhưng rồi bị cuốn vào những cuộc xung đột ở Trung Đông, Afghanistan và châu Phi. Chỉ tính riêng năm ngoái 2019 đã có thêm 20.000 binh sĩ Mỹ được đưa tới Trung Đông để đề phòng Iran.

Nay thì Tổng thống Trump quyết tâm kết thúc các cuộc chiến tranh của Mỹ chống các thế lực cực đoan, những lực lượng nổi loạn như Taliban, và ông Esper có điều kiện để đưa về nhà một lượng lớn binh sĩ Mỹ để chuẩn bị cho chiến tranh “trình độ cao” (high-end warfare).

Hôm qua 29-02, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Kabul, ông Esper tập trung nói tới triển vọng rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan nhưng vẫn nhấn mạnh, Hoa Kỳ “sẽ không ngại” tấn công tiêu diệt các nguy cơ khủng bố ở nước này nếu như Taliban không giữ đúng cam kết ngăn chặn các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tổ chức tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh. Rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan “là mục đích tối hậu của chúng tôi”, nhưng sẽ cần “nhiều tháng”, ông Esper nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra thời khóa biểu về việc rút quân khỏi Afghanistan nhưng theo thỏa thuận với Taliban ký kết hôm qua 29-02 ở Doha, Qatar, trong vòng 180 ngày số quân Mỹ tại Afghanistan sẽ giảm từ 13.000 người hiện nay xuống còn 8.600 người – bằng đúng số quân Mỹ tại Afghanistan lúc ông Trump nhậm chức tổng thống ba năm về trước.

Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch và binh lính Mỹ rút hết khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn duy trì lực lượng chống khủng bố “bên kia đường chân trời” (over-the-horizon): các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Mỹ vẫn đóng căn cứ ở các nước lân cận như Uzbekistan, từ đó phát động tấn công tiêu diệt các nhóm khủng bố Al-Qaeda hoặc nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bên trong Afghanistan.

Ngay từ năm ngoái, Bộ trưởng Esper đã bày tỏ ông muốn rút quân khỏi Afghanistan ngay cả khi không ký được thỏa thuận với Taliban. Phát biểu tại Diễn đàn quốc phòng Ronald Reagan tháng 12 năm ngoái, ông Esper nói: “Tôi sẽ làm việc đó vì tất cả những gì tôi muốn là tái bố trí lực lượng” tới vùng Á châu-Thái bình dương. Ông cho biết thêm rằng ông cũng muốn rút quân khỏi Trung Đông, châu Phi và châu Âu. “Tôi có thể giải phóng quân lực ở tất cả những nơi này, đưa họ về nhà, cho họ nghỉ ngơi, tái huấn luyện rồi tái bố trị họ (tới vùng châu Á-Thái bình dương) để cạnh tranh với Trung Quốc, để trấn an các đồng minh, để tiến hành tập trận và huấn luyện,” ông Esper nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị hoài nghi khả năng Mỹ rút hết quân đội khỏi các điểm nóng hiện nay. Ông Stephen Biddle, giáo sư chính trị quốc tế trường Đại học Columbia, cho biết chính phủ Mỹ thời Tổng thống Barack Obama giai đoạn 2010-2014 cũng có kế hoạch rút quân tương tự, cũng đề ra chiến lược “xoay trục” (pivot) sang châu Á với bóng ma Trung Quốc trong ý tưởng nhưng rồi tổ chức khủng bố IS trỗi dậy, trở thành một thế lực khủng bố đáng sợ và Mỹ lại phải tập trung vào Trung Đông và các cuộc chiến tranh nho nhỏ khác; cuộc “xoay trục” gần như không thực thi được. Trung Quốc có thêm 10 năm quý giá để bành trướng thế lực ở Đông Á, cả về quân sự lẫn kinh tế.

Một số người không tin vào cam kết của Taliban – thế lực cai trị Afghanistan trước khi bị Hoa Kỳ lật đổ năm 2001. Dân biểu Liz Cheney (Cộng hòa, Wyoming) yêu cầu các quan chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không cộng tác hoặc phối hợp với Taliban như một đối tác trong công cuộc chống khủng bố.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan thì thận trọng hơn. “Toàn bộ mọi việc tùy thuộc vào điều kiện thực tế, tùy thuộc vào hành vi của Taliban,” ông Milley nói trước một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư – hàm ý rằng lần này Mỹ sẽ rất linh hoạt về chiến thuật nhưng kiên quyết trong chiến lược xoay trục để sẵn sàng ứng phó với Trung Quốc như ý tưởng của Bộ trưởng Esper.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: